logo-maybe-vn
Mở app
Hoài Trinh
Hoài Trinh3 năm trước
Movie

Đạo diễn Park Chan Wook – “Ngài báo thù” đứng sau loạt siêu phẩm nâng tầm điện ảnh Hàn

Là một trong những đạo diễn hàng đầu của điện ảnh Hàn Quốc đương đại, Park Chan Wook từ lâu đã ghi dấu ấn sâu đậm không chỉ trong lòng người hâm mộ tại xứ kim chi mà còn của Châu Á lẫn giới phê bình quốc tế qua những thước phim vừa táo bạo lại giàu giá trị nghệ thuật. Đến với thế giới điện ảnh của Mr. Vengeance (Quý ngài báo thù) cũng đồng nghĩa với việc chìm đắm trong chuỗi trả thù kinh hoàng đầy bạo lực và đẫm máu, ranh giới thiện ác xoá nhoà và giới hạn đạo đức của con người thì luôn bị đẩy đến cùng cực. Trong đó không thể không nhắc đến bộ ba phim báo thù (Vengeance Trilogy) như một điểm sáng chói lọi trong sự nghiệp lẫy lừng của vị đạo diễn 58 tuổi. Hôm nay, hãy cùng mình nhìn lại những tác phẩm tiêu biểu được nhào nặn bởi nhà làm phim tài hoa này nhé.

1. Joint Security Area (2000)

Lấy bối cảnh tại một khu vực phi quân sự chia cách hai miền Bắc – Nam, Joint Security Area là lát cắt bình dị về tình bạn của những người lính Hàn Quốc và Triều Tiên. Câu chuyện mở đầu bằng cuộc điều tra của một tổ chức trung lập về vụ nổ súng sát hại hai người lính Bắc Hàn và một người nữa bị thương ngay trong trạm gác của họ. Trung sĩ Lee Soo Hyeok (Lee Byung Hun) của Nam Hàn được cứu sống khi đang bị thương nằm trên chiếc cầu, ngay giữa hai làn đạn ác liệt. Do hai bên đều tố cáo nhau nên Thiếu tá Sophie Jang (Lee Young Ae), một nữ đặc phái viên trung lập được cử đến để làm sáng tỏ vụ án.

Có thể nói dù đề cập đến yếu tố chính trị khá nặng đô nhưng Joint Security Area vẫn là bộ phim dễ xem hơn rất nhiều so với các tác phẩm sau này của Park. Những khoảnh khắc vui đùa đầy trong sáng và hồn nhiên tựa trẻ thơ giữa những người lính ở hai đầu chiến tuyến sao mà khiến lòng người ấm áp và an nhiên đến lạ. Vậy nên dẫu có phần nào đoán trước hiện thực tàn khốc rốt cuộc cũng sẽ xảy đến như một lẽ tất yếu thì khúc vĩ thanh về giấc mộng thống nhất hai miền Triều Tiên vẫn để lại bao dư âm xao xuyến quá đỗi.

2. Sympathy for Mr. Vengeance (2002)

Mở màn cho bộ ba báo thù là Sympathy for Mr. Vengeance, xoay quanh Ryu (Shin Ha Kyun) là một chàng trai câm điếc đang nỗ lực kiếm tiền để chị gái được thực hiện ghép thận. Mọi chuyện càng trở nên bế tắc khi Ryu bị một tổ chức buôn bán nội tạng lừa đảo đánh cắp thận của chính mình và đồng thời mất luôn cả số tiền anh dành dụm bấy lâu cho việc phẫu thuật của chị. Hoàn toàn tuyệt vọng, Ryu bèn nghe theo lời bạn gái Yeong Mi (Bae Doo Na), bắt cóc cô con gái nhỏ của Park Dong Jin (Song Kang Ho) – giám đốc xưởng đã cho Ryu thôi việc nhằm đòi tiền chuộc. Từ đây các thảm kịch liên tiếp nối đuôi nhau như cơn ác mộng bất tận không hồi kết.

