logo-maybe-vn
Mở app
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

Dù chỉ "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian", ký ức vẫn sẽ ghi lại tất cả

“Mẹ ơi,

Con viết thư này để gần thêm mẹ - dù mỗi chữ con đặt xuống đây là một chữ rời xa mẹ hơn.”

Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian là cuốn sách viết dưới dạng một bức thư mà Ocean Vuong gửi cho người mẹ không biết chữ của anh. Người mẹ đã nuôi anh lớn khôn trên nước Mỹ - một đất nước rộng lớn nhưng xa rời ngôn ngữ mẹ đẻ, một đất nước của những người di cư. Và rồi khi lớn lên, con trai bà trở thành “một nhà thơ được ca ngợi là người khám phá lại ngôn ngữ Anh”. 

Ocean Vuong sinh tại Sài Gòn, lớn lên ở Hartford, Connecticut, Mỹ, nơi mà anh thường gọi là “Hartford của con” với những miêu tả chân thực, nặng nề đến mức đặc quánh về những ngôi nhà, những thân phận người lầm lũi, tự xé rách chính mình hoặc bị xé rách. Tuổi thơ anh đã ghép lại thành một phần của Hartford. Anh, một đứa trẻ da vàng, lớn lên trong hoang tàn đổ nát, trong điên cuồng đớn đau, và trong cả những rực rỡ dù chỉ một thoáng của những người xung quanh.

“Đừng để ai nhầm chúng ta là trái quả sinh ra từ bạo lực - mà hãy để họ biết rằng thứ bạo lực đó, dù đã càn qua quả, vẫn không làm hỏng được nó.”

Thật khó để quyết định mình sẽ nói về Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian từ đâu. Dù viết dưới dạng một bức thư và được coi là quá trình trưởng thành của một nghệ sĩ, song sự lai ghép giữa thời gian và những hình ảnh trong sách thường khiến mình có cảm giác đi lạc. Quá nhiều sự kiện, thông tin, chi tiết được viết ra bằng ký ức và hiện tại. Ocean Vuong không để chúng trôi qua kẽ tay một cách đầy bâng khuâng suy nghĩ như cách chúng ta vẫn hay nhìn lại quá khứ. Anh viết lại chúng để khẳng định, để kết luận thêm những điều có thể ta chưa bao giờ nghĩ đến, chưa bao giờ nghĩ theo cách khác. Và mình thực sự đã bị người nghệ sĩ này dẫn dắt bằng thứ ngôn từ được đúc ra từ một tuổi thơ nhiều biến động.

Với Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian, Ocean Vuong đã ghi lại, tái tạo lại những sự kiện, những con người có ảnh hưởng nhất định trong quá trình trưởng thành của anh. 

Đó là lần đầu tiên bị đánh, lần đầu tiên anh biết màu sắc cũng có thể khiến người ta bị phân biệt - khi lũ trẻ da trắng cạo sơn chiếc xe đạp hồng của anh, lần đầu tiên nói dối mẹ để đi làm thêm ở một trang trại thuốc lá, lần đầu tiên sex với một cậu trai khác... 

Đó là cậu trai tên Trevor với đôi môi mà Ocean Vuong đã miêu tả trông như bị xé rách, cậu trai cùng anh kề cận tại trang trại và những ngày trưởng thành sau này, cậu trai đã cùng anh quyết định không nói về kết thúc, sau khi những người bạn của họ lần lượt chết vì sốc thuốc.

Đó là một người mẹ không biết chữ, người sẽ nhận được bức thư dày đặc những chữ rất quý giá này. Người mẹ có thể một phút trước đã ném cái gì đó vào cậu con trai, một phút sau đã có thể hoá dịu dàng. Người mẹ đã nói: “Con phải tìm cách, Chó Con à. Con phải tìm cách vì mẹ không có đủ tiếng Anh để cứu con… Con phải đứng lên không là tụi nó được nước lấn tới. Con có một bụng đầy tiếng Anh rồi… Con phải lấy ra xài, nghe chưa con?”

