logo-maybe-vn
Mở app
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

Một phần cuộc đời lãnh tụ Hồ Chí Minh dưới góc nhìn giản dị và bình thường trong Búp Sen Xanh của Sơn Tùng

Mình chưa từng nghĩ đến, làm sao một con người có thể trở thành đề tài và cảm hứng xuyên suốt trong sáng tác của một nhà văn - nghề vốn coi sáng tạo không ngừng là yếu tố tối quan trọng? Nhất là với một nhân vật vốn đã quá quen thuộc như chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng nhà văn Sơn Tùng (1928-2021) thực sự viết về Người nhiều đến nỗi, ông được gọi là người “suốt đời tìm và viết về Bác”. Trong suốt những năm tháng cầm bút, nhà văn đã viết 21 tiểu thuyết mà trong đó có đến 13 tiểu thuyết viết về Bác. Với Búp Sen Xanh, Sơn Tùng cho ta thấy diện mạo của Người qua một thứ ngôn ngữ giản dị, gần gũi rất đỗi lay động. Đây không phải một tác phẩm viết ra để nâng tầm, hay mô tả sự phi thường của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành - sự phi thường xuất phát từ nghị lực mà ta vẫn thường nghe. Đây, đơn giản là câu chuyện về quá trình trưởng thành của một con người bình thường, trước khi người ta thay hai từ “vĩ đại” vào cuộc đời người ấy.

Trong những trang đầu tiên của cuốn sách, khung cảnh làng quê Việt cổ xưa hiện ra thật sống động và bình yên: Đó là làng mạc với luỹ tre xanh, bầu trời trong trẻo, với tiếng trẻ nô đùa, tiếng sáo diều,... Cái không khí ấy dĩ nhiên rất quen thuộc với tâm hồn của một người Việt - mùi bùn đất, mùi cỏ cây, mùi khói bếp, hay những bài học làm người giản đơn mà sâu sắc, những câu ca dao dân ca…, nhưng đồng thời, không khí ấy cũng mang cho mình cảm giác nôn nao như là… lạ lẫm - bởi mình lớn lên khi đất nước đã đổi mới, những thành phố mọc lên như lẽ đương nhiên, và mình chỉ có thể mường tượng những luỹ tre, với bầu trời toả khói lam chiều trong sách vở hay những vần thơ. 

Búp Sen Xanh viết về thời thơ ấu của chủ tịch Hồ Chí Minh (sau đây mình sẽ gọi là Nguyễn Sinh Côn - tên thật mà ông nội và cha đã đặt cho Người khi sinh ra). Như bao đứa trẻ cùng thời, Côn lớn lên với lời ru của bà, của mẹ, và cả những bài học răn dạy của thầy, của cha. Không gian làng quê êm đềm, gần gũi thiên nhiên, tình người ấy đã nuôi dưỡng một đứa trẻ sáng dạ và lương thiện, mà như bà Nội cậu nói: “Cháu ăn không gắp nặng đũa, nhường nhịn kẻ trên người dưới. Cháu sớm có lòng thương người, thương từng con vật nuôi trong nhà. Cháu sáng ý, cháu lanh tay, nhạy miệng, khác với những đứa cùng lứa tuổi cháu.”

Hình ảnh Côn được Sơn Tùng xây dựng khá gần với một ông cụ non (mình cho rằng đó là hình ảnh mà phần đa chúng ta đều nghĩ đến khi hình dung về Người), song cũng có những khi Côn bộc lộ sự trẻ thơ khiến mình phải bật cười, như khi cậu giận dỗi anh trai Nguyễn Sinh Khiêm, khi mách bà anh nghịch bẩn chẳng hạn.

Theo dấu chân Côn, ta thấy hình ảnh làng quê Việt Nam dù đang trong giai đoạn bị đặt dưới sự thống trị của thực dân Pháp, vẫn có những lúc thật bình yên, nên thơ. Mình yêu lắm không khí cuộc sống dưới ngòi bút Sơn Tùng: Giản đơn, tràn đầy và thấm thía. Côn cũng như bao đứa trẻ khác, thích thả diều, săn chim, trốn học đi chơi… để rồi bị phạt, bị trách mắng mà vỡ oà những giọt nước mắt trẻ thơ. Một cậu bé mang tâm hồn trong sáng lộng gió như bao người, song cũng là một người sáng dạ hơn bao người. Và điều gì đã khiến một búp sen Xanh trở thành bông sen Vàng (*) sau này?

