Neil Gaiman: Phù thủy của dòng sách thiếu nhi, ly kì, bí ẩn và rùng rợn
Neil Gaiman tên thật là Neil Richard Gaiman, sinh ngày 10 tháng 11 năm 1960 ở Portchester, Anh, là một tác giả đa tài được mệnh danh là “ngôi sao nhạc rock” của văn học thiếu nhi thế giới. Ông bắt đầu làm báo, viết truyện tranh và sáng tác tiểu thuyết vào khoảng năm 1980, bên cạnh đó ông còn viết kịch bản điện ảnh. Dù hoạt động ở lĩnh vực nào, Neil Gaiman cũng đạt được những thành tựu nhất định: giải văn học thiếu nhi Newberry 2009, giải Carnegie, giải World Fantasy, Hugo, Bram Stoker và Nebula. Có nhiều cuốn sách của ông đã được chuyển thể thành phim và được độc giả đón nhận nồng nhiệt như Coraline, Bụi Sao, Câu Chuyện Nghĩa Địa, Good Omens…
Hầu hết các tác phẩm của Neil Gaiman đều chứa yếu tố kỳ ảo và dấu ấn của dòng văn học Gothic, một số tác phẩm của ông (như Coraline), thậm chí còn bị đánh giá là “quá đáng sợ” so với một câu chuyện dành cho thiếu nhi. Tuy nhiên với cách kể lôi cuốn, giọng văn linh hoạt, xây dựng tình huống truyện độc đáo, Neil Gaiman vẫn chinh phục được trái tim người đọc và những tác phẩm của ông cũng được công nhận là bất hủ của văn học thiếu nhi hiện đại.
Ở Việt Nam hiện nay, Neil Gaiman cũng là một cái tên được cả bạn đọc lẫn các nhà phát hành sách săn đón. Trong bài viết này mình giới thiệu 3 cuốn sách của ông là Coraline, Câu Chuyện Nghĩa Địa, Người Đẹp Ngủ Và Con Thoi Ma Thuật.
Coraline
Coraline là cuốn sách nổi tiếng và dành được nhiều giải thưởng nhất trong sự nghiệp sáng tác của Neil Gaiman. Cả bản tiểu thuyết và bản hoạt hình đều từng làm mưa làm gió trong cộng đồng người hâm mộ, thậm chí đã có rất nhiều bài viết phân tích về ý nghĩa ẩn sau các chi tiết của Coraline. Diana Wynne Jones nhận xét: “Tôi cho rằng cuốn sách này rồi sẽ đánh bật Alice Ở Xứ Sở Thần Tiên. Tôi chưa từng đọc tác phẩm nào ly kỳ, lạ thường và độc đáo đến tuyệt vời nhưng vẫn hội tụ đủ những yếu tố khiến trẻ em yêu thích như thế”.
Nội dung:
Một ngày nọ, gia đình Coraline chuyển đến một ngôi nhà cổ với những người hàng xóm rất đỗi kỳ lạ. Coraline - một cô bé đang độ tuổi hiếu động cảm thấy hết sức nhàm chán, đã đi thám hiểm cả căn nhà và phát hiện ra một cánh cửa bị khoá. Lúc đầu khi mẹ Coraline và cô bé cùng mở cánh cửa ấy ra, tất cả những gì họ thấy chỉ là những viên gạch xếp kín, thế nhưng khi màn đêm buông xuống, chính cánh cửa ấy sẽ dẫn Coraline đến một thế giới khác.
