logo-maybe-vn
Mở app

Liệu ta có tin vào Thượng Đế khi đọc "Cuộc Đời Của Pi"?

Yann Martel - tác giả Cuộc Đời Của Pi, đã viết qua lời của một nhân vật rằng,“câu chuyện này sẽ khiến chúng ta tin vào Thượng Đế”. Nhưng với tôi thì không phải vậy. Xuyên suốt câu chuyện trong cuốn sách Cuộc Đời Của Pi, tôi chỉ nhìn thấy khao khát sống mãnh liệt của một kẻ đang rơi vào nghịch cảnh, gần như đã bất chấp tất cả để sinh tồn, kể cả việc phải ăn thịt người hay phân động vật. Đó là một “chuyến phiêu lưu kỳ thú” chăng? Không hề, suy nghĩ này quả thật quá ngây thơ. Đói, khát, đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần, cái chết luôn luôn rình rập, lưỡi hái của tử thần có thể ghé thăm bất kỳ lúc nào. Một hành trình như vậy không thể cắt nghĩa như là một “chuyến phiêu lưu kỳ thú” được.

“Người ta có thể quen với bất kì việc gì, kể cả giết chóc”. Điều đó càng đúng khi người ta có thêm một lý do vững chắc đến mức không thể bác bỏ để đệm lưng: sinh tồn. Chỉ mất vài ngày để từ một kẻ ăn chay thuần tịnh trở nên hưng phấn với việc sát sinh (giết cá). Và thêm vài tuần, việc xẻ thịt róc xương, vắt cạn cốt tủy của một sinh vật dễ như trở bàn tay. Thêm vài tháng nữa, hành động giết chết những sinh vật hiền hậu như chồn biển, moi cả ruột gan máu me nhằm xoa dịu cơn đau rát ở chân cũng chẳng còn vướng bận. Sinh tồn thật khốc liệt, nó khiến mọi sinh vật dễ dàng trở nên tàn nhẫn. Khi đối mặt với cái chết, người ta chẳng còn chỗ cho sự xót thương. Thượng Đế vẫn ở trong lòng, nhưng lời răn của Ngài, ta xin tạm quên mất, vì trước tiên ta phải truy cầu sự sống. Giống như lời nhân vật đã tự thuật: “Khi chính cuộc sống của ta bị đe dọa, ý thức thương cảm bị cùn đi bởi một thèm khát sống đầy ích kỷ.”

Cái chết thực sự rất đáng sợ. Một cái chết đến từ từ, khiến người ta dần hao mòn càng đáng sợ hơn. “Biết mình sắp chết đã đủ khủng khiếp rồi. Nhưng khủng khiếp hơn là biết mình sắp chết mà lại còn thời gian để thấy rõ những hạnh phúc mình đã có và có thể đã có. Ta thấy tất cả những gì ta đang mất, rõ mồn một.” Giống như khi ta bước vào năm tháng tuổi già, ta chưa chết ngay, sinh mệnh của ta đang trôi qua từng chút một. Thật ra, nó vẫn luôn trôi qua kể cả khi ta còn trẻ. Nhưng khi còn trẻ, ta nghĩ bản thân còn nhiều thời gian, đến lúc về già ta mới ý thức được mình sắp bước chân vào bóng tối vĩnh hằng: sự cô độc, lãng quên, những gì ta đang mất, điều đó khiến cái chết trở thành thứ gì đó thật ghê rợn. Có lúc tôi đã nghĩ, việc bản thân sợ chết là điều đáng xấu hổ, và những người làm được việc “không sợ chết” đáng ngưỡng mộ làm sao, họ... thật anh hùng. Thế nhưng “lý do sự chết cứ bám lấy sự sống như vậy không phải do nhu cầu sinh học, mà là do ghen tỵ”. Ghen tỵ vì sự sống quá đẹp đẽ. Thiết nghĩ, ta chỉ thực sự không sợ chết khi cuộc sống này chẳng còn điều gì vướng bận, hoặc khi mà ta sống nhưng chưa bao giờ thực sự yêu quý cuộc sống này. Vì vậy mà “chúng tôi chiến đấu bất kể giá nào, bất kể những thất bại phải chịu, bất kể sự bất khả chiến thắng. Chúng tôi chiến đấu đến tận cùng. Đó không phải vấn đề can đảm. Nó là một cái gì đó thuộc về bản chất, một tình trạng không có khả năng đầu hàng. Có thể cũng chỉ là sự ngu ngốc của lòng ham sống mà thôi.” Suy cho cùng, nếu có thể chọn, thì có lẽ, chẳng ai muốn chết.

