logo-maybe-vn
Mở app

Đọc sách của Minato Kanae: Khi ẩn ức cá nhân biến thành động cơ giết người, điều gì đang diễn ra trong thời đại ta sống?

Đây là câu hỏi mà rất nhiều nhà văn - những “thư ký của thời đại” quan tâm, khi mà trong xã hội hiện đại, những vụ giết người ngày càng có xu hướng xuất hiện nhiều thêm và thậm chí với một lý do rất nhỏ, người ta cũng có thể gây ra ẩu đả và ra tay ngộ sát (hoặc cố ý sát hại) người khác. Là một tác giả tập trung khai thác và phân tích tâm lý con người, các tác phẩm của Minato Kanae cũng không nằm ngoài mối quan tâm kể trên.

Minato Kanae và mối quan tâm về cái ác trong xã hội hiện đại

Minato Kanae sinh năm 1973 tại tỉnh Hiroshima, Nhật Bản. So với phần lớn các tác giả khác, Minato khởi đầu với việc viết văn khá muộn. Cô bắt đầu viết văn vào năm 30 tuổi và cho ra mắt tiểu thuyết đầu tay là Thú Tội (Confession) - cũng là tác phẩm nổi tiếng nhất của cô. Ngay từ khi mới ra mắt, Thú Tội đã gây ra cơn sốt lớn và được trao giải thưởng Sách bán chạy nhất Nhật Bản. Sau đó Minato tiếp tục sáng tác những tác phẩm khác mà hầu hết đều thuộc dòng sách trinh thám - kì bí và được đánh giá cao. Cô được mệnh danh là “Nữ hoàng của thể loại Iyamisu” (Iyamisu là thể loại chuyên khai thác những góc khuất trong tâm hồn con người và có yếu tố kì bí, rùng rợn).

Những tác phẩm của Minato Kanae không chỉ được chào đón trong nước mà còn thành công trên thị trường nước ngoài. Năm 2007, cô đoạt giải Shosetsu Suiri cho nhà văn mới triển vọng. Năm 2009, với Thú Tội, Minato thắng giải cho Sách bán chạy nhất Nhật Bản. Năm 2012, cô đoạt giải truyện ngắn bí ẩn hay nhất tại Nhật. Ở trường quốc tế, với Thú Tội, trong năm 2015 cô cũng gặt hái liên tiếp 3 giải thưởng và đề cử: Giải thưởng Alex, đề cử tiểu thuyết hay nhất ở Strand Critics Award, đề cử cho tiểu thuyết hay nhất ở giải Shirley Jackson.

Minato Kanae có phong cách sáng tác rất đặc trưng: Trong các tác phẩm của cô, người kể chuyện không chỉ có một. Điểm nhìn nhân vật được xoay chuyển liên tục và mọi chuyện xảy ra được tái hiện thông qua những suy nghĩ, cái nhìn của từng cá nhân với thái độ khác nhau. Từ đó, người đọc có cơ hội nhìn nhận vấn đề qua nhiều góc nhìn và lắp ghép các chi tiết để tìm ra sự thật hay bản chất sau cuối. Chính vì thế, nghệ thuật kể chuyện của Minato Kanae là nghệ thuật kể chuyện đa góc nhìn.

Những ai lần đầu đọc sách của cô có lẽ đều thấy mới mẻ và thú vị với cách kể và triển khai vấn đề của tác giả. Tuy nhiên, có lẽ vì cách viết này được Minato sử dụng nhiều nên có độc giả nhận xét rằng: Đọc Minato thì chỉ nên đọc một vài cuốn tiêu biểu, nếu đọc quá nhiều thì sẽ cảm thấy nhàm, vì đã quá quen với lối kể chuyện của tác giả rồi.

Tại Việt Nam, Minato Kanae cũng là một cái tên khá quen thuộc với các độc giả yêu thích dòng văn trinh thám nói riêng và các độc giả quan tâm đến dòng văn bí ẩn (thriller) nói chung. Sách của cô cũng được dịch khá nhiều, hiện nay đã có 5 tác phẩm được dịch và phát hành ở nước mình: Thú Tội, Án Mạng Bạch Tuyết, Vòng Đu Quay Đêm, Chuộc Tội, Cảnh Ngộ. Trong bài này mình sẽ giới thiệu tới mọi người 3 trong số 5 tác phẩm trên của Minato.

Thú Tội

Thú Tội là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Minato Kanae, được công nhận là một trong những cuốn sách bán chạy nhất tại Nhật Bản và đã được chuyển thể thành phim.

