logo-maybe-vn
Mở app
Ms Dory
Ms Dory2 năm trước
Movie

[Review Series] Black Mirror- S1 E1 "The National Anthem" - Bản chất thật của con người là gì?

Lưu ý: Bài viết dài, và không tránh khỏi tiết lộ toàn bộ nội dung phim nên các bạn hãy cân nhắc trước khi đọc nhé. 

Có quá nhiều thứ đang nhảy nhót trong đầu mình. Chúng đang chực chờ gào thét để được viết ra sau khi mình xem lại lần thứ n tập đầu tiên trong mùa đầu tiên của Series Black Mirror: The National Athem (Quốc Ca). Và mình sẽ nắm đầu chúng ra, giới thiệu cho các bạn từng cảm nhận một về tập phim này. Thế nên hãy làm ơn cho mình chút kiên nhẫn để theo đến tận cùng bài viết nhé.

Thường những tập cầu tiên của những series thông thường sẽ là phần "dạo đầu" mơn trớn nhẹ nhàng, để người xem từ từ tiếp nhận bộ phim. Nhưng không. Có vẻ như những nhà làm phim của series này muốn "chọn cái ch.ết" khi liên tục nhận đầu khán giả vào một cái thùng phi đầy nước đá. Bởi đập vào mắt khán giả trong phân cảnh đầu tiên của phim đã là tình tiết gây ám ảnh: Một kẻ bắt cóc ép buộc thủ tướng nước Anh phải thực hiện hành vi g.iao c_ấu với một con lợn (vâng, bạn không nghe nhầm đâu. Là một con lợn thật 100%) trước mọi phương tiện truyền thông nếu muốn cứu tính mạng của công chúa.

Thế nào? SỐC - KINH HOÀNG- CHOÁNG NGỢP và... "MÌNH ĐANG XEM CÁI QUÁI GÌ THẾ NÀY???" chắc chắn là cảm nhận chung của những bạn lần đầu xem phim đúng không? Bởi vì đó chính xác là những gì mình cảm nhận được khi lần đầu xem tập này. =]].

Nhưng rồi cơn choáng dần qua đi, để lại nhiều suy ngẫm trong mình về bản chất thực sự của con người. Rằng chúng ta có thể nhẫn tâm và lạnh lùng đến mức nào? Đâu là giới hạn của nhân tính? Và bức xúc thôi, có đủ khiến ta vô can?

1. Quyền lực tối thượng của Mạng Xã Hội

  • Ban đầu, sau khi đoạn video công chúa bị bắt cóc được tung ra, Thủ tướng đã yêu cầu thu hồi ngay video để tránh phát tán đoạn băng đó. Và đây là câu trả lời:
Video đó được đăng trên Youtube. Chúng tôi đã gỡ sau 9 phút. Nhưng 9p là đủ để tải xuống, nhân rộng và phát tán. Cứ gỡ xuống một, sẽ có sáu bản sao xuất hiện chỗ khác. Về cơ bản là không thể nào gỡ được
  • Trớ trêu thay, ngay cả một vị thủ tướng. Nắm trong tay quyền lực tối cao nhất cũng không thể làm được gì khi phải đối đầu với sức mạnh của mạng xã hội. "It trending on Twitter"- Câu nói thốt ra bất lực những cũng chua xót biết bao.Trở lại với thực tế. Bạn còn nhớ cuộc bầu cử nước Mỹ chỉ mới diễn ra đầu năm nay chứ? Trong khi cuộc vận động đang diễn ra, cựu tổng thổng "Nam Trung" khi ấy thậm chí còn bị Twitter dán nhãn "Truyền thông tác động" và khóa vĩnh viễn tài khoản dưới cái cớ là lo sợ kích động bạo lực =)). Thế mới biết ai mới thực sự đang là kẻ làm chủ cuộc chơi. Và rằng quyền lực của mạng xã hội đáng sợ đến thế nào. 

