logo-maybe-vn
Mở app
hoanglinh.r
hoanglinh.r2 năm trước
Reading

Lắng Nghe Gió Hát: Mùa hè với gió biển, bia và những bản nhạc buồn

“Thực chất có một vực sâu thăm thẳm ngăn giữa những điều chúng ta cố gắng nhận thức và những thứ chúng ta nhận thức được. Dù có dùng cây thước dài đến mấy cũng không cách nào đo trọn được độ sâu ấy. Thứ mà tôi có thể viết ra ở đây chỉ là một danh sách. Không phải tiểu thuyết hay văn chương, cũng chẳng phải nghệ thuật. Chỉ là cuốn số với một đường kẻ ở chính giữa mà thôi. Và có lẽ là thêm đôi chút giáo huấn ở đâu đó.”

Trong một buổi đi xem bóng chày đột nhiên Haruki Murakami nổi lên suy nghĩ cần phải viết một cái gì đó, thế là Lắng Nghe Gió Hát ra đời. Tác phẩm này đã được gửi đi tham gia và đạt giải nhất một cuộc thi viết truyện ngắn, sau đó được xuất bản thành sách năm 1979. Thành công này đã khuyến khích Murakami tiếp tục theo đuổi sự nghiệp viết lách, sau đó Pinball, 1973 Cuộc Săn Cừu Hoang lần lượt ra đời tạo thành Bộ ba Chuột.

Lắng Nghe Gió Hát giống một bản nhạc du dương có giai điệu của mùa hè hòa vào một chút mùi bia và vang lạnh. Mùa hè năm hai mươi mốt tuổi, nhân vật “tôi” từ Tokyo về nhà nghỉ hè và gặp Chuột ở Jay’s Bar, gặp cô gái có một bàn tay thiếu ngón út làm ở cửa hàng bán đĩa nhạc. Vẫn là một câu chuyện có những cảnh trên giường, có những suy nghĩ nghiêm túc về cái chết nhưng rất nhẹ nhàng.

Không giống như nỗi cô đơn trong thế giới người lớn của Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà, nỗi buồn trong Lắng Nghe Gió Hát là trăn trở của những thiếu niên chưa thực sự bước vào tuổi trưởng thành. Điểm thú vị ở quyển sách này là nó được viết như một cuốn nhật kí, không có bố cục hay mạch truyện cụ thể. Mỗi chương là một câu chuyện nhỏ trong từng ngày hè của nhân vật “tôi”, có lúc là chuyện tâm sự với Chuột, có lúc là những kí ức về người bạn gái đã chết năm cấp ba, và có cả những suy nghĩ lặt vặt về cuộc sống.

“Nếu kể ra sẽ là một câu chuyện dài, nhưng tôi sắp hai mươi mốt tuổi. Vẫn còn thanh niên chán, nhưng không trẻ bằng hồi trước. Nếu không thích thế thì chỉ còn cách nhảy xuống từ tầng thượng của tòa Empire State vào sáng Chủ nhật thôi.”

Nhân vật chính từng là một đứa nhóc cực kì ít nói, đến tận năm 14 tuổi thì bỗng dưng nói liên tục suốt 3 tháng và sau đó bắt đầu nói năng bình thường: tức là không nhiều cũng không ít. Một thiết lập kì lạ, nhưng ngay khi đọc đến chỗ lạ lùng này là não mình tự nhảy lên “A, đúng cái điệu của Murakami đây rồi!”. Tuy nói lạ nhưng mình thấy cũng khá hợp lý (theo logic của Murakami nhé), mình nghĩ đó là quá trình chuyển đổi để cậu bắt đầu học cách cân bằng bản thân với thế giới bên ngoài. 

Mười bốn năm là khoảng thời gian mà nhân vật “tôi” tiếp thu thế giới trong im lặng, sau đó bắt đầu thả cho những suy nghĩ được nuôi trong tâm trí ra ngoài trong vòng ba tháng. Kết thúc quá trình đó, cậu mới bắt đầu hòa nhập vào môi trường xung quanh. Đây chỉ là suy nghĩ cá nhân của mình thôi, có lẽ bị ảnh hưởng ít nhiều từ mấy cái khái niệm “vỏ chứa” hay “phần bên trong” từ các quyển khác của ông bác.

