logo-maybe-vn
Mở app
K
K2 năm trước
Reading

Hành tinh khỉ - Utopia cho loài khỉ, dystopia cho loài người

Ảnh: Page Tao Đàn
Ảnh: Page Tao Đàn

Hành tinh khỉ - Pierre Boulle

Utopia cho loài khỉ, dystopia cho loài người

KHI LOÀI VẬT LÊN NGÔI

Có tin được không - Có một nơi tồn tại utopia lẫn dystopia trên đời này.

Có tin được không - Cả thiên đường lẫn địa ngục đều tồn tại ở nơi đây, trong một thế giới tương lai không xa cũng không gần với địa cầu là bao. 

Cả utopia và dystopia đều tựu trung lại về những điều không tưởng, nhưng một đằng là viễn cảnh lý tưởng, một đằng lại là địa ngục của cái kia. Ấy vậy mà lại có nơi hội tụ đủ cả hai, lại là một điều không tưởng nữa. Kì lạ thay, cả 2 viễn cảnh đó đều từ chung bàn tay con người mà ra. Chỉ không ngờ rằng, nửa phần utopia của thế giới này tuyệt đối không có dấu chân của loài người!

Hành tinh Soror (Tiếng Latin: Cô em), cái tên nhân tạo đầy lạ lẫm đó chỉ là chốn xa lạ hay vốn dĩ đó chính là Trái Đất? Đó chính là tương lai của chúng ta hay chỉ là một phép ẩn dụ hiện thực đầy táo bạo của Pierre Boulle?

Có lẽ, chúng ta sẽ chả bao giờ biết được, vì tác giả đã khép lại câu chuyện nửa chừng và vội vã trong màu đen vô vọng, như thể ông không dám viết tiếp, hoặc giả như mọi kết cục chỉ tuân theo một lối mòn u ám như vậy. Song, điều lớn nhất mà ông gửi gắm cho chúng ta, những người đang sống những ngày cũ của tương lai, chính là: Nếu chúng ta không cảnh tỉnh sớm căn bệnh ấu trĩ đang tự hoại cuộc sống của chính mình, viễn cảnh khi loài người thoái hóa thành loài vật hạ đẳng, bị một loại từng bị trị khác đè đầu cưỡi cổ, sẽ không còn là viển vông nữa.

Thật vậy, hành tinh Soror - hành tinh khỉ quả là một thiên đường trong mơ đối với mọi loài khỉ ở địa cầu, là ước mơ của mọi nhà môi trường học và sinh vật học. Nơi đây khỉ là loài vật tiến hóa nhất, thượng đẳng nhất, mọi chi tộc loài vượn thống trị tất cả: giáo dục, y tế, xã hội, khoa học. Những gì con người làm được, chúng cũng làm được. Lái ô tô, xây dựng công trình, nghiên cứu sinh học, quân đội, thậm chí cả ngôn ngữ loài người, cả thế đi bằng hai chân độc nhất, chúng cũng có thể làm được. Vậy còn loài người, họ đang ở đâu? Dưới mặt đất, dưới chân loài khỉ. Phải, giống Homo Sapien tinh tú ngày nào giờ đây đã bẹp dí trong kiếp nô lệ cho loài khỉ. Man rợ và hoang dã, mất hẳn tiếng nói và bản sắc, trí tuệ thụt lùi về thuở hồng hoang, đó là tất cả những đặc điểm của giống người nơi đây. Đáng sợ nhất, mọi hành động tàn bạo mà con người từng làm với loài khỉ, từ săn bắn đến nuôi nhốt, từ nô lệ hóa đến biến thành vật thí nghiệm, giờ đều lặp lại với chính con người. 

Ấy vậy mà, chỉ có tên gọi của hành tinh, lại là sản phẩm của con người. Tác giả của nó, nhân vật chính Ulysse, cũng sở hữu số phận kì lạ không kém. May mắn trôi dạt đến hành tinh khỉ sau một sự cố ngoài vũ trụ, anh bất đắc dĩ trở thành người sống sót duy nhất - và cũng là con người có trí thông minh duy nhất trên hành tinh này. Giờ đây, Ulysse phải đóng vai một chàng Robinson Crusoe đời mới vừa phải tìm kế mưu sinh trong thế giới hậu tận thế, vừa phải tìm hiểu những bí mật lịch sử của nền văn minh loài khỉ. Nhưng khi mâu thuẫn giữa con người văn minh duy nhất với cư dân trên hành tinh nổ ra, một cuộc phiêu lưu và tẩu thoát đầy ngoạn mục bắt đầu! 