2. Truyền thông hay là kền kền háu đói?

  • Ngay khi biết tin về đoạn video, một cuộc chạy đua theo đúng nghĩa đen đã diễn ra, bất chấp nổ lực ngăn chặn phát tán tin tức của Thủ tướng. Ngăn thế nào được bởi đây là miếng mồi câu view, dành giật giờ xem giữa các nhà đài? Người ta không quan tâm tới người trong cuộc nghĩ gì, cảm thấy ra sao. Người ta chỉ quan tâm ai nắm được tin tức nhanh hơn, ai phát tin trước bởi kẻ đó chính là kẻ "chiến thắng" trong cuộc chạy đua này. Cô phóng viên của đài UKN thậm chí còn gửi ảnh s*x của mình cho gã làm việc trong Nội Các chỉ để gã tuồn cho chút tin mật. Cô ta còn mạo hiểm cả tính mạng của mình, đến tận nơi đội an ninh phục kích kẻ bắt cóc chỉ để lấy được tin ảnh độc quyền. Người ta ví truyền thông như con Kền Kền háu đói chẳng sai chút nào

3. Quyền lực mềm của các KOLs, Influencers hay là hiệu ứng đám đông?

  • Giống Amy và Nick trong Gone Girl về việc tranh thủ sự ủng hộ của dư luận. Sự kiện công chúa bị bắt cóc nhẽ ra đã không được quan tâm nhiều đến thế nếu cô ấy không phải là cô công chúa trong lòng công chúng.
Đây không phải cô công chúa bình thường. Mà là cô công chúa "hiện tượng" của Facebook, rất quan tâm đến môi trường, công chúa được cả nước quý mến.
  • Một khi bạn chiếm được sự yêu thích trước công chúng, nghĩa là bạn đã chiếm trọn yêu thương. Và mọi hành động cho dù là nhỏ nhất sẽ luôn được chú ý. Hãy lấy ví dụ về scandal của "Hong ban chang nhịm" =]] vừa xảy ra gần đây. Rõ ràng là nó gây sốc cho rất nhiều người (trong đó có cả mình) nhưng hãy thành thực với nhau nhé. Nếu anh ta không bất ngờ nổi bật lên qua bộ phim "Hometown Cha Cha Cha". Nếu anh ta không được quá mức yêu thích qua hình tượng một tổ trưởng Hong tốt bụng, thiện lành. Thì câu chuyện ấy có được dư luận quan tâm nhiều đến thế?

4. "Cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại"

  • Bất hạnh của ai đó chẳng là gì cả, miễn là nó không diễn ra với mình. Cuộc hội thoại giữa vợ thủ tướng và ông thủ tướng đáng thương của chúng ta mới cay đắng nhưng "trần trụi" làm sao.
- Mọi người đang cười vào mặt mình- Sao em biết được chứ?- Em hiểu con người. Người ta thích sỉ nhục người khác. Rồi chỉ ngưng cười khi điều đó xảy ra với chính họ.- Chuyện đó sẽ không xảy ra đâu.- Nó đã xảy ra ngay trong đầu họ rồi
  • Cách mà mọi người hồ hởi nâng ly, ánh mắt sáng ngời trong quán bar, hò reo như thể là đang chiến thắng một trận đấu khi nghe thông báo là Thủ Tướng sẽ hành động để cứu công chúa. Hay cách người ta chăm chú theo dõi cảnh quay kinh tởm đó ở trong bệnh viện, rồi bàn tán về nó. Đều khiến mình suy nghĩ thật nhiều về bản chất của con người. Và rồi tự hỏi, liệu khi ai đó gặp bất hạnh, mình có coi như đó là trò tiêu khiển cho bản thân, và rồi hả hê đứng nhìn? Liệu chỉ có bức xúc thôi có là đủ để khiến ta thoát tội, vô can? 

5. "Ngộ độc" màn hình và sự phụ thuộc vào công nghệ.

