logo-maybe-vn
Mở app

Mắt Biếc - Sự sùng bái màu da và bi kịch phân biệt chủng tộc

Đôi lời: Bài viết hơi dài và có tiết lộ một phần nội dung sách, thế nhưng nếu như muốn tìm hiểu thêm về nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ, mình nghĩ bạn rất nên đọc Mắt Biếc.

Mắt Biếc (The Bluest Eyes) là tiểu thuyết của Toni Morrison - một nhà văn người Mỹ gốc Phi, có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào đấu tranh đòi tự do và bình đẳng giới. Đồng thời, gần như suốt cuộc đời mình, Morrison kiên quyết chống lại nạn phân biệt chủng tộc. Năm 1993, Morrison trở thành nhà văn nữ da đen đầu tiên nhận giải Nobel vì những đóng góp của mình cho nền văn học thế giới. Ngoài ra vào năm 1988, với Yêu Dấu (Beloved) bà cũng đoạt giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu.

Các tác phẩm của Morrison chủ yếu xoay quanh một vấn đề duy nhất: Nhân quyền. Với Mắt Biếc, bà phơi bày hiện thực trần trụi về vấn đề phân biệt chủng tộc nhức nhối trong lòng nước Mỹ, chỉ ra rằng chính vấn nạn này đã tước đoạt quyền sống chính đáng của những người da đen và đẩy họ đến bước đường cùng như thế nào.   

Mắt Biếc - bắt đầu từ bi kịch sùng bái màu da…

Mắt Biếc chủ yếu xoay quanh câu chuyện của một gia đình da đen, với nhân vật chính là cô bé Pecola với ước mơ cháy bỏng: Ước mình có đôi mắt xanh như người da trắng.

Vì là người da đen nên Pecola đã phải chịu rất nhiều bất công: Em luôn bị bắt nạt ở trường, và thậm chí đám trẻ da trắng còn sáng tác ra một bài hát để chế giễu em, gọi em là “con mọi đen nhỏ”; hay ngay cả khi đi mua kẹo, người bán kẹo cũng không muốn bắt tay với cô bé, dù cô bé cũng mang tiền đi mua kẹo như bao người khác. Người bán hàng - một người da trắng, coi em như một thứ gì bẩn thỉu mà ông ta thậm chí còn chẳng muốn chạm tay vào… Pecola hiểu và quy nguyên nhân của tất cả những điều ấy do chính mình: Tất cả chỉ vì em là người da đen.

Vậy nên, Pecola trở nên tò mò và ước ao những gì thuộc về người da trắng - những người không bị đối xử bất công giống như mình. 

Ước mơ này của Pecola cũng chính là lý do chủ yếu cho tiêu đề của tác phẩm - Mắt Biếc. Vì sao Pecola lại ước mình có một đôi mắt xanh như người da trắng? Bởi vì trong một xã hội mà người da trắng luôn có quyền hơn người da đen, mọi tiêu chuẩn trong xã hội đều do người da trắng định đoạt, ngay cả tiêu chuẩn về cái đẹp, thì những người bị đàn áp như Pecola (và thậm chí là cả gia đình em) cũng sẽ bị ảnh hưởng. Họ nghĩ màu da đen của mình là hiện thân của sự xấu xí, dòng máu chảy trong người mình là dòng máu thấp kém, do vậy những người da trắng mới khinh ghét họ, họ mới phải chịu những sự bất công và đói nghèo đến thế. Cái khát khao được đối xử tử tế và công bằng khiến Pecola ao ước mình được sở hữu những đặc điểm của người da trắng - mà ở đây là một đôi mắt xanh. Em nghĩ khi mình trở nên giống người da trắng, thì cuộc sống sẽ đẹp hơn, em sẽ không còn là một con bé da đen xấu xí nữa mà sẽ được mọi người chiều chuộng, cưng nựng. 

Ước mơ của Pecola về một nhân dạng giống người da trắng không chỉ biểu hiện cho khao khát muốn được đối xử công bằng, mà còn là biểu hiện phát sinh từ sự sùng bái màu da. Vì thế mình rất thương Pecola, vì biết rằng ước mơ ấy của em sẽ không bao giờ thực hiện được, đồng thời mình cũng đau đớn khi nhận thấy rằng chính vì sự phân biệt chủng tộc mà những người như Pecola muốn chối bỏ bản thân mình, muốn mình trở thành một hình mẫu theo chuẩn của kẻ khác. 

…Cho đến sự khổ sở, bẽ bàng vì bị vật hoá

Nếu với Pecola, sự kỳ thị khiến em muốn chối bỏ màu da và mọi đặc điểm gắn liền với dòng máu của mình, thì với bố mẹ em, họ gặp phải bi kịch bị vật hoá đầy bẽ bàng và khổ sở. Mở đầu Mắt Biếc, lão Cholly - bố của Pecola hiện lên là một kẻ vũ phu, đốn mạt khi đang tâm lạm dụng chính con gái ruột của mình. Thế nhưng càng đi sâu vào tác phẩm, khi các góc khuất quá khứ được hé lộ, mình mới bàng hoàng vỡ lẽ thì ra Cholly cũng từng là một người đàn ông tử tế, từng đắm say và ngây ngất với tình yêu, nhưng rồi cảm giác bẽ bàng, tủi hổ khi bị người da trắng coi như một thứ đồ chơi mua vui, rồi thì bị cảnh nghèo đói, bất công giày vò ngày qua ngày đã khiến hắn ta trở thành con người như hiện tại. 