Đó là một thế giới song song giống hệt với thế giới bên kia cánh cửa của Coraline: Ngôi nhà, hàng xóm, bố mẹ… Nhưng điểm khác biệt là tất cả mọi người ở đây đều khâu cúc áo lên mắt thay vì những đôi mắt thông thường, và tất cả mọi người đều yêu chiều Coraline một cách vô điều kiện. Với bản tính trẻ con, Coraline dần sa vào những lời ngọt ngào và những hành động quan tâm ấy mà không biết rằng mình đang rơi vào bẫy của một mụ phù thuỷ. Mụ là người chuyên dụ dỗ và móc mắt của những đứa trẻ, khâu cúc áo vào đó để giam cầm linh hồn chúng vĩnh viễn. Tưởng như mộng đẹp nhưng cuối cùng lại biến thành ác mộng, Coraline sẽ làm gì để thoát được khỏi thế giới quái quỷ ấy và bảo vệ bản thân mình, cũng như những người thân yêu?
Cảm nhận cá nhân:
Kinh ngạc, phấn khích và rùng mình - đó là những cảm xúc của mình khi đọc Coraline.
Với trí tưởng tượng tuyệt vời, Neil Gaiman xây dựng một cốt truyện đầy kịch tính mà cũng không kém phần bí ẩn, rùng rợn. Bao trùm Coraline là một bầu không khí kì dị, thẳng căng và tuy những trang đầu tiên có vẻ khá thoải mái thì vẫn khiến mình hồi hộp bởi dự cảm được điều chẳng lành sắp xảy ra. Ban đầu mình khá thích thú và tò mò với thế giới bên kia cánh cửa mà Coraline đặt chân tới, thế rồi cảm giác thích thú và tò mò ấy lại dần bị thay thế bằng nỗi sợ và sự kinh hoàng khi khám phá ra bản chất thật sự của thế giới trong mơ này, cũng như những sinh vật bị mụ phù thuỷ thao túng cho kế hoạch của mụ.
Đặc biệt, Neil Gaiman có cách miêu tả rất hay, không quá dài dòng nhưng vẫn đủ để người đọc mường tượng ra khung cảnh trong truyện, Coraline còn có cả tranh minh hoạ nữa nên hỗ trợ khá tốt trong việc giúp người đọc bắt nhịp được với hình tượng nhân vật mà tác giả xây dựng.
“Sinh vật đó có hai chiếc cúc áo màu đen to tướng ở nơi đáng lẽ ra vốn nên là hai con mắt.
Coraline buột miệng kêu lên, một âm thanh kinh hoàng, đột ngột, và như thể nghe thấy tiếng con bé mà tỉnh giấc, sinh vật đó bắt đầu ngồi dậy. Coraline đứng chết lặng. Sinh vật đó quay đầu cho đến khi cả hai con mắt cúc áo màu đen chĩa thẳng vào con bé. Một cái miệng há ra trên khuôn mặt không có miệng, một chùm sợi dài nhợt nhạt bám vào đôi môi, và một giọng nói không còn, dù chỉ là hơi hơi, giống giọng của cha nó, thì thầm, ‘Coraline’.”
Nếu ở đầu cuốn sách, những “người” ở thế giới bên kia cánh cửa có vẻ hơi kì dị nhưng vẫn tử tế và “bình thường” bao nhiêu thì về sau, sự thay đổi trong thái độ và hình dạng của họ lại khiến mình ngỡ ngàng bấy nhiêu. Mình hồi hộp theo bước Coraline để xem cô bé sẽ đương đầu với những sinh vật ấy như thế nào, và may mắn thay Coraline không phải chiến đấu đơn độc một mình, vẫn luôn có bạn bè bên cạnh cô bé, và tình yêu gia đình là sức mạnh để Coraline không lùi bước trước khó khăn. Neil Gaiman viết một câu chuyện đậm chất kinh dị, nhưng vẫn không quên truyền tải thông điệp nhân văn và sâu sắc: Gia đình và bạn bè là những điều quý giá nhất mà ta không bao giờ nên đánh mất.
Dù vậy có một điều khiến mình hơi băn khoăn là Neil Gaiman chưa đào sâu vào quá khứ của mụ phù thuỷ hay gốc gác thật sự của thế giới song song này. Tuy nhiên, với tư cách là một câu chuyện dành cho thiếu nhi, mình thấy Coraline đã làm tốt vai trò của nó.