Thú Tội đặc biệt ngay từ cách đặt tên chương, mỗi chương tương ứng với một vai trò: Kẻ giảng đạo, Kẻ tuẫn đạo, Kẻ nhân từ, Kẻ cầu đạo, Kẻ sùng đạo Kẻ truyền giáo. Mở đầu Chương 1 - Kẻ giảng đạo là không gian lớp học, với hình ảnh cô giáo Moriguchi đứng trên bục giảng và kể cho các học sinh bên dưới nghe câu chuyện bi kịch đời mình: Cái chết của Minami - đứa con gái ngây thơ và tốt bụng của cô. Lần ấy Minami được phát hiện là đã chết ở cạnh bể bơi sau trường và ai cũng nghĩ đó là một tai nạn, thế nhưng thực tế không phải vậy. Minami đã bị sát hại, mà thủ phạm chính là học sinh trong lớp này.  

Cô Moriguchi là một cô giáo tận tâm với nghề và rất nhân hậu, nhưng đồng thời cô cũng có tấm lòng người mẹ, và có thể trở nên tàn nhẫn vì con mình. Sau cái chết của bé Minami, cô vẫn âm thầm điều tra vụ án, bởi cô không tin mọi chuyện đơn thuần là chuyện ngoài ý muốn. Sau khi tìm ra được sự thật đằng sau cái chết của con gái, cô Moriguchi quyết định mở một phiên xét xử vào buổi học cuối cùng và trừng phạt kẻ sát nhân.

Với mình, Thú Tội là cuốn sách có cách kể rất thú vị và mới lạ, đây cũng là cuốn đầu tiên mình đọc của Minato Kanae. Minato không dừng lại ở chuỗi sự việc nghi ngờ - phá án - bắt kẻ thủ ác phải trả giá như trong cấu trúc thường thấy của một tiểu thuyết trinh thám mà sâu hơn, cô phân tích và lý giải tâm lý con người trong xã hội hiện đại: Một xã hội nếu nói lạnh lùng hoàn toàn cũng chẳng phải mà tồn tại toàn tình thương thì cũng chẳng đúng, đó là một xã hội phức tạp, nếu như không có một sự quan tâm đặc biệt cho giáo dục và gia đình, những đứa trẻ cảm thấy cô đơn và lạc lõng có thể sẽ gây ra những chuyện vô cùng đáng sợ. 

Sau lời kể của cô Moriguchi, góc nhìn được đổi sang một học sinh khác trong lớp, rồi đến người thân của một trong hai người tham gia vụ việc của Minami, rồi đến chính cả kẻ sát nhân… các mảnh ghép bổ trợ lẫn nhau và cho ra một bức tranh toàn cảnh: Góc khuất trong tâm hồn con người, những suy nghĩ vặn vẹo có thể nảy sinh với các thiếu niên bị khuyết thiếu tình thương. Các câu hỏi chất vấn luật pháp cũng được đặt ra: Có nên hay không việc giới hạn độ tuổi phải chịu trách nhiệm của những kẻ giết người? Kẻ phạm tội có nên được tha thứ dù chúng mới chỉ là những đứa trẻ? Làm thế nào để giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường làm tốt vai trò nuôi dạy tâm hồn con người?... 

“Do trẻ vị thành niên đang phát triển, chưa trưởng thành nên nhà nước đã nghĩ đến những phương pháp cải tạo tối ưu thay cho cha mẹ. Như hồi cô vẫn còn ở tuổi vị thành niên, đứa trẻ nào chưa đủ mười sáu tuổi thì dù có phạm tội giết người cũng chỉ bị đưa vào trường giáo dưỡng nếu được tòa án gia đình đồng ý. Trẻ con ngây thơ là chuyện của thời nào cơ chứ. Những năm 90, lợi dụng Luật vị thành niên, đã có hàng loạt vụ án tàn bạo do những đứa trẻ mười bốn, mười lăm tuổi gây ra. Chắc nhiều em biết về vụ “sát thương trẻ nhỏ tại thành phố K” xảy ra hồi các em mới hai, ba tuổi nhỉ? Nếu cô nhắc tới tên mà hung thủ đã sử dụng trong lá thư hăm dọa chắc sẽ có em nhớ ra “À, là vụ đó”. Sau vụ án đó, người ta tranh cãi về việc sửa lại Luật vị thành niên. Đến tháng Tư năm 2001, Luật vị thành niên sửa đổi được ban hành, trong đó có việc hạ độ tuổi của đối tượng bị xử theo luật hình sự từ mười sáu xuống còn mười bốn.”

