logo-maybe-vn
Mở app

Tiếng Triều Dâng - Bản tình ca đầy khoáng đạt của biển cả

Mishima Yukio (1925 - 1970) là một nhà văn và nhà biên kịch Nhật Bản. Tiểu thuyết Tiếng Triều Dâng xuất bản năm 1954, được Mishima lấy cảm hứng từ chuyến đi Hy Lạp của ông. Say đắm quang cảnh của Hy Lạp và thần thoại Daphnis và Chloe, Mishima đã tạo nên một Tiếng Triều Dâng hoang sơ, đầy tự do.

Lấy bối cảnh sau Thế chiến thứ hai, ở một làng chài thanh bình trên cô đảo Utajima, Tiếng Triều Dâng kể về mối tình giữa chàng ngư dân nghèo Shinji và cô gái đẹp con nhà giàu Hatsue. Điều đặc biệt ở quyển tiểu thuyết này là chỉ với 200 trang, nó đã thêu dệt nên bức tranh phong cảnh đẹp đến mức ngây ngất lòng người, mà nổi bật lên giữa bức tranh ấy là tình yêu muôn hình vạn trạng: tình yêu nam nữ, tình yêu quê hương, yêu thiên nhiên, yêu lao động.

Tất cả những tình yêu kể trên đều hiện hữu trong con người Shinji, chàng ngư dân chất phác, thật thà sống ở đảo Utajima nằm giữa biển khơi muôn trùng sóng lớn. Làm bạn với thiên nhiên rực rỡ và lớn lên trong niềm lao động hăng say của những người dân nơi đây, Shinji đã sớm vun vén được những cảm xúc lâng lâng khó tả khi cậu nắm trong tay mảnh lưới hay khi lặng lẽ lắng nghe tiếng triều dâng. 

“Chàng trai trẻ cảm nhận được bản thân mình đang hòa hợp trọn vẹn với thiên nhiên tươi đẹp xung quanh[…] Tiếng sóng cậu nghe thấy là tiếng của những dòng thủy triều khổng lồ cuồn cuộn trong lòng biển hòa nhịp chảy với dòng máu trẻ trung đang dạt dào trong cơ thể thanh xuân.”

Shinji tròn mười tám tuổi, mang trong mình nhựa sống tràn trề và khát vọng tự do để vươn đến những vùng đất mới lạ. Thật khéo léo làm sao khi ngòi bút của tác giả lại có thể dùng dáng vẻ của thiên nhiên để tạc nên vẻ đẹp tuổi trẻ và nét tính cách phóng khoáng, cởi mở của người con trai này. Những đoạn tả cảnh chiếm dung lượng rất lớn trong tác phẩm, tuy vậy không gây chán nản mà lại bồi đắp nên chất thơ của tác phẩm và mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho mình. Mình vừa cảm nhận được màu xanh biếc của biển, tiếng ào ạt sóng vỗ, mùi mằn mặn của gió, ánh nắng chói chang xuyên thấu da thịt, lại vừa cảm nhận được tâm trạng buồn vui của Shinji. Khi vướng mối tơ lòng, Shinji lặng yên cho tiếng triều vỗ về trái tim. Khi tương tư Hatsue, cậu ra sức lao động cho lòng mình bớt trĩu nặng.

“Gió lạnh thấu xương, nhưng khi quấn dây thừng vào ròng rọc và ngắm nhìn mặt biển xanh thẫm, Shinji cảm thấy trong người trào dâng một dòng sức mạnh lao động làm toát cả mồ hôi.”

Không chỉ tài năng trong việc miêu tả cảnh, tác giả còn có thể miêu tả cuộc sống ngư dân một cách tỉ mỉ, sống động. Qua những phân cảnh lao động của làng chài, mình mường tượng ra được cuộc sống của ngư phủ nơi đây tuy khó nhọc nhưng tràn đầy hân hoan. Nào là giăng lưới đánh bắt cá, lặn tìm ngọc trai, dầm mình thu lượm tảo,... Sau những phút giây làm việc cực nhọc, người dân nơi đây cũng có cách tận hưởng niềm vui thú của đời sống thường ngày. Không hề trách cứ cái nghề biển đã mang lại cho họ làn da rám nắng, đôi tay chai sần và đôi chân nhiều sứt sẹo, bên trong họ chan chứa bao tình cảm tươi đẹp dành cho đảo Utajima. Lời cầu nguyện của Shinji dành cho đảo chính là đại diện tiêu biểu cho tình yêu quê hương của con người chốn này.

“Cho dù thời thế đổi thay, bao nhiêu thói xấu ngoài kia cũng sẽ tiêu tan trước khi chạm đến đảo này[…] Hòn đảo không có lấy một tên trộm này sẽ mãi mãi là nơi của lòng chân thành, tinh thần lao động siêng năng kiên trì, tình yêu trước sau như một, lòng dũng cảm, là xứ sở của những người đàn ông thực thụ không chút đê hèn.”

Nhờ những đức tính tốt đẹp trên mà Shinji mới có được trái tim của Hatsue. Chuyện tình của họ tuy gặp phải gian nan thử thách nhưng cuối cùng cũng có cái kết viên mãn. Toàn bộ câu chuyện trong Tiếng Triều Dâng diễn ra nhanh gọn, nhẹ nhàng, ít kịch tính nên có lẽ tác phẩm này không dành cho những độc giả ưa thích mạch truyện nhiều thắt - mở.

Mình thấy rằng Tiếng Triều Dâng không chỉ đơn thuần là câu chuyện về tình yêu, mà đúng hơn là câu chuyện về nét đẹp của con người và thiên nhiên ở Utajima. Với quá nhiều phân đoạn tả cảnh và những lát cắt cảm xúc của nhiều nhân vật khác trên đảo, chuyện tình giữa Shinji và Hatsue dường như chỉ là một mảnh ghép nhỏ của toàn bộ bức tranh. Vì thế tác phẩm này cũng không dành cho những bạn mong đợi một chuyện tình đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố.

Khi đọc Tiếng Triều Dâng, những gì mình làm chỉ đơn giản là hít thở, cảm nhận và đắm chìm vào không gian trong truyện, nơi có gió biển luồn qua kẽ tóc và tiếng triều dâng dạt dào bên tai. Dệt nên từ văn phong phóng khoáng và lời lẽ thoáng đạt, sự hấp dẫn dịu dàng của tác phẩm này là điều khó cưỡng lại. 

Chấm điểm: 8/10

  • 3012
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
214

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)