Tuy không được chú ý nhiều bằng Oldboy nhưng đây vẫn là một tác phẩm chỉn chu và hoàn thiện chẳng hề kém cạnh với những lột tả trần trụi về cái ác trong vòng luẩn quẩn nghiệt ngã mang tên trả thù. Tất cả đều chỉ là những con người hết sức bình thường nhưng khi mất đi người họ yêu thương nhất thì hết thảy đều chẳng tìm được lối thoát nào khác ngoài việc để tay mình vấy máu. Ngoài ra bộ phim cũng phản ánh những góc khuất của xã hội Hàn Quốc hiện đại như khoảng cách giàu nghèo, bắt cóc trẻ em, nạn buôn bán nội tạng phi pháp và sự trừng phạt của các tổ chức cực đoan chống chính phủ.

3. Oldboy (2003)

Với bộ phim thứ hai trong series báo thù, Park Chan Wook tiếp tục đẩy sự cực đoan trong thù hận lên đến một tầm cao mới thông qua câu chuyện của Oh Dae Su – người đàn ông bị giam cầm suốt 15 năm mà không biết lý do. Sau khi được thả ra, ông vô tình gặp một cô gái trẻ tên Mido (Kang Hye Jung) làm đầu bếp sushi. Cả hai nhanh chóng đi đến mối quan hệ tình cảm và cùng nhau khám phá chân tướng về tên chủ mưu bắt cóc Oh.

Oldboy đã dành giải Grand Pix tại Liên hoan phim Cannes 2004 và cho đến nay vẫn được xem như một trong những bộ phim châu Á hay nhất mọi thời đại. Tính phi lý và siêu thực trong tấn bi kịch của các nhân vật cơ hồ mang dáng dấp của các bi kịch kinh điển như trong Thần thoại Hy Lạp hay Shakespeare. Không chỉ vậy, tác phẩm còn gây sốc bởi không ngần ngại đụng chạm đến vấn đề loạn luân vốn cực kì nhạy cảm, gián tiếp tạo nên bước đột phá mạnh mẽ cho điện ảnh châu Á thời bấy giờ.

4. Sympathy for Lady Vegeance (2005)

Là phần cuối cùng trong trilogy, Sympathy for Lady Vegeance mang đến sự khác biệt lớn nhất so với hai bộ phim trước đến từ nhân vật trả thù lần này thuộc về phái nữ, kể về Lee Geum Ja (Lee Young Ae) – một nữ sinh bị buộc tội bắt cóc và sát hại một đứa trẻ 5 tuổi. Từ đó cô bắt đầu lên kế hoạch trả thù kẻ đã hãm hại mình trong suốt quá trình ở tù cũng như ra tù.

Vẫn là phong cách kể chuyện độc đáo và lôi cuốn thường thấy của đạo diễn Park nhưng hành trình trả thù trong Lady Vegeance lại sở hữu nét mềm mại và tinh tế rất riêng của sắc thái nữ. Đồng thời bộ phim cũng nhấn mạnh khao khát cứu rỗi của những kẻ trót sa chân vào con đường báo thù qua phân cảnh kết thúc đầy ám ảnh.

5. I’m A Cyborg But That’s OK (2006)

Là bộ phim hài lãng mạn hiếm hoi mà Park Chan Wook thực hiện, I’m A Cyborg But That’s OK đem lại trải nghiệm mới lạ và thú vị hoàn toàn khác xa với những thước phim đen tối quen thuộc của Park. Chuyện phim kể về cuộc sống tại một bệnh viện tâm thần, trong đó Young Goon (Im Soo Jung) là cô gái luôn cho rằng mình là một người máy nên không màng chuyện ăn uống, bởi cô tin chỉ cần được nạp điện là đủ. Il Soon (Bi Rain) lại là một chàng trai chuyên ăn cắp vặt, luôn tin rằng mình có thể ăn trộm bất cứ thứ gì của người khác. Hai con người kỳ quặc cứ thế dần thu hút lẫn nhau, từ đó mở ra hàng loạt tình huống vừa hài hước vừa lãng mạn.