Đánh giá cá nhân: 4/5
Người Đẹp Ngủ Và Con Thoi Ma Thuật
Người Đẹp Ngủ Và Con Thoi Ma Thuật là cuốn sách tranh duy nhất của Neil Gaiman được xuất bản ở Việt Nam, tuy nhiên lại có vẻ ít được biết đến hơn so với những tác phẩm khác cùng tác giả.
Nội dung:
Dựa trên cốt truyện Công Chúa Ngủ Trong Rừng và Nàng Bạch Tuyết mà ta đã rất đỗi quen thuộc, Người Đẹp Ngủ Và Con Thoi Ma Thuật là một dị bản cổ tích kết hợp của cả hai câu chuyện đó. Vẫn là câu chuyện nàng công chúa vì đâm đầu ngón tay vào mũi nhọn của con thoi mà khiến lời nguyền của Tiên Hắc Ám ứng nghiệm, rơi vào giấc ngủ triền miên, thế nhưng người đến cứu nàng lại chẳng phải một chàng hoàng tử. Vẫn là câu chuyện về nàng Bạch Tuyết, nhưng nàng Bạch Tuyết không phải người luôn lo sợ thế lực của mẹ kế, mà là một hiệp sĩ đầy can đảm. Với óc tưởng tượng tuyệt vời, Neil Gaiman lại một lần nữa khiến người đọc bất ngờ vì sự xử lý nội dung và cốt truyện độc đáo, mới lạ, tạo nên một dị bản cổ tích khác hoàn toàn với những gì chúng ta vẫn thường đọc lâu nay.
Cảm nhận cá nhân:
Có lẽ Người Đẹp Ngủ Và Con Thoi Ma Thuật là cuốn sách có dung lượng ngắn nhất trong số các tác phẩm của Neil Gaiman đã xuất bản tại Việt Nam. Nét vẽ đậm chất cổ tích, cách dẫn truyện lôi cuốn và đầy ma lực của Neil Gaiman thực sự đã chinh phục mình. Tại đây ông đã xây dựng lại - gần như hoàn toàn, các nhân vật cổ tích: Bà tiên đỡ đầu của công chúa ngủ trong rừng không phải một bà lão già nua xấu xí, Người Đẹp Ngủ cũng không phải là người xinh đẹp tuyệt trần, việc cả vương quốc ngủ cùng công chúa thực có lẽ không phải điều tốt, mà là một điềm báo cho đại dịch đang hoành hành…
Và tất nhiên, không vì xây dựng trên những chất liệu có sẵn mà Neil Gaiman bỏ qua cơ hội tạo ra những nút thắt bất ngờ cho độc giả. Khi bắt đầu đọc câu chuyện này, mình đọc với tâm thế của người đã “biết tỏng” Công Chúa Bạch Tuyết là ai và Người Đẹp Ngủ là ai, nhưng sau đó chính mình lại phải trầm trồ, ngạc nhiên trước diễn biến sự việc cũng như chiều hướng phát triển của nó.
Người Đẹp Ngủ Và Con Thoi Ma Thuật quả thực là một cổ tích hấp dẫn và xứng đáng để thưởng thức.
Đánh giá cá nhân: 4/5
Câu Chuyện Nghĩa Địa
Câu Chuyện Nghĩa Địa là tác phẩm đã đem về cho Neil Gaiman hai giải thưởng danh giá: giải Newbery 2009 và giải Carnegie, giúp Neil Gaiman trở thành tác giả đầu tiên đoạt được đồng thời cả hai giải này. Ngoài ra tác phẩm cũng đã được dựng thành phim.
Nội dung:
Vẫn với phong cách viết ly kì, bí ẩn, nhưng không như Coraline khiến người đọc phải rùng mình, Câu Chuyện Nghĩa Địa là một tác phẩm đầy những điều kì diệu, ấm áp và rất đỗi cảm động.
