logo-maybe-vn
Mở app
Rosemary
Rosemary2 năm trước
Reading

THỜI XA VẮNG – Sự chênh vênh của những con người bị “xiềng xích”

Tác giả: Lê Lựu

Từ những ngày còn học phổ thông, tôi đã mê mẩn với Văn học Việt Nam, tôi vẫn còn nhớ mình ngấu nghiến từng mẩu chuyện trong cuốn tạp chí Văn nghệ quân đội của bố đến như thế nào, và đọc như nuốt từng từ những tiểu thuyết thời cũ mà giấy đã ố vàng. Dù thời trẻ dại chưa hiểu tường tận ý nghĩa, nhưng tôi thích cái cách mà những tác giả Việt Nam thời kỳ này dùng từ, đặt câu, nghe văn thơ nhưng lại mộc mạc quá đỗi. Nhiều năm sau, tôi mê mải với văn học nước ngoài mà chợt lãng quên đi mảng văn học này, để rồi hôm nay, sau những ngày chênh vênh, tôi chợt nghĩ lại rằng: À, có lẽ mình cần tìm lại thời thơ ấu của mình thôi. Và Thời Xa Vắng đã đến với tôi vào những ngày đầy suy tư như thế.

Lê Lựu sinh năm 1942, là nhà văn trưởng thành trong giai đoạn đất nước bước vào kỷ nguyên mới, đó là thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam nên ông đã chứng kiến những thăng trầm của đất nước giai đoạn này. Cùng với Lê Minh Khuê, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Khải… ông đã dùng ngòi bút của mình để ghi dấu lại một thời kỳ đáng nhớ. Phong cách viết của ông mộc mạc, gần gũi, chân chất như miền quê Hưng Yên nơi ông sinh ra. Bên cạnh Sóng Ở Đáy Sông, Chuyện Làng Cuội, Thời Loạn… thì Thời Xa Vắng cũng là một tác phẩm nổi bật của ông, ghi dấu trên văn đàn ngay từ những ngày đầu xuất bản.

Thời Xa Vắng lấy bối cảnh ở ngôi làng Hạ Vị thuộc tỉnh Hà Nam vào đầu những năm kháng chiến chống Mỹ. Lúc này, bom đạn chiến tranh đã không còn nghe tiếng ở miền quê này nữa, nhưng cái đói, cái khổ vẫn hiện hữu và chực chờ xung quanh những con người này. Ta thấy một ngôi làng có đất có ruộng rộng lớn, nhưng lại bỏ hoang,bỏ phế, để rồi nhà nhà người người đều ngày qua ngày dắt díu nhau đi làm thuê cho những ông chủ, bà chủ nhiều tiền ở những làng khác. Họ bằng lòng để ruộng khô cằn, không canh tác, và vục mặt vào thửa ruộng, bãi đất nhà người ta để làm thuê, để chịu nghe người ta sỉ vả, hạ nhục. Vậy đấy, cái tư tưởng sống phụ thuộc, không biết làm chủ bản thân dường như đã tồn tại ở cái làng này lâu đến mức ai ai cũng thấy bình thường. Ta thấy gia đình ông đồ Khang được cả vùng tôn trọng, nhưng lại nặng cái tư tưởng từ thời phong kiến, đi “mua vợ” cho thằng con trai út chỉ vừa 10 tuổi đầu, để rồi thằng Sài ấy đang tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, ham học ham viết thì lại phải đối mặt và chung sống với một “chị vợ” hơn mình đến ba tuổi! Có lẽ đây sẽ là những mầm mống tiềm tàng cho những bi kịch xảy ra với Sài suốt mấy chục năm sau đó.

Sài là một cậu bé chăm học, và thích được học. Mới chỉ mười mấy tuổi đã bắt đầu tham gia hoạt động phong trào sôi nổi, và được làm liên đội trưởng, là tấm gương học tập cho lũ trẻ ở cái làng Hạ Vị ấy, và cũng là niềm tự hào của cả gia đình ông đồ Khang. Duy chỉ có một điều khiến cậu bé ấy đau khổ, trốn tránh, đó là người vợ trên danh nghĩa của mình, khi lớn lên và ý thức được thân phận cũng như tình cảm trong con người mình, Sài càng trở nên xa lánh với Tuyết – cô vợ tội nghiệp ấy. Gia đình khuyên nhủ anh thương cô ấy, để duy trì nề nếp gia phong của gia đình, để không bị mất mặt với xóm giềng, để không vì việc “quan hệ không tốt với vợ” trở thành một rào cản cho thành tích của anh… Những áp lực vô hình đó đổ lên đầu Sài như gông xiềng, ngăn trở anh được tự do đúng nghĩa. Để đến nỗi, anh cũng không đủ mạnh mẽ để nắm bắt lấy tình yêu đầu đời của mình.

