logo-maybe-vn
Mở app
K
K2 năm trước
Reading

Có tiếng người trong gió - Tội ác con người và trái tim người mẹ

Có tiếng người trong gió (Nguyễn Xuân Thủy) - Tội ác con người và trái tim người mẹ

Đó là một trong những đêm dài và đáng nhớ nhất đời tôi.

Trong cái không gian lạnh lẽo và tĩnh mịch của trời Hà Nội chớm đông, dưới ánh đèn nhấp nháy và hương cà phê đen đã sớm nguội lạnh, tôi, 19 tuổi, lật dở từng trang giấy chậm rãi và nhấm nháp.

Đêm đó, tôi, 19 tuổi, lần đầu tiên biết thưởng thức một cuốn sách đúng nghĩa, sau bao nhiêu năm đọc sách nửa vời và dở chừng.

Đêm đó, tôi, 19 tuổi, đã thức trắng đêm lần đầu tiên chỉ để đắm mình vào tình yêu con chữ.

Đêm đó, tôi, 19 tuổi, đã bật khóc lần đầu vì một cuốn sách, vì từng câu từng đoạn văn như xé nát tâm can.

Thật khó để tin rằng, một cuốn sách viết về cái chết, lại có sức lay chuyển người ta đến như vậy, nhất là với một người đương xuân xanh, đương tuổi yêu đời, tuổi tràn đầy sức sống nhất.

Phải chăng đó là vì chữ duyên?

Cuốn sách này, chưa từng nằm trong danh sách best- seller, hay được xếp vào hàng kinh điển thế giới, thậm chí đến cả tên tác giả, Nguyễn Xuân Thủy, cũng còn quá xa lạ với nhiều độc giả Việt Nam hiện nay, nhất là khi tên tuổi anh vốn dĩ không quá nổi trội so với tác giả tiêu biểu đương thời như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Bình Phương hay Nguyễn Ngọc Tư. Tuy vậy, tư tưởng nhân văn và tính hiện thực của cuốn sách, của chính người viết, lại ẩn chứa một sức nặng rất lớn sánh ngang với tác phẩm danh bất hư truyền. Nó đủ lớn để vạch trần những vết hoen ố lan tràn trong cuộc sống tưởng chừng như yên bình này. Nó đủ lớn để thay đổi nhận thức của bất cứ ai từng đọc về vấn nạn buôn bán nội tạng trái phép, về quyền được sống và hạnh phúc của mỗi người. Trên tất cả, cuốn sách cho chúng ta thấy rằng tình yêu của mọi người mẹ trên trái đất này đều vĩ đại như nhau. Điều này khiến tôi càng trân trọng người phụ nữ đã sinh ra mình hơn bao giờ hết và cũng nhận thức được tầm quan trọng to lớn của tình yêu và niềm tin trong cuộc sống này.

Có Tiếng Người Trong Gió mang hơi hướm một truyện ma quỷ, với những cảnh máu me kinh dị xuyên khắp câu chuyện, và những cảnh đan xen hai cõi âm dương đầy ma mị và khủng bố. Thế nhưng, khác với motif thông thường "người gặp ma, ma dọa người, ma g.i.ế.t người", tác giả lại chọn cách kể truyện ngược đầy táo bạo: hồn ma mới là nhân vật chính - kiêm người kể chuyện trong cuốn tự truyện của đời mình. Đó là chuỗi tự sự rùng rợn và hãi hùng hơn tất thảy những truyện ma tầm thường khác: nó kể về tâm ma của lòng người, về một tội ác chống lại nhân loại - nhưng lại được con người dùng để g.i.ế.t dần g.i.ế.t mòn chính đồng loại của mình.

Lần theo dấu chân thời gian về miền ký ức, một bản lai lịch bí ẩn, kì lạ và đầy chua xót hiện ra trước mặt chúng ta - lai lịch của một sinh linh bị đánh cắp trắng trợn cả cuộc đời. Kí ức truy hồi về Tuyết Sơn Thạch, tổ ấm dấu yêu một thời, và cũng là người mẹ ghẻ tàn nhẫn nhất, bỉ ổi nhất khi đã đoạn tuyệt mọi quan hệ với cội nguồn danh tính của nó: quê hương, gia đình và thậm chí đã từ chối chỉ vài phút giây thiêng liêng để nó nhận cái tên cha sinh mẹ đẻ.

Lục Nhị - người ta gọi nó như vậy - mà chính xác hơn đó chỉ là một con số lạ hoắc và bí ẩn. Con số đó là gì? Số đứa trẻ được từng được "nhận nuôi" tại nơi đây? Hay số gia đình đã bị tước đoạt niềm hạnh phúc hiếm hoi trong đời? Dĩ nhiên, một đứa trẻ không hiểu được quá nhiều thuyết âm mưu như vậy, nó chỉ biết rằng tại đây nó và những đứa đồng bạn được dưỡng dục trong tình thương yêu, trong vòng tay chăm bẵm vỗ béo của các má mì hết mực phúc hậu. Không chỉ vậy, họ còn hứa hẹn cho chúng một tương lai xán lạn: được thọ giáo trên ngôi chùa Trúc Lâm trứ danh, khi chúng tròn 16 tuổi.

