logo-maybe-vn
Mở app

Coraline: Khi thế giới trong mơ cũng là nơi đầy rẫy nỗi sợ

Neil Gaiman sinh năm 1960, là một tác giả gốc Anh đa tài và được mệnh danh là “ngôi sao nhạc rock" của văn học thiếu nhi thế giới. Không chỉ sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết, ông còn viết kịch bản điện ảnh. Neil Gaiman đã giành được rất nhiều giải thưởng có giá trị, và Coraline là cuốn sách nổi tiếng gặt hái nhiều thành công nhất của ông.

Nhân vật chính của cuốn sách này là Coraline, một cô bé hiếu động và ưa khám phá. Gia đình của Coraline vừa mới chuyển tới căn hộ mới không lâu. Ở đấy chẳng ai có thể thỏa mãn cái tình hiếu động của Coraline cả. Bố mẹ luôn bận bịu công việc, những người hàng xóm hay gọi sai tên Coraline và hay nói mấy chuyện khó hiểu, những món ăn dở tệ của bố, những món đồ chơi mà Coraline đã chơi đến phát chán,... Bấy nhiêu đó là quá buồn tẻ đối với một đứa trẻ, và sự buồn tẻ ấy tưởng như kéo dài vô tận cho đến khi Coraline tìm thấy một cánh cửa dẫn đến thế giới khác.

Dưới ngòi bút của Neil Gaiman, thế giới bên kia cánh cửa mang vẻ quỷ dị một cách kín đáo. Thế giới ấy rất giống thế giới thật, ngoại trừ có một số chỗ không đúng lắm, nhưng sao phải để ý đến chuyện ấy khi Coraline đã gặp “mẹ khác” và “bố khác”. Họ cũng có cái gì đó khác với mẹ thật và bố thật, nhưng họ đã đối xử ân cần với Coraline và cho cô bé ăn những món ngon nhất trần đời. Cô bé đã tưởng rằng đó là thế giới trong mơ của mình. Trẻ con thì chỉ để ý đến thứ nó đang cần mà thôi.

“Bà ta trông hơi giống mẹ Coraline. Chỉ có điều…Chỉ có điều da bà ta trắng bệch như tờ giấy.Chỉ có điều bà ta cao hơn và gầy hơn.Chỉ có điều ngón tay bà ta quá dài, và chúng không ngừng chuyển động, còn những móng tay đỏ thẫm của bà ta thì cong và sắc nhọn.”

Nhưng Coraline không phải là một đứa trẻ đơn giản. Điều mình thích ở Coraline là sự quyết đoán, lòng can đảm và cao thượng. Sau khi phát hiện ra bố mẹ thật của mình bị “mẹ khác” bắt cóc, Coraline đã quyết định lên đường đến thế giới bên kia để tìm bố mẹ mặc cho sự thật rằng nỗi sợ hãi đang xâm chiếm cô bé. Không hề chấp nhặt sự thờ ơ của bố mẹ trước kia mỗi khi Coraline muốn chơi với họ, cô bé đã quyết định đi cứu họ chỉ với một lý do đơn giản nhưng đủ sức thuyết phục: “Tớ quay lại tìm họ vì họ là cha mẹ tớ. Và nếu họ nhận ra tớ đã biến mất thì tớ tin chắc họ cũng làm điều tương tự vì tớ.”

Khi Coraline gặp ba đứa trẻ bị “mẹ khác” cướp mất trái tim và linh hồn, cô bé đã không ngại nắm lấy tay họ để an ủi và hứa sẽ mang linh hồn họ trở về. Nhờ có tấm lòng cao thượng ấy mà Coraline được những đứa trẻ này tiếp thêm sức mạnh tinh thần. Đồng hành với Coraline còn có một con mèo đen biết nói, luôn biết cách giúp đỡ cô bé.