Nhưng, liệu rằng chặng cuối của hành trình có phải đẹp đẽ như anh mong chờ không?

“You know what they say. Human see, human do” 

(Bạn biết người ta thường nói như thế nào mà. Con người bắt chước mọi thứ chúng thấy)

(Phim Planet Of The Apes (1968))

NGỪNG ĐẤU TRANH ĐỂ TIẾN HÓA, CŨNG LÀ MỘT CỬA NGÕ CHO BƯỚC ĐƯỜNG DIỆT VONG

Ra đời 1 năm sau sự cố hạt nhân tại Cuba (1962) và 2 năm trước khi tuyệt tác sci-fi Xứ Cát (Dune, 1965) trình làng, song Hành Tinh Khỉ - một trong những tác phẩm sci-fi kinh điển nhất trong lịch sử lại không cổ vũ niềm tin về viễn cảnh chiến tranh sẽ dẫn tới tận thế. Không! Tuyệt tuyệt đối không! Chẳng cần chiến tranh, chẳng cần thảm họa hạt nhân, với sự lệ thuộc ngày một lớn vào công nghệ hiện đại, con người cũng sẽ tự đẩy mình vào con đường diệt vong! Trong Hành Tinh Khỉ, cuộc cách mạng khoa học của loài người đã bước vào giai đoạn quá độ, với đời sống vật chất tinh thần càng ngày nâng cao, nhu cầu hưởng thụ tỉ lệ thuận theo. Con người, giờ đây ngày càng buông thả, lười nhác, sống vị kỉ hơn. Vật chất lên ngôi, trí tuệ xuống dốc. Phải nhớ rằng trong Xứ Cát, sau khi trải qua cuộc chiến khủng khiếp với người máy, con người mới ý thức được bản thân và bước vào giai đoạn thăng hoa trong sức mạnh tinh thần và thể chất. Ngược lại, trong Hành Tinh Khỉ, thế giới đã rất may mắn không phải trải qua cuộc chiến nào, nhưng bù lại họ đã thất bại trong cuộc đấu tranh với chính mình, với sự lười biếng, với sự trì trệ tư duy dần mai một quá trình tiến hóa. Hậu quả, là sau nhiều thế hệ, chính là một xã hội tôn thờ idiocracy (chủ nghĩa ngu si), một bước lùi quá khủng khiếp với nền văn minh.

"Những gì xảy ra cho chúng ta đều đã được dự báo trước. Sự lười biếng suy nghĩ đang chiếm giữ não bộ của chúng ta. Sách vở không còn nữa, ngay cả các tiểu thuyết trinh thám cũng trở nên quá tầm với trí tuệ đầu óc con người hiện nay. Không còn trò chơi nào nữa, chẳng còn cuộc thi đấu nào. Ngay cả một bộ phim trẻ con cũng không lôi cuốn được ai…”

Thế nhưng, thay vì đầu tư vào giáo dục để cứu vãn tương lai, họ chọn an phận trong sự hưởng lạc, vào sự trì trệ suốt năm tháng. Điều này đã dẫn đến sai lầm lớn nhất của họ, chính là tạo ra lũ khỉ có trí tuệ vượt trội. Và dĩ nhiên, khi chúng giác ngộ trí tuệ của mình, thì chả khác nào các bộ tộc Gaul lúc chiến đấu với một Đế Chế La Mã trên bờ tàn lụi khi xưa: chúng bắt đầu nổi loạn trong thế chẻ tre như vũ bão - và chiến thắng là tất yếu. Nếu hiểu theo thuyết tiến hóa của Darwin, đây chính là quy luật sinh tồn, kẻ mạnh đánh bại kẻ yếu, và cũng là một lời cảnh tỉnh sâu sắc cho tất cả chúng ta. 

