logo-maybe-vn
Mở app

Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới: Luôn có một nơi chốn yên bình trong tiềm thức mỗi người

Haruki Murakami là một cái tên đã không còn quá xa lạ với nhiều độc giả, ông bác viết rất nhiều và cũng đã có nhiều tác phẩm được dịch và xuất bản ở Việt Nam như Rừng Nauy, Kafka Bên Bờ Biển, Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót,... Theo quan điểm cá nhân mình thì hai từ “dễ hiểu” chưa bao giờ liên quan đến những tác phẩm của Murakami, và đặc biệt thấm cái suy nghĩ đó khi mình đọc một cuốn có thể loại bao hàm khoa học giả tưởng, trinh thám và chủ nghĩa hậu hiện đại như Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới. Cuốn tiểu thuyết này đã phát hành ở Nhật vào năm 1985 và được trao Giải thưởng văn học Tanizaki vào cùng năm, sau đó được dịch và xuất bản ở Việt Nam vào năm 2009.

Rất khó để tóm tắt câu chuyện trong cuốn sách này một cách ngắn gọn và dễ hiểu, bởi có hai mạch truyện diễn ra song song với cùng một nhân vật chính. Để dễ bàn luận tiếp thì mình xin phép gọi nhân vật chính ở thế giới thực là “toán sư” và ở thế giới còn lại là “người đọc mơ”, theo đúng chức nghiệp mà nhân vật chính đảm nhận ở hai thế giới.

“Toán sư” là hình ảnh của một con người bình thường trong cuộc sống hối hả đầy náo nhiệt. Anh ta có tư duy độc lập, theo đuổi công việc phù hợp với khả năng hơn là một công việc làm vì đam mê.

“Toán sư là người thế nào? Ngoài công việc thì bất kể là toán sư hay ký hiệu sư, chúng tôi sống rất bình thường, như những người rất bình thường. Có thể những người bình thường thì bình thường nhưng cuộc sống của họ không gọi là cuộc sống được.”

Chốn Tận Cùng Thế Giới là một thị trấn yên bình được bao quanh bởi bốn bức tường thành. Những cư dân sống trong thị trấn đều phải từ bỏ “cái bóng” của mình, tức từ bỏ linh hồn trong quá khứ ở ngay trước cổng thành để trở thành một công dân hợp lệ. Ở đây nhân vật chính cũng không phải ngoại lệ và anh ta trở thành “người đọc mơ”. Sự bỡ ngỡ của anh ta trước cuộc sống lạ lùng trong thị trấn làm mình nhớ đến nhân vật “người đạc điền K” trong cuốn Lâu Đài của Kafka, cùng một cảm giác mơ hồ không rõ lý do khi đến một nơi hoàn toàn khác với nơi mình từng sống trong quá khứ. 

“Ở đây không ai xúc phạm đến ai, không ai chống lại ai. Cuộc sống đơn sơ, nhưng dồi dào theo cách riêng của nó, và mọi người bình đẳng. Không ai nói xấu người khác, không ai lấy gì của người khác. Người ta làm việc, nhưng tất cả đều vui vẻ trong công việc. Đó là công việc vì chính công việc, không gợn ẩn ý nào khác. Không ai bị ép làm việc, và người ta không làm việc một cách miễn cưỡng. Người ta không tị hiềm với nhau, không ai than phiền, không ai đau khổ.”

Nhân vật chính rơi vào một cuộc hành trình kì lạ đan xen giữa ảo và thực dưới lòng đất, buộc anh ta phải lựa chọn quay về thế giới thực hay mãi mãi ở lại trong tiềm thức. Cái kết Murakami đưa ra có thể không làm hài lòng với nhiều độc giả nhưng với mình thì đó là một cái kết hợp lý. Có thể “cái bóng” đã quay lại thế giới thực và sau đó nhân vật chính sẽ tỉnh dậy, nhưng vì một phần anh ta đã để lại Chốn Tận Cùng nên anh ta sẽ không còn cảm xúc về những mong muốn trong tương lai mà anh ta từng nghĩ tới. Tiếp tục một cuộc sống lý trí thực tế vì phần tình cảm yên bình đã được gửi lại ở một nơi không bao giờ anh ta quay lại được.

Đôi khi chúng ta cũng mong muốn có được những lựa chọn “ích kỉ” như vậy, bỏ qua thực tại để tìm đến một chốn yên bình trong tiềm thức. Murakami vẫn luôn làm mình ấn tượng bằng lối viết đi sâu vào cái tôi của nhân vật và độc giả sẽ luôn nhìn thấy bản thân mình ở một khía cạnh nào đó.

“Khi viết cuốn sách này, một hình mẫu quan trọng của tôi là huyền thoại về Orpheus xuống địa phủ tìm người vợ yêu đã khuất. Xưa kia con người từng quan niệm dưới bề mặt này còn một thực tại khác nữa. Giờ đây tôi vẫn tin như vậy, dĩ nhiên là hiểu theo nghĩa ẩn dụ. Có thể hình dung thế giới chúng ta đang sống là một ngôi nhà. Có tầng trệt, tầng lầu và tầng hầm. Tôi tin bên dưới tầng hầm vẫn còn tầng hầm nữa. Nếu thực sự muốn, chúng ta sẽ tìm được đường đi xuống. Cuốn tiểu thuyết này dẫn dụ ta theo hướng đó.” 
Murakami, 2003.

Với những thể loại mình có nhắc ở trên thì sách sẽ có nhiều đoạn nói về khái niệm khoa học, triết học, tâm lý và các chi tiết ẩn ý khá khó hiểu. Vì vậy nó sẽ tốn thời gian để thấm lâu hơn những quyển sách khác, nếu các bạn muốn đọc thì nhớ chuẩn bị kĩ tinh thần nghiền ngẫm trước khi bắt đầu câu chuyện hơn 600 trang một tí này. Có một số trích đoạn mình thấy rất thích nhưng khá dài nên mình sẽ thêm vào trong từng ảnh đính kèm.

Đánh giá cá nhân thì vẫn 5/5 về nội dung cho một cuốn sách tuyệt vời của ông bác, bản dịch theo mình là khá ổn và dễ đọc. Bìa cuốn này cũng khá ấn tượng, cơ mà sau khi đã xem qua bộ bìa Haruki Murakami bản tiếng Anh thì mấy cái bìa xuất bản ở Việt Nam vẫn làm mình buồn nhiều chút. 

Hoàng Linh

  • 2764
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
233

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)