“Chẳng phải hễ đã kể lại một cái gì là cái đó thành ra một câu chuyện đó sao?”. Dẫu cho câu chuyện của Pi được kể có là thật, thì khi được thuật lại, nó cũng dần trở thành một điều gì đó hư cấu hay sao? Hành trình gần một năm trời lênh đênh trên biển của mình đã được Pi thuật lại dưới hai phiên bản: một có động vật và phiên bản còn lại thì không. Chúng ta tin vào phiên bản nào hơn? Theo lời Pi, Thượng Đế thích câu chuyện thứ nhất (ta không biết bằng cách nào Pi biết được cả), câu chuyện có động vật vì Ngài tin vào con người. Ở đó, ta vẫn còn thấy được điều gì đó đẹp đẽ nơi giống loài mình: như khát khao sống mãnh liệt, như sự kiên trì và trí tuệ để thuần phục thú ăn thịt và chiến đấu chống lại tự nhiên. 

Còn câu chuyện thứ hai lại khiến ta rùng mình vì độ máu lạnh, kinh tởm và ghê rợn của nó, hay đúng hơn là về chính bản chất của chúng ta. Điều kỳ lạ là, hai điều tra viên người Nhật lại có vẻ tin vào phiên bản thứ hai hơn. Nghĩa là, người ta thực sự tin rằng con người có thể làm được chuyện như vậy hơn là việc sống cùng một con hổ trên một con thuyền suốt 227 ngày. Chúng ta có thể làm được chuyện đó. Nó không diễn ra trong tiểu thuyết, mà xảy ra ngay chính ngoài đời thực. Thú thật là, tôi cũng có phần tin vào câu chuyện thứ hai hơn. Pi đã khóc và nói với hai viên điều tra rằng con hổ đã trốn ở một nơi mà không ai có thể tìm thấy. Phải chăng đó là gợi ý rằng con hổ thực ra chính là hình ảnh phản chiếu của Pi, một hình ảnh tàn nhẫn và khát máu? Chúng ta chẳng thể kiểm chứng, vì nhân chứng chỉ có một: Piscine Molitor Patel (và cũng chính là Pi).

Cuộc Đời Của Pi không khiến tôi tin vào Thượng Đế, nhưng lại khiến tôi suy nghĩ rằng nó là một câu chuyện có thật trên đời. Phải, nó không đơn thuần là một câu chuyện, cũng chẳng phải là một sự việc có thật, nó là một… câu chuyện có thật. Còn bạn thì sao? Bạn tin vào phiên bản nào trong hai câu chuyện được kể bởi Pi hơn? Và liệu câu chuyện có khiến bạn tin vào Thượng Đế? Hãy chia sẻ để tôi được nghe thêm góc nhìn của bạn nhé!

Đôi nét về tác giả

Yann Martel sinh ngày 25/6/1963 ở Salamanca, Tây Ban Nha.

Ông hoàn thành chương trình giáo dục trung học ở Canada tại Trường Trinity College ở Port Hope, Ontario (1979–1981), và tiếp tục học tại Đại học Trent (1981–1984; 1986–1987) và Đại học Concordia (1984–1985), lấy bằng Cử nhân Triết học.

Martel tự khẳng định mình là một nhà văn với việc xuất bản The Facts Behind the Helsinki Roccamatios Những câu chuyện khác (1993). Ba năm sau, ông cho ra đời cuốn tiểu thuyết đầu tiên: Self (Bản Ngã) (1996). Tác phẩm của ông thể hiện những mối quan tâm nhất quán về các chủ đề: bệnh tật, tình dục và danh tính, cái chết, gánh nặng của đau buồn và mất mát.

Cuốn sách Cuộc Đời Của Pi (2001) đã được trao giải thưởng Booker danh giá và được xuất bản với hơn 30 thứ tiếng. Sau đó, đạo diễn Ang Lee (Lý An) đã chuyển thể tác phẩm thành bộ phim cùng tên và đoạt giải Oscar vào năm 2012.

Đánh giá cá nhân: 9/10

  • 2269
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
953

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)