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, bên cạnh hiểm họa chiến tranh, căn bệnh của chủ nghĩa tiêu dùng cũng là điều chúng ta nên cảnh giác, vì đó mới là liều thuốc độc đang giết dần giết mòn xã hội chúng ta ngày nay.

MỘT PHÉP ẨN DỤ VỀ XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI

Không chỉ là bức tranh ảm đạm về tương lai, Pierre Boulle thông qua phép ẩn dụ đã hoán đổi thế giới người và khỉ để soi chiếu những sai lầm tồn đọng trong xã hội hiện tại. Ở Hành Tinh Khỉ, với trí thông minh vượt trội, loài khỉ đã học cách sao chép mọi thành tựu của loài người, nhưng đáng tiếc, chúng không biết chọn lọc giữa điều tốt và xấu. Gần như mọi sai lầm đều bị lặp lại: bộ máy chính trị hỗn loạn và quan liêu, nền giáo dục trì trệ khuôn mẫu, những tư tưởng tân tiến bị loại bỏ và bài trừ. Một xã hội lý tưởng của loài khỉ, nhưng ẩn chứa đầy rủi ro y như giống loài mà chúng từng căm ghét. Tác giả không đề cập quá nhiều đến vấn đề bảo tồn bản sắc của loài khỉ, nhưng cũng nhờ đó tôi đã ngầm đoán được: khỉ đang bị “người hóa”, giống như con người trước đây đã đánh mất ý thức sinh tồn bản năng. Và có lẽ, rồi mai đây, một vòng lặp hủy diệt mới sẽ ra đời. 

Học hỏi và thích ứng đúng là một điều tốt, nhưng bắt chước mọi thứ một cách không kiểm soát và chọn lọc, thì há chẳng phải là một sự trì trệ tư duy đáng quan ngại sao?

Tuy Pierre Boulle không hoàn toàn từ bỏ niềm tin vào con người. Nhân vật chính, Ulysse, dường như được thừa hưởng tài trí vẹn toàn từ người anh hùng Hy Lạp cổ đại cùng tên, là một minh chứng cho khả năng thích nghi và ý chí sinh tồn cố hữu ở giống loài mình. Sử dụng trí thông minh sẵn có, anh đã chứng minh được bản chất người sâu thẳm giữa đồng loại hoang dã của mình, thậm chí đã phát giác sự thật về hành tinh khỉ mà trước đó chưa ai làm được. Anh cũng là biểu tượng cho thứ tình cảm nguyên thủy và bản năng nhất của loài người, đó là tình yêu. Điều đó được thể hiện bằng tình  tình cảm gắn bó với Nova, đó là một tình yêu chân thành và tự nhiên, vượt qua rào cản về ngôn ngữ, về hành tinh, về tư tưởng để chứng minh cái gì làm nên chất "người" chảy trôi bên trong giống loài mình.

Nhìn thế giới khỉ từ phía của Ulysse, tôi còn thấy một điều thú vị khác nữa. Ở Trái Đất, loài người là loài tiến hóa nhất, và cũng tự cho mình là thượng đẳng nhất. Nhưng sẽ thế nào khi họ đến một nơi mất dấu quyền thống trị của mình? Một nơi mà tiêu chuẩn của loài người đặt ra với muôn loài khác bị đảo ngược? Rất rõ ràng, quyền thống trị của con người rất mong manh, dễ đảo lộn. Đứng trên quan điểm con người thượng đẳng thì khỉ g.i.ế.t người là vô lí, nhưng ngược lại nếu chúng làm vậy trong thế giới của chúng cũng hóa hợp lý mà thôi. Mọi sự vẫn vậy, chỉ khác bối cảnh. 

Mọi thứ đều chỉ là tương đối: Thế giới quan của chúng ta được định hình bởi một kẻ hoặc một cộng đồng mạnh hơn, có quyền hơn, chiếm ưu thế hơn. Nhưng nó lại bị khóa chặt trong một cõi bất định, một mảnh đất nhỏ được vũ trụ định sẵn. Còn khi bước ra khỏi ranh giới đó? Không ai biết, không ai hay. Sướng hay khổ, âu cũng chỉ là một lựa chọn. 

Nhập gia tùy tục.