Đó là ngoại Lan - người bà lú lẫn mang tên một loài hoa khi nở ra trông như bị xé toạc, luôn nghĩ chiến tranh vẫn ở trên bầu trời ta sống, có lần còn nhét quần áo vào lò vi sóng với nỗ lực muốn ẩn mình. Sau năm 75, bà mang hai đứa con gái và một thằng cháu trai đến Mỹ. Có hai trong bốn người họ mắc hậu chấn tâm lý chiến tranh. Dư chấn ấy theo họ đến cả một đất nước xa xôi và tiếp tục thâm nhập vào mọi ngóc ngách cơ thể họ, thâm nhập vào cả những người xung quanh họ - dù những người ấy chưa từng trải qua một cuộc sống giữa chiến tranh. Có một đoạn viết về bà khi đi tìm Ocean Vuong lúc ấy mới chỉ là một thằng nhóc đang bỏ nhà ra đi, khiến mình nhớ mãi:

“Chó Con,” bà khẽ gọi: “Con có trên kia không, Chó Con?” Bà nghển cổ, rồi nhìn ra chỗ khác, nhìn xa lộ ở tầng xa. “Má con. Má con không khoẻ OK? Má con đau. Má con khổ. Nhưng má con mong con, má con cần hai bà cháu mình đó con.” Bà nhúc nhích nhưng vẫn đứng. Lạo xạo tiếng lá khô. “Má con thương con lắm đó Chó Con. Nhưng má con bệnh. Bệnh như bà vậy. Trong đầu nè.”

Mẹ đau, thằng bé nghĩ, nhẩm đi nhẩm lại lời bà. Làm sao người có thể là một cảm giác?” 

Mình tự hỏi có phải vào khoảnh khắc ấy, Chó Con cũng đã cảm nhận được nỗi đau từ hai chữ “mẹ đau” hay không? Giống như mình thấy nghẹn lòng khi đọc suy nghĩ của cậu vậy. 

Cả ngoại lẫn mẹ cậu đều không giấu giếm vết thương tinh thần của mình trong sinh hoạt hàng ngày, ấy là vết thương tồn tại từ chiến tranh và đã hằn sâu, trở thành một phần của họ. Họ bộc lộ nó, lan toả nó trong căn nhà nhỏ ở Hartford, trước mặt đứa trẻ bé nhỏ lớn lên giữa hai nền văn hoá. Một mặt, mình thấy đó là sức mạnh “cởi bung” của tình cảm gia đình - thứ tình cảm bền chắc và có quyền năng cho phép người ta làm bất cứ thứ gì họ muốn, bộc lộ những gì họ là, và mặt khác, mình thấy xót xa cho Chó Con khi lớn lên giữa những điên cuồng, chắp vá từ quá khứ đến hiện tại. Rồi từ lúc nào không hay, cậu đã bình tĩnh đối diện với họ và tự đưa ra những kết luận của mình.  

Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian có thời gian trải dài từ tuổi thơ Ocean Vuong tới khi anh trưởng thành và đi học đại học. Mình đã đọc một số tác phẩm về văn học di dân trước khi đọc Ocean Vuong, nhưng yếu tố di dân, những hệ luỵ, ám ảnh của người di cư trong văn anh khiến mình thấy nhiều hơn, là cảm xúc rung động sau giọng văn bình tĩnh ấy. Làm sao mà những khổ đau và ám ảnh khi hoá thành ngôn từ của Ocean Vuong lại trở nên có vẻ… nhẹ nhàng đến thế? Có phải vì anh đã cho ta nhìn thấy những câu chuyện kể qua điểm nhìn một cậu bé hiền khô và tĩnh lặng. Hay vốn ngôn từ của anh đã tự cho nó một trọng lượng nhất định để rời xa sự huỷ diệt trong kí ức như một vòng tuần hoàn không bao giờ kết thúc, như anh đã trả lời một cựu binh da trắng: “Không thưa ông, huỷ diệt không cần thiết cho nghệ thuật”? 

Và có khi, mình đã nghĩ điều tạo nên tính đa chiều trong ngôn ngữ của Ocean Vuong là sự bóc trần. Anh luôn luôn bóc trần bản chất những ngôn từ anh viết, không để chúng chỉ đi theo một hàng thẳng tắp. Mà cũng chính điều này khiến mình thấy quả thực con người là một vũ trụ thật rộng lớn, và nỗi đau hay sự cô đơn là những hố đen không thể khép miệng. Nó là điều ta chỉ có thể vượt qua.

“Có lần mẹ nói con rằng mắt người là tạo vật cô đơn nhất của Chúa. Vì quá nhiều thứ trên thế giới đi qua con ngươi mà nó vẫn không giữ lại điều gì. Con mắt trong hốc, một mình một cõi, còn không biết rằng có một vật khác giống nó y hệt, cách chỉ vài phân, cũng đói khát và trống rỗng như nó.”

Đánh giá cá nhân: 4.8/5.

  • 3218
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
181
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)