Hóa ra, không phải mẹ kế nào cũng ác độc như chúng ta vẫn thường nghe. Khi cánh cửa Tuyết Sơn Thạch mở ra, cũng là lúc những má mì tiễn biệt chúng trong nước mắt, trong chuyến đi thụ giáo duy nhất của đời chúng. Đó cũng là lúc tuổi 16 chào đón các những tăng ni trẻ nhập miền Niết Bàn cực lạc bằng nghi lễ thăng thiên trong phòng mổ. 

Cõi cực lạc mà chúng chờ mong quả thật tràn đầy lòng bác ái và sự giác ngộ cao siêu, dó là nơi mà người ta sẽ đánh giá đúng nghĩa một con người qua “tấm lòng” và “nội tâm bên trong” chứ không phải qua bề ngoài. Cũng tại nơi đây, những người khỏe mạnh đang dồi dào sức trẻ như chúng sẽ được “san sẻ tấm lòng từ bi” để cứu vớt mọi chúng sinh “gặp vận khổ đau bởi thân xác trần tục”. Mà không chỉ mỗi “tấm lòng” thôi đâu, cả trái tim, cả lá gan, cả cặp phổi, tất tần tận lục phủ ngũ tạng của các thân xác hoại diệt này đều được dâng hiến cho lý tưởng “phổ độ chúng sinh” quá ư là cao cả này. Quả là một lễ viên tịch long trọng đến nỗi người đã khuất trót nhìn thấy cũng không thể giấu nổi một thoáng mỉm cười.

Như một lẽ thường tình, con người ta khi làm việc thiện vì nghĩa chung thì không ham sự báo đáp hay danh tiếng gì. Bởi vậy, không khó để hiểu rằng  “thoát tục” này cũng là một sự hy sinh mai danh ẩn tích. Nó lặng lẽ đến độ, bản thân những cậu thanh niên đó, cũng không hay biết gì về lễ thăng thiên của chính mình, cho đến khi bị tiêm mũi thuốc ngủ một giấc say li bì đến vô tận. Nó âm thầm đến độ, các “ân huệ” gửi từ các xác phàm này cũng được vận chuyển một cách bí mật và nâng niu hết mực qua hàng loạt các khu chợ mà chả người trần mắt thịt nào hay biết. Thậm chí, phải hạ cấp từ “lặng lẽ” xuống “lén lút” bởi những  chuỗi “hành động thiện nguyện vô cùng cao thượng” này đã đạt độ tinh vi đến tuyệt đối khi qua mặt cả ranh giới luật pháp, cả những quy phạm đạo đức của xã hội.

Hai dòng nước mắt tôi không ngừng tuôn rơi khi đọc về số phận Lục Nhị, về những mảnh đời vô danh mà bi thảm chốn Tuyết Sơn Thạch. Từng câu từng chữ trong sách, như khắc sâu vào tâm can, khiến lồng ngực này đau nhói, khiến cổ họng này nghẹn ngào. Giờ tôi đã hiểu, hình người tô đỏ phần đầu và tay ở trên ảnh bìa không phải là hình vẽ hỏng, mà là dấu ấn của một tội ác, là niềm đớn đau của một vong linh trước thân thể bị hủy hoại bởi lũ ác nhân.

Một đứa trẻ được dưỡng dục, được nuôi nấng chỉ để bị g.i.ế.t thịt như một con vật, bởi những âm mưu ác độc của người lớn, bởi cơn say máu vô độ của những tín đồ sùng bái kim tiền. Một đứa trẻ đã chết bởi vì nó không có tiếng nói, bởi vì nó không được quyền lựa chọn giữa cuộc đời và hư không.

Song, lòng tham, dường như chỉ xếp hạng thứ hai nếu so với một tội ác man rợ hơn: Sự dối trá. Phải tàn ác đến đâu khi lừa một đứa trẻ rằng cha mẹ nó đã từ bỏ nó? Phải ác nhường nào khi tiêm nhiễm vào đầu một đứa trẻ về một tương lai xán lạn, để rồi sau 16 năm ròng rã lại kết thúc cuộc đời nó không chút thương xót? Dĩ nhiên, người chết không thể nói, không thể biết, càng không thể phản kháng, vậy nên bi kịch đó chắc chắn sẽ còn nữa, còn mãi. 

Nhưng, người chết có thể im lặng, còn người sống thì không.