Trái ngược với những gì chúng ta thường hình dung về bệnh viên tâm thần là nơi có không khí tù túng và u ám, I’m A Cyborg But That’s OK lại sở hữu bối cảnh có phần tươi sáng và thân thiện với các sắc xanh đỏ chủ đạo đan xen. Bộ phim chính là sự lựa lý tưởng cho cảm giác “thoát ly khỏi thực tại”, thả hồn vào thế giới mộng mơ cùng những con người kỳ quặc nhưng cũng không kém phần đáng yêu.

6. Thirst (2009)

Thuộc thể loại chính kịch pha lẫn kinh dị, Thirst xoay quanh Sang Hyun (Song Kang Ho), một cha xứ trẻ đặt chân tới châu Phi vì nhận lời làm vật thí nghiệm cho một loại thuốc mới. Tuy nhiên, do tác dụng phụ, loại thuốc này đã biến anh trở thành ma cà rồng khát máu và phải đấu tranh với những nhục cảm mãnh liệt dành cho Tae Ju (Kim Ok Bin) – vợ của người bạn Kang Woo (Shin Ha Kyun) mà đức cha quen biết từ thuở ấu thơ.

Giống như phần lớn các phim cộp mác Park Chan Wook, Thirst sở hữu các nhân vật chính được cách điệu hóa cao độ, mang đến cảm giác siêu thực từ dáng vẻ, cử chỉ cho đến biểu cảm đều khiến người xem ấn tượng sâu sắc. Cùng với đó là phần hình ảnh đậm tính thẩm mỹ kết hợp các pha hành động gãy gọn trên nền sức mạnh phi thường của ma cà rồng cũng đủ mang đến những thước phim mãn nhãn. Bên cạnh đó là loạt trường đoạn giằng xé nội tâm giữa phần con và phần người vốn là đề tài không mới trong phim của Park nhưng vẫn được Thirst truyền tải trọn vẹn với đầy đủ tinh thần của nó.

7. The Handmaiden (2016)

Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Fingersmith (2002) của nhà văn người Anh Sarah Waters, bối cảnh phim được thay đổi chuyển từ thời Victoria sang thời đại Triều Tiên dưới ách cai trị của Nhật. Sook Hee (Kim Tae Ri) là cô gái hành nghề móc túi, được Fujiwara (Ha Jung Woo) – tên lừa đảo người Hàn giả làm bá tước Nhật Bản, sắp xếp làm hầu gái cho tiểu thư của một gia tộc rộng lớn. Kế hoạch của Fujiwara là dụ dỗ Hideko (Kim Min Hee) – nữ thừa kế của gia đình này kết hôn với hắn nhằm chiếm đoạt tài sản của cô. Tuy nhiên, mọi chuyện dần trở nên phức tạp khi hai người phụ nữ bắt đầu có cảm xúc dành cho nhau.

Thành công rực rỡ của The Handmaiden là điều không phải bàn cãi với cơn mưa lời khen từ giới phê bình, đồng thời gặt hái nhiều giải thưởng danh giá như chiến thắng lịch sử cho Phim tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh của Viện Hàn lâm Anh quốc (BAFTA) lần thứ 71. Bộ phim là một bức tranh hoàn mỹ của những khung hình bạo liệt nhưng cũng đầy mê hoặc về tình yêu đồng giới và thông điệp nữ quyền.

Trên đây chính là những cái tên góp phần định hình nên nhãn quan nghệ thuật độc đáo của vị đạo diễn xuất sắc và cá tính nhất nhì xứ kim chi. Bộ phim nào đã đưa bạn đến với vũ trụ điện ảnh của Park Chan Wook và bạn ấn tượng với tác phẩm nào nhất nhỉ? Hãy cùng chia sẻ với mình nhé.

  • 2971
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1850
Hoài Trinh
Hoài Trinh3 năm trước
Movie

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)