logo-maybe-vn
Mở app

Lạnh Lùng: "Tiết hạnh khả phong" dưới góc nhìn của nhà văn Nhất Linh

Nhất Linh, tên thật là Nguyễn Tường Tam, là một nhà văn, nhà báo và cũng là chính trị gia nổi tiếng của Việt Nam trong thế kỷ 20. Ông là người thành lập Tự Lực Văn Đoàn kiêm cây bút chính của nhóm. Ông cũng từng là Chủ bút tờ tuần báo Phong Hóa, Ngày Nay. 

Ra mắt lần đầu vào năm 1935, tác phẩm Lạnh Lùng đã ít nhiều động chạm đến quan điểm của người Việt về đạo tam tòng. Bằng một cách nhẹ nhàng và tinh tế, nó đi vào một vấn đề tế nhị: mưu cầu hạnh phúc của người đàn bà góa. Nhân vật chính của Lạnh Lùng là Nhung, một góa phụ trẻ đẹp. Ba năm trước, chồng Nhung qua đời khi Nhung chỉ vừa mới hai mươi tuổi. Hình bóng của người chồng đã khuất dần mờ nhạt, “chỉ để lại cái dư vị của một quãng đời ân ái chưa thỏa mãn”. Con tim Nhung đã sớm biết yêu trở lại từ khi có sự xuất hiện của Nghĩa, một anh giáo dạy học ở nhà bên.

Chồng đã mất thì đem lòng yêu ai khác cũng không phải chuyện gì lạ. Đau khổ thay, người thời đó cho rằng Nhung phải thủ tiết thờ chồng mới là phải đạo. Cả nhà mẹ ruột lẫn nhà chồng đều mong Nhung ở vậy để giữ tiếng thơm cho cả hai bên. Sự xung đột giữa những cảm xúc bản năng và định kiến của người đời đã khiến lòng Nhung không bao giờ được yên. Trong hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan ấy, nàng chỉ có thể qua lại lén lút với người yêu.

Mình thích cái cách Nhất Linh không dùng ánh mắt chủ quan của đàn ông để nhìn nhận tâm tình của một người phụ nữ mà lúc nào cũng đặt bản thân vào vị trí phụ nữ để cảm nhận. Mình đã rất ngạc nhiên khi thấy Nhất Linh là một nhà văn nam mà lại có thể miêu tả nội tâm của phụ nữ một cách nhuần nhị bằng lời văn nhẹ nhàng, trữ tình, nhã nhặn. Khi Nhung thấy chán cảnh chăn đơn gối chiếc, khi Nhung thầm thương trộm nhớ Nghĩa, khi Nhung và Nghĩa chính thức yêu nhau, khi Nhung sợ bị người khác phát hiện ra mối tình bí mật của mình, khi Nhung bị giằng xé nội tâm dữ dội,... tất cả đều diễn ra một cách hợp lý qua ngòi bút của Nhất Linh. Mặc dù không ở trong cùng hoàn cảnh với Nhung, mình có thể dễ dàng cảm nhận được những gì mà Nhung phải trải qua.

“Nhung ngồi ghé xuống một mép sập, bưng bát cơm ăn. Nàng thấy mọi người từ bà Án cho đến Hòa, không ai thật lòng yêu nàng, nhưng người nào cũng cố hết sức để nàng được yên thân, có lẽ vì thế nên Nhung có cái cảm tưởng rằng mình sống ở trong nhà như một cái bóng yên lặng, và đời nàng, nàng thấy nhạt nhẽo như miếng cơm trắng nàng đang nhai trong miệng.”

Nhất Linh không ngần ngại mà dẫn độc giả vào sâu bên trong thế giới nội tâm của góa phụ, một người phụ nữ đang đắm say trong cái thú vui của ái ân nhưng đồng thời cũng gánh trên vai sức nặng của hai chữ “tiết hạnh”. Nồng nàn, da diết nhưng không hề dung tục, Nhất Linh để độc giả thấy rằng niềm khao khát ái tình của người góa phụ là bình thường và không có gì trái đạo lý.

“Tuy không dám tự thú nhận, nhưng nàng đã biết trước rằng thế nào nàng cũng đến nhà Nghĩa, những mối lo sợ không đủ ngăn cản được nàng. Nhung lại gặp những nỗi băn khoăn lưỡng lự như hồi mới yêu Nghĩa. Nàng nghĩ đến tiếng thơm của mình, của nhà, để khỏi bị cám dỗ, nhưng tiếng gọi của sự ân ái có sức mạnh hơn, lúc nào cũng tha thiết vẳng bên tai. Mỗi lần nghĩ đến cái thú lẩn lút tới nhà Nghĩa, được gặp Nghĩa, nàng thấy hoa cả mắt và trong lòng rung động một cách êm ái.

Nhung không khác gì một người tự tử, lúc ngã xuống nước buột miệng kêu cứu, nhưng thật tình không mong có người khác nghe thấy, khoan khoái nhắm mắt lại để hướng lấy cái cảm giác êm mắt của làn nước nó sắp đưa mình đến cõi chết thoát ly.”

Nhung đã ước rằng phải chi mẹ chồng nàng biết nàng vụng trộm để đuổi nàng ra khỏi nhà, để nàng còn có cái cớ chạy theo tình yêu và tháo bỏ mọi gông cùm của một cuộc đời giả dối. Ấy thế mà mẹ chồng của Nhung dù đã biết chuyện vẫn làm ra vẻ bình thường mà khuyên nàng giữ trọn tiếng thơm, dù cho đó chỉ là tiếng thơm hão. Nhung đã vào vai người vợ, người mẹ, người con dâu mẫu mực suốt ba năm qua, giờ nàng mà làm khác thì còn gì là mặt mũi nữa! Hóa ra cái xã hội ấy cũng giả dối giống như nàng.

Lạnh Lùng, Nhất Linh thể hiện sự bứt phá táo bạo bằng cách đặt ra câu hỏi  về quyền mưu cầu hạnh phúc của con người: Có bất công không khi bắt người phụ nữ phải chôn vùi tuổi xuân trong một đời góa bụa lạnh lùng? Tuy nhiên, tác phẩm lại kết thúc bằng cảnh Nhung hướng mặt vào bức hoành phi bốn chữ vàng “Tiết hạnh khả phong” của nhà chồng, loay hoay giữa đạo lý của xã hội và hạnh phúc của chính mình. Có lẽ vì Nhất Linh vẫn chưa tìm ra một giải pháp chung để tháo bỏ những xiềng xích tư tưởng áp đặt lên số phận con người nên không thể cho nhân vật Nhung một cái kết trọn vẹn. Tuy vậy, tính thời đại của Lạnh Lùng vẫn xứng đáng để chúng ta ca ngợi.

Chấm điểm: 8/10

  • 2228
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1006

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)