Mình nghĩ, đó là kết quả của sự tiếp thu cả cái êm ái, dịu dàng của những bà, những mẹ phụ nữ Việt Nam, cùng sự nghiêm khắc của các bậc cha ông. Đó là vì xung quanh Côn chưa bao giờ thiếu những yêu thương, đùm bọc của những người xung quanh, đặc biệt là khi mệ mất - sự yêu thương mà mình nghĩ, đã giữ cho trái tim chú bé Côn luôn trong sáng và ấm áp. Đó là những đêm khuya, chú bé Côn đứng sau cửa nghe cha và các chí sĩ đàm đạo chuyện đất nước. Đó là những lần theo cha vào kinh đô Huế, nhìn sự lẫn lộn giữa người nước Nam và người Pháp, rồi cả cái quyền lực đáng ra phải thuộc về người con nước Nam, lại rơi vào tay những kẻ ngoại lai… Tất cả những điều ấy đã tạo ra một (hay nhiều?) người trí thức mà thời thế nên có, cần có, và may sao đã có.

Cha của Côn - cụ nho Sắc (Nguyễn Sinh Sắc) là người có ảnh hưởng lớn trong quá trình trưởng thành của Côn. Cụ là một trong những người mà cậu sợ nhất, đồng thời cũng kính trọng nhất. Qua Búp Sen Xanh, bạn sẽ thấy được phần nào tình yêu đất nước mãnh liệt của Côn ít nhiều có ảnh hưởng từ cụ. Mình xúc động vô cùng khi chứng kiến Côn - lúc ấy đã trưởng thành, đi tìm Cha trước lúc ra đi tìm đường cứu Nước, lại nhận được một câu hỏi như sau:

“- Hôm nay con đi đâu mà ghé lại đây?

Mắt anh Ba rơm rớm lệ:

- Con đi tìm cha ạ.

- Nước mất, con lo tìm đường cứu nước. Con tìm cha lúc nầy chẳng có nghĩa lý gì.” 

Sinh thời, cụ nho Sắc luôn luôn nghĩ về vận mệnh đất nước. Có nhiều câu văn mà Sơn Tùng miêu tả nội tâm cụ khiến mình cảm phục vô cùng, thậm chí chỉ bằng một câu hỏi bỏ ngỏ, mình cũng thấy nghẹn lòng biết bao: Nước Nam ta sao lại có Tây… Đó không chỉ là băn khoăn của riêng cụ, mà còn là nỗi niềm chung của những bậc chí sĩ thời bấy giờ. Và sau họ, những thế hệ khác được sinh ra cũng mang trong mình lòng sục sôi hướng về Tổ Quốc, lớp sau tiếp thu lớp trước mà tiến lên không ngừng - như cụ Sắc từng nói với hai anh em Khiêm và Côn, rằng thế hệ ông đã bất lực, tất cả chỉ còn trông chờ vào thế hệ con. Song, đây không phải một tác phẩm mang tính giáo điều, tuyên truyền, mà nhiều hơn, là một dòng nước dịu êm không kém phần mạnh mẽ, để ta có thể nhìn thêm về giai đoạn lịch sử loạn ly của đất nước, giai đoạn mà người bình thường sẽ hoá phi thường vì dải đất chữ S:dưới chân. 

Với mình, đây là một cuốn sách hay và cảm động với những sự kiện lịch sử trở nên mềm mại và dễ đi vào lòng người hơn bao giờ hết. Ai bảo lịch sử là khô khan? Một phút trước, mình còn phẫn nộ vì sự chuyên quyền của thưc dân Pháp - chúng bắt vua Thành Thái kí tuyên cáo thông báo với nhân dân việc chống lại nước Đại Pháp, thì lúc sau, mình đã cảm phục và xúc động biết bao khi thấy nhà vua thẳng tay ném cuộn giấy tuyên cáo vào mặt tên quan Pháp mà mắng; mình hãy còn đang hồi hộp trước cuộc biểu tình sục sôi của nhân dân, thì đã nghe lòng yên tâm đến lạ khi chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành cùng bạn bè - khi ấy đã là những tri thức trẻ, hoà vào dòng người để thông ngôn giúp bà con. Chỉ một câu nói rất ngắn thôi, nhưng mình cứ nhớ hoài nhớ mãi và không thôi rung động: 

“Các bạn ơi… đồng bào đi xin xâu, chúng mình đi theo ủng hộ họ, thông ngôn giúp họ. Mau đi nào!

Cả tốp học trò chạy theo Tất Thành nhập vào dòng người như một con sông mùa nước lũ.”

Búp Sen Xanh bắt đầu từ một làng quê yên bình, với những bài học giản đơn, và kết thúc bằng không gian bến cảng rộng lớn, với tiếng còi tàu rền vang, với màn đêm mênh mông chưa thấy lối. Nhưng chúng ta đều biết, hi vọng sẽ bắt đầu toả sáng từ đây.

Đánh giá cá nhân: 5/5. 

(*) Bông Sen Vàng là một tiểu thuyết của Sơn Tùng, được cho là phần tiếp theo của Búp Sen Xanh.

Nguyen Nguyen

  • 3177
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
444
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)