Theo cảm nhận của mình, Thú Tội là một cuốn sách xây dựng “vừa đủ” về cả hai mặt thiện - ác, không áp đặt suy nghĩ lên độc giả, do vậy mình cũng đã cố thử đọc tác phẩm với một thái độ không phán xét. Kẻ sát nhân cũng có nỗi khổ của kẻ sát nhân, nhưng có nên vì thế nên được cảm thông và thứ lỗi hay không? Cô Moriguchi tuy có hành động trả thù thật tàn nhẫn, nhưng xuất phát từ nỗi đau của người mẹ bị mất con, thế vậy, ta nên ủng hộ hay chỉ trích việc cô làm? 

Bằng giọng văn cuốn hút, khai thác tâm lý tinh tế và giải quyết vấn đề ổn thỏa, trong số các tác phẩm của Minato, Thú Tội là tác phẩm ấn tượng nhất với mình. Tuy rằng câu chuyện u ám nhưng vẫn có tia sáng của lòng nhân hậu và sự tha thứ cao đẹp, có điều nếu viết ra đây thì sẽ tiết lộ quá nhiều về câu chuyện , khuyến khích bạn đọc để tìm hiểu nhé.

Đánh giá: 4/5

Án Mạng Bạch Tuyết

Án Mạng Bạch Tuyết xoay quanh vụ án về một nữ nhân viên xinh đẹp trong công ty mỹ phẩm bị sát hại ở một công viên. Theo lời khai ban đầu của các đồng nghiệp, nạn nhân là một phụ nữ rất được lòng mọi người trong công ty, do vậy ai nấy đều tỏ ra rất hoảng hốt và bàng hoàng khi có người lại đang tâm giết hại một cô gái xinh đẹp và tốt bụng như vậy. Truyền thông sục sôi, báo chí vào cuộc và ráo riết truy lùng các nguồn tin có liên quan đến vụ án. Thế rồi mọi nghi ngờ đột ngột chĩa vào một đồng nghiệp nữ trong công ty và dù chưa có xác nhận chính thức của cảnh sát, công chúng đều nhất trí rằng đó chính là hung thủ. Nhưng sự thật đúng là chỉ có vậy thôi sao?

Giống Thú Tội, Minato Kanae vẫn sử dụng lối viết đảo góc nhìn quen thuộc ở tác phẩm này: Để từng nhân vật tự nói ra suy nghĩ và góc nhìn của mình. Thế nhưng có một điểm khác ở đây mà mình rất thích: Ai cũng có thể là người nói dối. Đúng thế, Án Mạng Bạch Tuyết không phải một cuộc thú tội, mà là một kiểu bày tỏ suy nghĩ, tường trình cảm tính, chỉ nói ra những chi tiết có lợi cho mình và rất có thể là mang ý đồ dẫn dắt kẻ khác tin vào điều sai trái. Ai đã đưa cho nàng Bạch Tuyết trái táo độc? Nàng Bạch Tuyết có đáng chết hay không? Phù thuỷ là ai? Là ai, là ai?

Với mình, Án Mạng Bạch Tuyết được dẫn dắt khá tốt, tuy nhiên vụ án lại không quá đặc sắc, đổi lại, cách khai thác của Minato về vấn đề truyền thông và tội ác rất hay. Đôi khi, với những tay phóng viên chuyên săn tin, cái họ cần không phải là sự thật hay sự xót thương nạn nhân, mà là những tin nóng sốt và sự quan tâm của dư luận với nguồn tin và bài viết của mình. Cũng vì thế mà những gì họ viết có khi chẳng hướng tới sự thật nào cả, mà thậm chí còn định hướng cho đám đông tin vào một điều dối trá, kết tội những người vô tội và khiến họ bị chỉ trích, ảnh hưởng nặng nề. 

Đây là cuốn sách mà mình có sự cảm thông sâu sắc nhất với nhân vật của Minato - người bị truyền thông đổ tội, bị cư dân mạng chửi mắng bằng những từ ngữ thậm tệ trong thời gian dài. Có một thực tế là những việc như vậy đang xuất hiện ngày một nhiều trên không gian mạng. Cảm giác khủng hoảng và sợ hãi khi đối mặt với ngàn vạn lời chỉ trích về một tội lỗi không phải do mình gây ra thật sự rất kinh khủng, do vậy mình rất thương nhân vật bị đổ tội (xin phép không viết tên để hạn chế tiết lộ tình tiết truyện) và căm thù tay nhà báo đứng sau thao túng nguồn tin của vụ án này.