Bắt đầu từ một vụ thảm sát kinh hoàng ở một gia đình nọ, bé trai duy nhất may mắn thoát được lưỡi dao của kẻ sát nhân đã bò tới một nghĩa địa và tại đây, thay vì gặp những tình huống kinh khủng như người ta vẫn hay nghĩ về một nơi đầy những bia mộ và người chết, thì Bob - đứa bé ấy, lại được chính những người thuộc về thế giới bên kia ấy bảo bọc, chăm sóc trong tình thương mến vô bờ. Và thế là Bob lớn lên một cách kì lạ như thế: sống trong một nghĩa địa cổ, được những hồn ma nuôi dạy và có một người bảo trợ chẳng thuộc thế giới của cả người sống lẫn người chết.
Thế nhưng thời gian dần trôi, khi đã khám phá hết mọi ngóc ngách trong nghĩa địa, sự tò mò và khao khát được chạm tới những thế giới xa hơn đã nảy sinh trong Bob, đây cũng là lúc cậu phải đưa ra lựa chọn cho sự trưởng thành của mình: Ở lại đây mãi mãi với những người đã gắn bó với cậu chừng ấy năm, hay rời khỏi nơi này và khám phá thế giới rộng lớn ngoài kia?
Cảm nhận cá nhân:
Theo cá nhân mình, Câu Chuyện Nghĩa Địa là tác phẩm hay nhất của Neil Gaiman mà mình từng đọc. Nó đủ kịch tính, đủ hồi hộp, song cũng đủ cảm động và cân bằng được sự nhân văn, thú vị của mình. Dù mở đầu bằng một bài đồng dao khá rùng rợn:
“Khúc xương lách cách
Trên đống đá cuội
Là con rối rách
Chẳng ai thèm nuôi.”
Nhưng điểm sáng của câu chuyện không phải cái sự rùng rợn, kỳ bí như Coraline, mà là tình yêu ấm áp giữa các hồn ma với một đứa trẻ ngây thơ vừa mất gia đình. Dù ngay từ đầu khi nhìn thấy bé Bob bò vào nghĩa địa, hai vợ chồng hồn ma Owen đã có một cuộc tranh luận nhỏ: Thằng bé này còn sống, vậy chúng ta có trách nhiệm gì với nó không? Thì về sau, hai người vẫn cùng những hồn ma và phù thuỷ khác trong nghĩa địa chăm bẵm và dạy dỗ Bob. Họ yêu thương Bob như người thân ruột thịt, là những người không muốn Bob rời khỏi nghĩa địa nhất, song cũng là những người muốn cậu được sống với mong muốn của mình nhất.
“Tất cả mọi người ở đây đã sống hết cuộc đời mình, Bob ạ. Cho dù đó là một cuộc đời ngắn ngủi đi chăng nữa. Giờ thì đã đến lượt cháu. Cháu cần phải sống.”
Bob xuất hiện ở nghĩa địa cổ già cỗi này giống như một đặc ân của Thượng đế trao cho cậu, và cũng đồng thời trao cho các cư dân nơi đây. Họ đã sống với nhau những ngày tháng vui tươi, thú vị, phiêu lưu và kịch tính. Thế nhưng ai rồi cũng phải trưởng thành và Bob cũng có con đường cần phải đi của mình. Thật ra khi đọc đến cuối truyện, mình cũng hơi buồn khi Bob bắt đầu chào tạm biệt mọi người, nhưng suy cho cùng mình vẫn thấy vui vì Bob sẽ đi xa hơn nữa, và những người đã nằm lại đây, họ sẽ luôn nhớ và dõi theo cậu, cũng như Bob sẽ luôn nhớ về họ như là gia đình của mình vậy.
Không chỉ là câu chuyện giải trí về một nghĩa địa kì lạ và diệu kỳ, Câu Chuyện Nghĩa Địa còn là câu chuyện về sự trưởng thành và tình yêu thương.
Đánh giá cá nhân: 5/5
Quan Nam
- 2146
- 0Bình luận