  • Sau nhiều nỗ lực giải cứu công chúa bất thành, ông Thủ tướng phải chấp nhận làm theo yêu cầu của tên bắt cóc vào đúng 4h chiều. Nhưng trớ trêu thay, công chúa đã được thả vào lúc 3h30, trước cả khi cảnh quay diễn ra. Vì sao không ai phát hiện ư? Vì họ quá bận rộn rúc vào đâu đó để xem TV, để đón chờ xem quyết định của Thủ Tướng. Đến mức chẳng một ai ngoài đường vào thời điểm ấy. Chẳng một ai thấy được nàng công chúa đang lảo đảo bước rồi ngất lịm đi trên cầu.Thủ thật là phải đến lần xem này mình mới hiểu được động cơ của kẻ bắt cóc, thật đấy. Những lần trước, mình đã quá vội vàng tắt phim khi phim về đến những phút cuối cùng chỉ để chực chờ xem những tập khác. Và thế là bỏ qua mục đích thực sự đứng sau hành động đó. Những nhân vật trong phim cũng vậy. Họ quá quan tâm đến những gì diễn ra trên màn hình TV, quá để tâm vào những dòng trạng thái, những bình luận trên mạng xã hội mà quên mất điều gì đang diễn ra ngoài đời. Thì ra, kẻ bắt cóc là một nghệ sỹ từng đoạt giải thưởng Turner (*). Và đây chính là "tác phẩm" để đời của hắn ta trước khi tự kết liễu chính mình. Một tác phẩm xé toạc cái vỏ bọc tốt đẹp mà con người cố tô vẽ. Rồi vả vào mặt chúng ta những gì thật nhất, trần trụi nhất về bản chất của con người.

6. Còn lại gì sau cơn bão?

  • Những cảnh quay cuối cùng của phim- cắng cay thay lại là những cảnh quay đắt giá nhất:
"Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều về tính văn hóa, nhưng không thể phủ nhận sức lan tỏa toàn cầu với 1,3 tỷ người xem. Đây chính là một sự kiện mà tât cả chúng ta đều liên đới. Mặc dù vậy, nó đã không thể hủy hoại danh tiếng của Thủ Tướng, người hiện nay đang nhận thêm nhiều sự ủng hộ với ba điểm cao hơn năm trước."
  • Thủ tướng và vợ lúc đối mặt với tryền thông và công chúng vẫn trưng lên bộ mặt hạnh phúc, vẫn vờ như chưa có gì xảy ra. Nhưng khi cánh cửa đóng lại, họ trở về với sự thật bẽ bàng. Rằng họ sẽ chẵng bao giờ có lại hạnh phúc được nữa. Mọi thử xảy ra như một cơn bão, khi cơn bão đến, người ta phát cuồng vì nó, bàn tán, chỉ trích, hỉ hả. Nhưng rồi khi cơn bão qua đi, người ta sẽ chỉ coi nó như là một sự kiện trong quá khứ và nhanh chóng rơi vào quên lãng. Chỉ có người trong cuộc là sống mãi với nỗi ám ảnh không bao giờ nguôi.

Trên đây là những suy nghĩ của mình về tập phim mà mình trăn trở nhất series Black Mirror. Còn rất nhiều hình ảnh, chi tiết biểu tượng nữa nhưng bài viết đến đây là đã quá dài rồi, mình không muốn phân tích thêm nữa, toai đã quá mệt mỏi rồi =))). Cảm ơn các bạn thiệt nhiều vì đã đọc đến tận những dòng này nhe. Bài viết mang tính cá nhân, rất mong các bạn vào cùng bàn luận.

----------------------

(*) Theo như mình tìm hiểu, giải thưởng Turner là một trong những giải thưởng nghệ thuật được xem là nổi tiếng nhất Châu Âu. Đây là giải thưởng được trao hàng năm để công nhận một tác phẩm nghệ thuật, một triển lãm hay bất kỳ hình thức trưng bày tác phẩm nghệ thuật nào dành cho nghệ sĩ. Đồng thời kéo theo nhiều tranh cãi sau mỗi lần trao giải.

  • 2146
  • 1Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
916
Ms Dory
Ms Dory2 năm trước
Movie

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)