Những lời gợi ý từ phía ba đứa trẻ và con mèo đen lúc nào cũng lập lờ nhưng không phải vô nghĩa, và điều đó làm tăng thêm phần bí ẩn và quỷ dị cho toàn bộ không khí của câu chuyện. Tác giả đã khéo léo cài cắm sự đáng sợ vốn hiện diện nhưng không rõ rệt của cái thế giới ấy vào tâm trí của độc giả: một thế giới giả tạo méo mó được dựng nên bởi một thực thể không rõ là ma quỷ, là thú hay là người, nhằm đánh cắp tất cả mọi thứ thuộc về kẻ bị lừa. Trong thế giới ấy, “mẹ khác” đang chơi trò mèo vờn chuột với Coraline, và Coraline không khác gì thức ăn của bà ta.

"Con mèo nhả con chuột rơi xuống giữa hai chân trước của chú ta. “Có những người,” nó nói kèm theo tiếng thở dài, giọng mềm như lụa, “cho rằng thật từ bi khi mèo thường đùa giỡn với con mồi - xét cho cùng, chuyện này cho phép cái bữa ăn biết đi nhỏ bé khôi hài đó có cơ hội chạy trốn hết lần này đến lần khác. Bữa ăn của cậu thường xuyên chạy trốn đến mức nào chứ?”

Mình ấn tượng với sự mô tả mang tính mơ hồ của tác giả. Ba đứa trẻ bị lấy mất linh hồn chỉ còn là “một lớp vỏ, một lần khói, là một thứ chẳng hơn gì giấc mơ khi tỉnh hay ký ức về điều đã bị lãng quên”, còn “cha khác” thì có “một cái miệng há ra trên khuôn mặt không có miệng, một chùm sợi dài nhợt nhạt bám vào đôi môi, và một giọng nói không còn”. Con người vốn sợ những thực thể có hình dạng mơ hồ, nhưng Coraline thì không hề sợ mà thậm chí còn nói chuyện từ tốn với họ và biết xót thương cho họ.

Có một điều đặc biệt là tác giả hầu như không dùng tên gọi để gọi các nhân vật ở thế giới bên kia. Nói đúng hơn, tác giả “ám chỉ” các nhân vật bằng cách lặp đi lặp lại các hình ảnh: cúc áo, nhện, lũ chuột, hoa uất kim hương, cục than hồng, cục bột nở,... Sự ám chỉ này còn thú vị hơn việc gọi tên, vì nó bao hàm luôn cả ngoại hình và bản chất của các nhân vật, giúp người đọc dễ liên tưởng, đồng thời ẩn ý rằng tất cả những gì bị “mẹ khác” khống chế đều không có tên và mất đi bản sắc. Điều này cũng được cài cắm ở đầu truyện lúc Coraline hỏi tên con mèo đen và nhận được câu trả lời khiến cô bé chưng hửng.

“Thế này nhé, con người các cậu có tên. Đó là vì các cậu không biết mình là ai. Bọn tôi biết bọn tôi là ai, thế nên bọn tôi cóc cần tên.”

Bằng sự thông minh sắc sảo, Coraline cuối cùng cũng đem lại cho độc giả một kết thúc có hậu và dạy chúng ta rằng phải biết trân trọng những người xung quanh mình. Cốt truyện đơn giản, nhịp điệu nhanh, ngôn ngữ ẩn dụ khéo léo đã giúp Coraline trở thành tác phẩm yêu thích của nhiều trẻ em và không ít người lớn trên thế giới.

Phần bìa sách của Coraline đặc biệt ấn tượng. Trên bìa, ngoài hình ảnh Coraline ra còn có hình ảnh những cánh tay kì dị vươn về phía cô bé nhưng lại được giấu đi rất khéo. Ngoài ra phần tranh minh họa của Dave McKean cũng đã làm khá tốt trong việc “hù dọa” người đọc.

Đánh giá: 8/10

  • 2847
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
311

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)