Với mình, đoạn viết về quá khứ của Cholly khi làm tình với một người con gái da đen trước con mắt trêu cợt của đám thanh niên da trắng là một phân cảnh hết sức gây sốc. Khi ấy Cholly và cô gái trẻ đang trao gửi những hơi ấm thịt da, như bất cứ một người bình thường nào cũng có quyền tự nguyện ái ân với ai mà mình thích, thế rồi một đám thanh niên da trắng xuất hiện, phá vỡ cái khung cảnh lãng mạn ấy.

Vốn là một điều riêng tư, thân mật giữa hai người, đầy ấm áp và những rung cảm đầu đời, song cuối cùng nó lại trở thành một trò hề, một việc mua vui cho người da trắng. Chính từ khoảnh khắc ấy, tình yêu và rung động đã vụt biến khỏi trái tim Cholly - hắn ta không còn thấy cô gái đáng yêu nữa mà thấy cô thật đáng thương, bẩn thỉu, thậm chí hắn ghê tởm chính bản thân mình. Đọc Mắt Biếc, không ít lần mình rùng mình khi nhận ra, ngay chính những người da đen, trước sự đàn áp như đã trở thành hiển nhiên của người da trắng, đã vô tình khuất phục và nảy sinh tâm lý sùng bái kẻ đàn áp mình, ghê tởm chính bản thân và đồng bào mình.

Nhưng sau tất cả, tinh thần đấu tranh và phản kháng vẫn luôn hiện diện

Vấn đề phân biệt chủng tộc trong tác phẩm của Toni Morrison không chỉ thể hiện ở khía cạnh chấn thương thể xác mà sâu hơn, bà tập trung chỉ ra sự đàn áp về mặt tinh thần của lớp người da trắng thượng đẳng với những người da đen. Thật đáng sợ biết bao khi những sự đàn áp ấy trở thành lẽ thường tình và người ta tảng lờ nó đi, chấp nhận nó là một phần của cách vận hành xã hội. Tuy rằng Mắt Biếc viết rất nhiều về những bất công mà người da đen phải gánh chịu trong xã hội người da trắng nắm quyền thống trị, song mình vẫn thấy tia sáng của ý thức đấu tranh và sự khuyến khích đầy yêu thương của Morrison với những người bị áp bức. 

Đọc Mắt Biếc, ta sẽ thấy việc những người da trắng ra lệnh cho những người da đen xảy ra rất thường xuyên. Nếu như Cholly từng bị yêu cầu phải làm tình ngay trước con mắt của một đám người da trắng, thì Pauline - vợ hắn cũng từng bị chủ buộc phải ly hôn với chồng thì mới được tiếp tục làm việc. Người da đen, hầu hết họ đều sợ sệt, e ngại khi từ chối yêu cầu của người da trắng; thậm chí trong suốt cuộc đời mình, có lẽ Pauline cũng đã nhiều lần cam chịu và thuận theo những yêu cầu ấy. Thế nhưng tinh thần tranh đấu, sự khao khát cất lên tiếng nói của mình vẫn luôn hiện diện trong bà. Bởi thế nên lần ấy, khi nhận được yêu cầu ly hôn với chồng, Pauline lờ mờ cảm nhận được rằng việc để một người phụ nữ da trắng quyết định tương lai của một gia đình da đen là không đúng, vậy là bà đã từ chối yêu cầu đó.

“Bà ta nói sẽ nhận tôi làm lại nếu tôi rời bỏ hắn ta. Tôi đã suy nghĩ về chuyện đó. Nhưng sau đó tôi thấy dường như chuyện một người đàn bà da đen bỏ rơi một người đàn ông da đen vì một người đàn bà da trắng có vẻ không ổn lắm.”

Cùng với sự từ chối này, tất nhiên Pauline sẽ mất việc, nhưng mình cảm thấy bà đã đánh thức được một điều quan trọng hơn - ý thức tự chủ vốn luôn bị đàn áp. Toni Morrison vừa để nhân vật mình phải vật lộn với hiện thực bị kìm kẹp, vừa để họ phản kháng lại nó như một sự cổ vũ và khuyến khích chống lại sự phân biệt chủng tộc. Nếu như Pecola sùng bái những gì thuộc về chủng tộc da trắng thì Claudia - chị gái Pecola lại khác. Khi nhìn những con búp bê được làm theo tiêu chuẩn cái đẹp da trắng - mắt xanh, tóc vàng, Claudia không hề ao ước vẻ đẹp của chúng mà chỉ muốn xé toạc những con búp bê ấy ra, như muốn phá tan các thiết chế, chuẩn mực mà người da trắng đã dựng lên và áp vào cộng đồng người da đen. 

Ngoài ra trong tiểu thuyết có nhiều phân đoạn tả cảnh làm tình rất trần trụi và nên thơ. Morrison rót toàn bộ tình thương mến của mình vào câu chữ để thể hiện tư tưởng cá nhân: Cái đẹp hiện diện ở khắp mọi nơi, dù bạn là người da đen hay người da trắng. Người da đen không phải bọn “mọi”, họ cũng sinh hoạt, cũng có suy nghĩ, cũng đau đớn và có những giây phút rất đẹp giống như người da trắng vậy. Vì tất cả, suy cho cùng, đều giống nhau, đều là Con Người.

Đây chính là điều mình thích ở tác phẩm của Morrison. Bà luôn khẳng định rằng một khi đã là con người thì đều có quyền được yêu thương và tôn trọng như nhau, và rằng chỉ có một chủng tộc duy nhất thực sự tồn tại, đó chính là “Chủng tộc người”.

Đánh giá: 4.5/5

Quan Nam

  • 2764
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1039

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)