logo-maybe-vn
Mở app
Soul360
Soul3602 năm trước
Healthy

8 diều đáng lưu tâm nếu bạn mới bắt đầu bộ môn Yoga

Yoga, một phương pháp luyện tập cơ thể và tâm hồn lành mạnh đang ngày càng trở thành một xu hướng tích cực. Mọi người từ yếu đến khỏe, từ cứng đến dẻo, từ trẻ đến già ai cũng có thể tiếp cận yoga theo nhiều cách khác nhau. Điểm chung của tất cả là ai cũng có “lần đầu tiên”. Vậy, mới bắt đầu đến với yoga và luyện tập nó, bạn nên ứng dụng những gợi ý sau đây để có thể tận hưởng những lợi ích của yoga và tiếp cận nó một cách an toàn

1. Bắt đầu ngay tại “điểm xuất phát”

Nếu là newbie-lần đầu tập, lý tưởng nhất là hỏi phòng tập mà bạn định thử về các lớp, khóa học phù hợp cho người mới. Nếu không có lớp hoặc khóa chuyên biệt “Beginner Class”, hãy chọn những lớp Yoga nhẹ nhàng “Gentle Class”. Ngay cả đối với lớp nhẹ, phải hỏi kĩ người quản lý studio hoặc nhân viên tư vấn về hướng dẫn viên đứng lớp phù hợp cho bạn. 

Vào studio hay vào lớp, đừng ngại chia sẻ với người hướng dẫn về lịch sử luyện tập trước đó của mình, các chấn thương hoặc các bệnh lý cơ thể nếu có. Từ đó, sự quan tâm và hướng dẫn của giáo viên sẽ cụ thể và sâu sát hơn cho bạn nhằm tránh những chấn thương và tạo điều kiện để bạn có kết quả tốt nhất. 

Khi vào lớp cho người mới bắt đầu, bạn sẽ được học những tư thế nền tảng, định tuyến, và những kĩ thuật thở. Hãy tập trung lắng nghe, và đừng ngại hỏi nếu cảm thấy chưa hiểu hoặc không thoải mái. Sự trao đổi của bạn cũng giúp giáo viên “học từ bạn” và giúp chính bạn đi sâu hơn. Nếu giáo viên không kiên nhẫn với bạn, đó có thể là dấu hiệu bạn chưa tìm được một người thầy phù hợp. Có thể suy nghĩ đến việc thử ở một nơi khác.

2. Đến lớp sớm

Cố gắng đến sớm tầm 15 phút hoặc tối thiểu 5 phút. Thời gian này là lúc để bạn “settle down”, tức là làm cho thân và tâm ổn định trước khi vào buổi tập, từ đó giảm đi sự căng thẳng không cần thiết cho một bộ môn mang tính “thư giãn tích cực”. Ngoài ra, việc đến lớp sớm giúp bạn làm quen với không gian phòng tập, giao tiếp với đồng môn, hoặc trao đổi sớm với giáo viên về những điều muốn biết.

Quan trọng nữa, là đến trễ thường sẽ không được vào lớp hoặc làm phiền bạn tập. Đó dĩ nhiên là việc không nên làm.

3. Chọn vị trí tốt trong phòng tập

Nếu là người mới tập, hãy chọn vị trí ở giữa và đừng bị khuất tầm nhìn đến giáo viên. Ở giữa vì bạn có thể ngại đứng đầu, đứng cuối sẽ không là lựa chọn tốt, và vì bạn có thể “nhìn lóm” học viên đã tập nếu thấy lúng túng. Bạn nên tạo cơ hội xuất hiện của mình cho giáo viên để họ thấy được những sai lệch về cơ thể và giúp bạn chỉnh sửa.

4. Đặt ý định tốt cho buổi tập

Hầu hết các lớp yoga đều bắt đầu với một vài phút thở, tĩnh tâm trước khi đi vào các tư thế. Giáo viên có thể sẽ giới thiệu chủ đề hoặc ý định cho buổi tập. Hãy quan tâm đến những gợi ý này để đặt ra ý định cho chính mình. Ví dụ bạn có thể chọn tập trung vào việc hít thở liên kết với di chuyển, hoặc thực tập không phán xét chính mình và người khác. Tạo ra một thái độ tốt để sử dụng yoga để quan tâm đến cơ thể, tâm trí mình là cách thức để bạn phát triển việc luyện tâp Đó là hạt giống tuyệt vời để tưới tắm và nuôi nấng trong tâm hồn.

5. Lắng nghe cơ thể

Chỉ có bạn mới biết bạn đang cảm thấy thế nào. Bất cứ khi nào thấy quá sức, đau, hoặc không “thuận”, hãy ngừng lại, vào tư thế đứng hoặc ngồi đơn giản, hoặc ra hiệu để giáo viên đến giúp.

Nếu không, bạn sẽ làm bị thương chính mình vì sự cố gắng đôi khi là dấu hiệu của “cái tôi” khó bảo.

6. Con mắt đặt ở thảm của mình…

….và ngưng nhìn người khác với suy nghĩ “ôi tới khi nào mới làm được tư thế đó” hoặc “người ta làm cái đó không bằng mình”.  So sánh chỉ làm cho mình thêm mệt, mất thời gian và tự chán nản. Hãy tự vấn chính mình, tự nhìn chính mình, và yêu chính mình. Mỗi bông hoa là một vẻ đẹp, mỗi người là một bông hoa. Và, việc thực tập tự vấn và khai phá bản thân chính là việc thực tập Yoga.

7. Tận hưởng tư thế Xác Chết – Savasana

Đối với nhiều học viên, kể cả những người tập lâu rồi, thì tư thế thư giãn cuối cùng của buổi tập có thể rất thử thách. Chúng ta thường quen với việc căng thẳng và áp lực hơn là thư giãn và thả lỏng. 

Savasana là tư thế và thời gian để mình “tiêu hóa” toàn bộ việc luyện tập trước đó mà mang lại lợi ích tối đa của chúng. Nó còn cho chúng ta những trải nghiệm mới mẻ, có thể rất tĩnh an hoặc ồn ào, việc cần làm chỉ là nằm im, chấp nhận chúng. Cái gì rồi cũng sẽ quen, quen rồi sẽ thích. Đơn giản, chỉ cần quan sát hơi thở cho tới khi bạn buông thư hoàn toàn. 

8. Hãy trở lại lớp

Không có cái gì tốt mà có kết quả ngay. Gieo hạt, nuôi dưỡng cho cây lớn, rồi cây đơm trái ra thì cũng phải đợi chín mới ngọt ngào. Thế nên, hãy cứ kiên trì tập, quay lại tập, tiếp tục tập với một sự biết ơn bản thân, yêu thương nó, yêu thương cả những suy nghĩ của tâm trí, và trở lại lớp yoga như một sự thiết đãi bản thân sẽ mang lại quả ngọt. Chúng ta đều hy vọng như vậy. Duy chỉ có một điều luôn luôn nhớ là nếu lớp yoga/người hướng dẫn yoga đó không còn truyền cho bạn cảm hứng hoặc năng lượng tích cực nữa thì đó là lúc bạn và họ nên tạm dừng. Hãy tìm người thầy tiếp theo.

Soul

  • 2847
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1576
Soul360
Soul3602 năm trước
Healthy

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)