Rất dễ để hòa mình vào làn gió mùa hạ của Lắng Nghe Gió Hát, nhất là khi bạn cũng đang ở tầm tuổi hai mươi. Nhân vật để lại ấn tượng cho mình nhiều nhất chắc hẳn là Chuột. Chuột là nhân vật điển hình cho sự mông lung của những thiếu niên chưa hiểu rõ bản thân, một người bạn dễ thương, hay suy ngẫm và có tâm hồn nhạy cảm. Chắc hẳn ai cũng từng có những mâu thuẫn trong suy nghĩ về tương lai như Chuột, và cả những nỗi buồn vu vơ như thế này:

“Chẳng hạn như chuyện cậu bị sâu răng ấy. Bỗng một ngày tự nhiên nó đau. Dù ai an ủi vỗ về thế nào cơn đau cũng không dứt. Và thế là, cậu bắt đầu bực bội với chính mình. Rồi sau đó cậu nổi khùng với những kẻ không bực bội với cậu. Cậu hiểu chứ?”

Chuột thích uống bia, thích viết tiểu thuyết, không rõ thể loại gì nhưng nhìn chung thì có hai điểm ngược lại hẳn với những gì mà ông bác hay viết: “Có hai điểm xuất sắc trong tiểu thuyết của Chuột. Đầu tiên là không có cảnh làm tình, tiếp đến là không có người chết. Không cần viết ra thì con người ta cũng sẽ chết, hoặc sẽ ngủ với đàn bà. Đúng là như vậy.” Biết đâu ông bác cũng đã từng có suy nghĩ như thế về những quyển sách sau này, điều này thì mình không biết, chỉ là tự dưng nghĩ tới vậy thôi. 

Và điểm tươi sáng nhất trong câu chuyện này mình nghĩ là nhân vật cô gái có một bàn tay bốn ngón. Cô là đại diện cho một khoảng thời gian mùa hè vui vẻ, như một làn gió biển mang theo hơi muối, mùi bò hầm và mùi vang lạnh trong căn phòng nhỏ. Cô mang đến những kỉ niệm thanh xuân vui vẻ cho mùa hè năm ấy, dẫu cho mối quan hệ ấy chỉ để lại một cái kết lưng chừng.

“Những cơn gió Nam nhè nhẹ mang hương biển và mùi nhựa đường cháy nắng thoảng tới khiến tâm trí tôi trở về mùa hè của những ngày xưa cũ. Hơi ấm làn da con gái, những bản rock 'n roll cũ rích, chiếc áo sơ mi cổ gập cài nút vừa mới giặt, mùi thuốc lá trong phòng thay đồ ở bể bơi, những dự cảm thoáng qua, tất cả đã trở thành giấc mơ một mùa hè ngọt ngào mãi không bao giờ kết thúc. Và rồi mùa hè của một năm nào đó (khi nào ấy nhỉ), giấc mơ mãi chẳng quay về nữa.”

Mình đọc quyển này sau khi đã đọc kha khá những quyển đình đám của Haruki Murakami, so với những tác phẩm sau thì mình thấy lúc này ông bác còn khá “hiền”. Không có những thế giới song song hay hình ảnh trừu tượng, không có sự đan xen giữa thực và ảo. Chỉ có những mảnh ghép rời rạc làm nên một cơn gió mùa hè vừa mặn vừa ngọt. Và có cả những nỗi buồn bực đến bất chợt mà không biết nên giải thích làm sao.

Theo cảm nhận riêng thì đây là một tác phẩm “bình thường” hiếm có của ông bác (có lẽ vì đây là tác phẩm đầu tay), không có tình tiết nào phức tạp hay rắc rối. Dung lượng khá ngắn, chưa tới 200 trang nên đọc rất nhanh và dễ thấm hơn so với các quyển khác nhiều. Một câu chuyện thích hợp để làm dịu tâm hồn khi cảm thấy cuộc sống xung quanh đang trôi đi quá nhanh.

Đánh giá: 4/5

Hoàng Linh

  • 2971
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1198
hoanglinh.r
hoanglinh.r2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)