Nhưng cháu ạ, ở đời này, người ta chỉ sẵn sàng chết đói, chết rét, chết bom, chết đạn để che chở, nuôi nấng cho mình tai qua nạn khỏi, con mình được sung sướng, được vinh hoa, chứ không ai chịu tai tiếng, chịu bị sỉ nhục để con mình được tự do theo ý nó.

Cuộc đời của Sài là chuỗi những ngày “trốn chạy” khỏi Tuyết, anh vào bộ đội, thậm chí tình nguyện đi vào chiến trường miền Nam chiến đấu cũng chỉ để không phải nhìn mặt cô ấy. Nhưng cái tư tưởng ấy đã ăn sâu mọi ngóc ngách trong cuộc đời Sài, các anh em đồng chí trong đơn vị câu nhỏ câu to khuyên nhủ anh sống tốt với vợ để sớm được vào Đảng. Để rồi anh lại câm lặng làm theo lời người ta nói, khiến anh càng đau khổ và bế tắc hơn, người ta vui vì “đồng chí Sài” đã làm đúng với những gì mà một người chồng cần phải làm, thầy mẹ vui vì “thằng Sài” cuối cùng đã chịu gần gũi với vợ nó… Nhưng chẳng có ai thật sự đứng trên lập trường của Sài để nhìn vào. Anh càng trở nên ù lì, trầm lặng hơn, anh không dám và cũng không đủ can đảm đấu tranh, anh thà chôn chặt những suy nghĩ của mình còn hơn phải tháo xiềng xích và dũng cảm đứng lên dành lấy cuộc đời đúng nghĩa cho mình.

Tới lúc trở về sau những ngày chiến đấu can trường đem lại tự do cho đất nước, những tưởng anh đã có thể hạnh phúc với lựa chọn của mình, nhưng rồi, sự hấp tấp và cái ngợp quá lớn về chữ “tự do” lần đầu anh có được khiến Sài lại càng sa chân vào hố sâu bi kịch của cuộc đời mình. Tình yêu của anh bộ đội chất phác, thật thà cuối cùng cũng không thể thắng nổi những cơm áo gạo tiền, những sự tinh ranh và lọc lõi của đối phương…

Theo chân Sài, càng lúc tôi càng thương nhưng đồng thời cũng rất giận anh. Thương anh vì bị những định kiến xã hội đè bẹp, suốt cả nửa cuộc đời anh chỉ sống vì những gì người khác muốn, hoặc chạy theo những thứ bản thân không thể có được. Tôi giận vì anh không chịu một lần dũng cảm đứng lên để tự do sống cho chính cuộc đời mình, sợ này sợ kia, lẩn tránh và cam chịu, để rồi lại oán trách xã hội và cả những người xung quanh. Nhưng mà, có tư cách gì để phán xét Sài đây? Trong khi ngoài kia, ở thời hiện đại này còn bao nhiêu con người, kể cả tôi vẫn đang giằng xé và bế tắc giữa những lựa chọn của cuộc đời mình. Sài đã không còn là một cá thể, cái tên này đã trở thành một thế hệ, một kiểu sống, không chỉ tồn tại ở hơn 40 năm trong những trang truyện, mà đến tận hôm nay, vẫn còn rất nhiều Giang Minh Sài đang tồn tại…

Chính bản thân anh chất đầy cách sống của một anh làm thuê. Sẵn cơm thì ăn, sẵn việc thì làm, chỉ hong hóng chờ chủ sai bảo chứ không dám quyết đoán định đoạt được một việc gì. Lúc bé đã đành, khi học hành đỗ đạt, anh đủ tư cách làm một công dân, một người chiến sĩ, tại sao anh không dám chịu trách nhiệm về nhân cách của anh?