Một thành ngữ rất hợp trong bối cảnh này. Phải, hãy như Ulysse, tự mình tỏ ra “man rợ hóa” như giống người hoang dã trong lồng để lấy lòng bọn khỉ, để sống sót. Nhưng cũng đừng vì vậy mà đánh mất bản tính sinh tồn chảy trong loài Homo sapien, không thì cụ Darwin sẽ rất thất vọng đấy!

NHỮNG MẶT CÒN HẠN CHẾ

Tuy nhiên, mặc dù sở hữu đề tài mới mẻ và câu chuyện cuốn hút li kì, Hành Tinh Khỉ vẫn chưa hoàn toàn là một kiệt tác sci-fi xuất sắc. Tiền truyện về quá trình sụp đổ của loài người được mô tả hết sức mơ hồ và chóng vánh, khó thuyết phục độc giả về viễn cảnh ngày tận thế. Một số yếu tố khoa học do bị phóng đại quá mức nên trở thành phản khoa học, như trong chi tiết truyền sóng điện qua não người, tác giả đã biến nó thành một nghi thức tâm linh bằng việc không chỉ dừng lại ở việc hồi tưởng kí ức một, mà nhiều người, thậm chí sang cả thời tổ tiên xa xưa.

Mặt khác, lối viết truyện vẫn còn hơi hướm cổ điển, với chiều hướng thiên về kể lể và miêu tả bối cảnh truyện, tính cách từng nhân vật cũng khá nhạt nhòa, khô cứng, khó lòng thu hút được lớp độc giả hiện đại. Có thể thông cảm cho Pierre Boulle vì vốn dĩ ông không phải nhà văn chuyên viết truyện khoa học viễn tưởng chuyên nghiệp. Sinh năm 1912 tại Pháp, Pierre lại dành phần lớn tuổi trẻ tại các chiến trường Châu Á những năm Thế Chiến II, nơi gây dựng cảm hứng cho tiểu thuyết đầu tay Cầu Sông Kwai (The Bridge On The River Kwai). Hành Tinh Khỉ vốn được lấy cảm hứng từ một chuyến thăm sở thú, nhưng chỉ nhờ khởi đầu giản đơn vậy mà ông đã sáng tạo một vũ trụ sci fi nổi tiếng đến tận bây giờ. Chính nhờ tiền đề vững chãi này đã giúp các hậu duệ nối tiếp của tác phẩm trở thành cột mốc đáng nhớ trong ngành nghệ thuật, lịch sử lẫn ảnh hưởng xã hội: đó là loạt phim nổi tiếng Planet Of The Apes (1968 - 1973) cùng các phim ăn theo, remake về sau. 

NHỮNG TRĂN TRỞ VỀ HIỆN TẠI, VỀ TƯƠNG LAI

Bằng việc thiết lập một bối cảnh thế giới đảo lộn, Pierre Boulle đã định hình sự mong manh dễ vỡ của các giá trị quan trong xã hội loài người trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển nhanh như vũ bão. Sẽ thế nào khi chính những thành tựu khoa học của chúng ta trở thành con dao hai lưỡi tách rời con người với bản tính tự nhiên? Sẽ thế nào khi chúng ta dừng việc đấu tranh và tự phát triển bản thân? Và liệu rằng, con người có phải sinh vật tiến hóa nhất, đã vượt qua bản tính man rợ từ thuở sơ khai không? Vẫn còn nhiều, nhiều lắm những trăn trở mông lung về thế giới trong tác phẩm kinh điển này, chỉ chờ đợi sự giải đáp của các thế hệ, của bây giờ và mai sau. 

Và giờ, bạn hãy thử nhìn lại thế giới quanh chúng ta, liệu nó có thực sự tốt đẹp như chúng ta hằng nghĩ không? Liệu nó có phải một thiên đường - một utopia thực sự so với những ước mơ mà ông bà, cha mẹ ta từng ao ước? Hay chỉ là với một lớp người, song lại là địa ngục với một tầng lớp khác, một giống loài khác mà chúng ta chưa từng biết đến? Và liệu có những góc khuất ẩn nấp nào chúng ta chưa nhận ra không?

ĐÁNH GIÁ: 4/ 5*

20/1/2022

  • 2393
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1377
K
K2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)