Tóm lại, tuy rằng Án Mạng Bạch Tuyết vẫn hay được xếp vào thể loại trinh thám, có điều mình lại thấy cuốn sách này thiên nhiều hơn về tâm lý - xã hội. Thật ra thì trong những cuốn mình từng đọc của Minato, yếu tố trinh thám thường không phải yếu tố chủ đạo mà chỉ đóng vai trò hỗ trợ giúp bà đi sâu vào việc phơi bày nội tâm và phân tích tâm lý con người.

Đánh giá: 3.5/5

Vòng Đu Quay Đêm

Giống Án Mạng Bạch Tuyết, Vòng Đu Quay Đêm không đơn thuần là một cuốn sách trinh thám mà yếu tố tâm lý - xã hội vẫn chiếm phần nhiều hơn cả. Tuy nhiên có lẽ vì đây là tác phẩm thứ ba mà mình đọc của Minato với cùng một lối viết và cách khai thác truyện nên thấy cuốn này không hấp dẫn bằng hai cuốn trước đó. 

Vòng Đu Quay Đêm bắt đầu bằng một vụ án xảy ra trong một khu dân cư cao cấp tại Nhật, nơi mà các gia đình thượng lưu, trung lưu sinh sống và là niềm mơ ước của bao người. Thế nhưng đằng sau những cuộc đời tưởng chừng như mơ ấy lại là những ẩn ức bị kìm nén, cuối cùng kết quả của những tâm lý bị dồn ép ấy là cái chết của người cha trong gia đình.

“Khu dân cư cao cấp Hibarigaoka rúng động bởi vụ án mạng xảy ra trong một gia đình hạnh phúc như tranh vẽ. Cha là nạn nhân, mẹ là nghi phạm, ba đứa trẻ nhà Takahashi đột ngột đối diện với một tương lai tàn khốc mà chúng chưa từng tưởng tượng ra. Trong quá trình bóc tách từng lớp bóng tối hòng tìm ra sự thật, chúng nhận ra những uẩn khúc của vụ án dần được phơi bày từ câu chuyện của chính những người sống ở nhà đối diện.”

Với Vòng Đu Quay Đêm, Minato tập trung khai thác tâm lý con người về mặt gia đình và lại tiếp tục đặt câu hỏi về giáo dục. Khi mà trong xã hội hiện đại, con cái phải chịu áp lực về kỳ vọng của người lớn, cha mẹ phải chịu áp lực trước cái nhìn xã hội, người với người càng ngày càng khó khăn khi thổ lộ suy nghĩ trong lòng với nhau để tìm ra phương hướng giải quyết… Và trái ngược với suy nghĩ truyền thống về gia đình: Gia đình là nơi ta có thể gửi gắm tâm sự và được an ủi mỗi khi suy sụp, mỏi mệt, thì trong Vòng Đu Quay Đêm, gia đình lại là nơi khiến con người cảm thấy bất an và bức bối.

“Sự thật chỉ có một. Đối tượng để khóc thương, đối tượng để chỉ trích, đối tượng để an ủi, tất cả đều là gia đình, chỉ vậy mà thôi.” 

Nếu như trong Thú Tội, ta ít nhiều vẫn thấy sự gắn kết ấm áp của tình cảm gia đình, thì trong Vòng Đu Quay Đêm, sự gắn kết trong gia đình lại là một điều gì thật méo mó, vụn vỡ. Mình có thể đồng cảm phần nào với cô Moriguchi dù sau đó cô trở nên tàn nhẫn, nhưng lại chẳng thể đạt đến mức cảm thông như kỳ vọng với các nhân vật trong câu chuyện này. Mình cảm thấy khá đáng tiếc vì Minato đã quá tay trong việc đẩy tâm lý nhân vật lên mức cực đoan nhằm tiến hành phân tích, mổ xẻ những hậu quả sau đằng sau. Tất nhiên thông điệp về gia đình và giáo dục vẫn được truyền tải, tuy nhiên cách truyền tải này lại không phù hợp với mình.

Nhiều bạn nhận xét cái kết của Vòng Đu Quay Đêm không đủ thỏa mãn, mình đồng ý với bình luận này. Thậm chí diễn biến câu chuyện cũng cũng không khiến mình quá hứng thú, vì thế mình không đánh giá cao Vòng Đu Quay Đêm.

Đánh giá: 2.5/5

Quan Nam 

  • 3218
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1723

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)