Thời Xa Vắng, tôi nghĩ không có nhân vật nào được xem là kẻ phản diện. Mỗi một con người xuất hiện trong cuộc đời Sài đều tượng trưng cho một lớp tư tưởng. Đó là tư tưởng phong kiến nặng nề, tư tưởng hy sinh bản thân để “đẹp mặt” cho tập thể, suy nghĩ hèn hạ nhưng lại che giấu nó đi bằng những điều mà bản thân tự cho là thông minh, thay vì nhìn lại chính mình thì lại oán trách ngược đối phương. Bên cạnh đó, tôi còn thấy được sự dũng cảm, dù chỉ là nửa vời với cuộc sống của mình, và cả những tình cảm gia đình, tình đồng đội đáng quý. Thời Xa Vắng bao hàm rất nhiều màu sắc như vậy, trong hơn 40 năm đó, tôi không chỉ thấy khói lửa của chiến tranh, tem phiếu thời bình, mà còn như thấy được một xã hội sinh động hiển hiện ngay trước mắt.

Tác giả Lê Lựu không chỉ đơn thuần viết nên một Giang Minh Sài với bao biến động của thời cuộc, tôi còn thấy những tư tưởng về công cuộc đổi mới đất nước được khắc họa ở tác phẩm này. Thay vì cắm cúi chấp nhận tủi nhục đi làm thuê nghe chửi rủa, thì người dân đã biết thay đổi trong lối sống của mình. Đất đây, ruộng đây, tại sao không tự mình lao động, trồng trọt và làm giàu cho nhà mình, làng mình, và chế độ chứ? Qua sách báo tài liệu, và qua cả những lời kể từ bố mẹ, tôi hiểu rằng thời kỳ đổi mới ấy có bao nhiêu vất vả, những tưởng sẽ hạnh phúc khi đất nước không còn súng đạn, nhưng để thay đổi những tư tưởng đã hằn sâu vào những người dân, và kể cả là những chính sách không phù hợp từ những người lãnh đạo, là một quãng đường dài vô cùng khó khăn của cả xã hội. Có được ngày hôm nay, ta có quyền hạnh phúc, nhưng những ngày khốn khó đó, ta cũng chẳng thể quên!

Tên tác phẩm là Thời Xa Vắng, nhưng ở một phần nhỏ nào đó, tôi thấy thời kì này thật sự vẫn còn quanh đây, dù đã không còn phải xếp hàng dùng tem phiếu khổ sở, nhưng những tư tưởng đã bám rễ sâu vào xã hội này vẫn ngày ngày hiện hữu. “Đừng để mất mặt gia đình”, “Không được làm thế! Người ta cười cho đấy”, “Phải nghe lời bố mẹ, bố mẹ chỉ muốn tốt cho mày thôi”… trong những câu nói đó, có bao nhiêu phần là thật sự nghĩ cho bản thân mình, tôn trọng thứ mình muốn, hay chỉ là muốn mình làm theo thứ họ cần? Còn bao nhiêu người hiện nay vẫn muốn “sống hộ” người khác chứ! Rồi sẽ còn nhiều Giang Minh Sài nếu bản thân còn nhu nhược, buông xuôi, thay vì dũng cảm thì lại chọn làm theo một cách câm lặng rồi trách móc, đánh mất con người mình từ lúc nào chẳng hay…

Lê Lựu đã viết Thời Xa Vắng bằng tất cả gan ruột, bằng tất cả con người mình. Có những đoạn suy tư rất dài, những trang sách miêu tả kín chữ đặc trưng của văn chương thời kỳ này, không màu mè hoa mỹ, lại chân chất và gần gũi với độc giả, tôi tưởng như đang được hòa mình vào tác phẩm này, và tận mắt thấy cái xã hội tròn đầy mà tác giả đã khắc họa nên. Không có cảm giác phấn khích như khi đọc những tác phẩm hiện đại, nhưng cái cảm xúc mênh mang đến tận khi đã gấp sách lại, là trải nghiệm tôi vô cùng trân trọng. Đó là lý do mà những tác phẩm này sẽ còn trường tồn mãi, nó không chỉ là câu chữ văn chương, mà nó đã là một xã hội thu nhỏ, một tư tưởng không bao giờ được phép quên!

Đánh giá cá nhân: 9/10

  • 3218
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
224
Rosemary
Rosemary2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)