Song hành với hành trình tiến vào cửa tử của các em, là hành trình tìm kiếm con không ngừng nghỉ của người mẹ, là cuộc đấu tranh gấp gáp giành giật sự sống cho các em, để chấm dứt chuỗi tội ác của lực lượng công an hai nước. Và nếu chuyện đời của Lục Nhị khiến tôi cay đắng xót xa, thì hành trình của người mẹ lại khích lệ tôi vững tin vào thiên lương của con người. Để tìm con, một người mẹ đã hy sinh những gì? 16 năm tha hương, 16 năm ngục tù chốn lầu xanh, 16 năm tuổi trẻ rực rỡ nhất. Cũng như Lục Nhị, cô là nạn nhân của thói đời bạc bẽo: một cuộc tình chóng vánh và một lời hứa hẹn hão huyền về tung tích đứa con. 

Nhưng cô cũng có cái tội, đó là từng cố chối bỏ một sự sống đang phôi thai trong mình, và chính điều đấy, cùng với sự dễ đổi thay của lòng người, đã giày vò cả một đời đàn bà. Có lẽ, cái kết không phải là điều cô mong muốn, nhưng chính nhờ ý chí của cô, đã cảm hóa lòng người, đã cứu lấy những sinh linh cận kề bờ diệt vong khác. Nhưng, sau tất cả, ai sẽ là người cứu cô? Ai sẽ bù đắp được cho một đời người, một mạng người? 

Tôi không biết rằng chúng ta nên phán xét người mẹ ấy là tốt hay xấu, rằng cô ấy khôn ngoan hay ngu ngốc. Nhưng tôi thấy thương cho cô ấy, những giằng xé sau khi mất đi đứa con mãnh liệt đến nhường nào, đớn đau ra sao, chẳng ai ngoài cô ấy có thể cảm nhận được. Và cũng hiếm ai làm đôi mắt chúng ta rưng rưng vì câu chuyện thật của chính đời họ, vì tình yêu vô bờ bến và đầy tính lan tỏa như người mẹ này. 

“Mẹ tôi đã đi tìm tôi. Rồi chúng tôi sẽ gặp được nhau. Tôi mong cuộc hội ngộ này. Ước ao duy nhất của tôi lúc này là được gặp mẹ. Tôi tin tôi sẽ gặp mẹ tôi. Tôi linh cảm thấy mẹ tôi đang ở rất gần. Rất gần. Tôi tin, đồ ăn của mẹ hằng ngày cũng ngấm vị mặn của nước mắt giống như tôi. Tôi là nỗi nhớ của mẹ. Mẹ là nỗi nhớ của tôi.”

Văn của Nguyễn Xuân Thủy có một thứ mị lực kinh hồn, khiến người ta trải qua một chuỗi cảm xúc hỗn tạp từ kinh ngạc, đớn đau rồi dằn vặt. Cuốn sách dường như đã cho tôi trải nghiệm tất thảy những cung bậc cảm xúc tồn tại trên cõi đời: niềm vui, tình yêu, nỗi buồn, sự day dứt, cảm giác bồn chồn, lo lắng, nỗi tuyệt vọng, cơn thịnh nộ và cả niềm tin, hi vọng. Bản thân cốt truyện cũng là một sự sáng tạo độc đáo khiến người ta trầm trồ, với ba góc nhìn riêng biệt của đứa con, người mẹ, và những người công an phá án. Song, sự phân bổ ba tuyến truyện chưa đồng đều, phần của người mẹ và đứa con nặng tính tâm lý và cảm xúc, còn lại nặng về hướng phá án, tuy gây được sự hấp dẫn nhờ tính chất bí ẩn hồi hộp vốn có, song lại không làm nổi bật tính nhân văn của câu chuyện. 

Khép lại một cái chết là mở ra cuộc đời mới, gấp lại một bi kịch để thấy đời mình còn an nhàn và hạnh phúc biết bao. Một cuốn sách đáng để đọc lại nhiều lần nữa và đáng để trao tặng đi, trao tặng cho những kiếp người bé mọn và khốn khổ quanh chúng ta. Quan trọng hơn, hãy có cái nhìn rộng lượng hơn đối với cuộc sống, hãy cảm thông trước những nạn nhân của mọi bi kịch cuộc đời. 

Cuốn sách nói nhiều về sự chết, về những linh hồn và sự xấu xa của cõi người, thế nhưng, đối với tôi, đó chỉ là một góc nhìn, là một khía cạnh chỉ nên dùng để mài giũa tính thận trọng và sự gai góc trong tính cách. Tôi không chọn Lục Nhị, tôi chọn ngả vào vai người mẹ khốn khổ kia, vì người sống thì nên học cách yêu thương nhau mà sống, nên học cách đứng dậy trước mọi khổ đau, và sống tiếp. Không cần phải cứ thấy cái chết rồi lao vào sự ủ rũ âu sầu, lựa chọn là ở góc nhìn của chúng ta.

Phải sống, phải học cách đối chọi với đời, dù cho mọi sự không bao giờ được như ý.

ĐÁNH GIÁ: 4/ 5*

10/1//2022

  • 3301
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1615
K
K2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)