logo-maybe-vn
Mở app
Raven Guard
Raven Guard2 năm trước
Movie

Loạt phim The Good Place và những bài học lớn trong đời

The Good Place là series dài 4 phần của đài NBC, được sáng tạo bởi Michael Schur, người đứng sau nhiều series tuyệt vời khác như Brooklyn Nine-Nine, The Office (Mỹ), Parks and Recreation, Master of None... Câu chuyện xoay quanh 4 con người đã chết và linh hồn được đưa tới The Good Place, tạm hiểu là thiên đường nơi họ được thỏa mãn mọi nhu cầu. Cho đến khi họ nhận ra mình rơi vào trò chơi của quỷ và bắt đầu hành trình chiến đấu để không bị rơi vào Bad Place, nơi được xem là địa ngục.

Thoạt nghe thì câu chuyện về 4 con người chưa-hoàn-thiện-lắm  nàyphấn đấu thành người tốt để được lên thiên đường thông qua triết học đạo đức nghe có vẻ khô khan và sáo mòn. Thế nhưng, như mọi loạt phim được đánh giá cao khác của Michael Schur, The Good Place được triển khai hết sức mượt mà, hóm hỉnh, cùng diễn xuất duyên dáng của dàn diễn viên đa sắc tộc và rất có thực lực.

The Good Place là tác phẩm đẹp tuyệt vời mà mà người xem có thể cảm thấy gắn bó với nhân vật, để rồi khi kết thúc tựa phim, bạn cũng sẽ nhận ra thay đổi đáng kể ở bản thân. Michael Schur cùng đội ngũ sản xuất cũng đã phải đọc và học một lượng lớn các tác phẩm triết học đạo đức để có thể lồng ghép vào phim. Trong đó, xương sống của loạt phim chính là tư tưởng trong quyển "What We Owe To Each Other" của T.M. Scanlon.

Tư tưởng triết học đạo đức trong The Good Place sẽ được mình trình bày kỹ hơn trong bài viết khác. Trong bài viết này, chúng ta hãy điểm lại những bài học cuộc sống khác, gần gũi hơn mà loạt phim truyền tải. Đương nhiên, The Good Place có ti tỉ bài học chứa đựng trong từng câu thoại, trong câu chuyện của từng nhân vật, nhưng sau đây là những bài học lớn nhất, là tinh hoa của cả phim.

Ý nghĩa thực sự của cuộc sống?

Trong vũ trụ của The Good Place, từ thuở khai thiên lập địa, con người đã được chấm điểm thông qua từng hành động của họ. Theo đó, điểm cao đạt chuẩn sẽ được lên Chốn Tốt Đẹp, điểm thấp sẽ đày xuống Chốn Xấu Xa. Cứ thế qua hàng triệu năm con người cứ được phân loại tốt, xấu dựa theo những gì họ làm khi còn sống.

Thế nhưng dần dà thế giới không còn đơn giản như thế nữa và hệ thống chấm điểm này không còn công bằng. Nửa cuối loạt phim, 6 nhân vật chính nỗ lực chứng minh cho Thẩm Phán vũ trụ thấy rằng hệ thống đã lỗi thời và con người không đơn giản chỉ có tốt và xấu. Con người có thể trở nên tốt hơn nếu được cho cơ hội và đó là việc vũ trụ cần làm là xây dựng một kiếp sau nơi con người được phấn đấu lần nữa.

Hai nhân vật thể hiện rõ nhất tư tưởng này là Eleanor Shellstrop và Jason Mendoza. Lớn lên trong môi trường xấu, cả hai đã có cuộc đời tồi tệ và trở thành những con người tồi tệ sát đáy nếu xét theo tiêu chuẩn xã hội. Khi được trao cơ hội ở kiếp sau, Eleanor và Jason đã bộc lộ nhiều điểm sáng và có hành trình phát triển bản thân phi thường.

Tuy nhiên, trong phim, các nhân vật đã trải qua rất nhiều kiếp sau, rất nhiều Bearimy (nếu xem phim bạn sẽ hiểu khái niệm thời gian này), còn con người chúng ta trong đời thực lại không có nhiều cơ hội như thế. The Good Place là lời nhắc nhở nhẹ nhàng chúng ta qua câu thoại của nhân vật Chidi Anagonye: "Cuộc sống không phải trò chơi giải đố mà mà bạn cứ giải xong là hết. Đó là câu đố mà mỗi ngày thức dậy, ta lại phải giải thêm một lần nữa". Mỗi ngày thức dậy, hãy bắt đầu trò chơi câu đố của mình và ngày hôm sau phải khá hơn ngày hôm qua.

Tri kỷ phải được tạo ra, không phải tìm thấy

Điều bất ngờ nhất mà mùa cuối The Good Place mang lại đó là câu hỏi cả đời của Chidi. Chidi - một giáo sư triết học đạo đức - đã sống một đời do dự, tin rằng mọi câu hỏi đều phải có câu trả lời. Và hóa ra câu hỏi anh băn khoăn nhiều nhất, hơn cả câu hỏi về vũ trụ, đó là "Liệu tri kỷ có thật hay không?".

Người giải đáp câu hỏi đó cho anh hóa ra lại không phải là con người, đó là Michael, ác quỷ đã hành hạ nhóm Chidi lên bờ xuống ruộng lúc đầu. Michael không thể có cảm giác như một con người nhưng thông qua quan sát và nghiên cứu nhóm bạn, ông đã rút ra kết luận hợp lý nhất: "Tri kỷ nếu có thì phải do mình tạo ra. Chúng ta gặp nhau, cảm thấy tốt đẹp và bắt tay xây dựng mối quan hệ".

Chidi và Eleanor không phải là hai con người hợp nhau nhất và chẳng có vẻ gì là "tri kỷ" theo tưởng tượng của Chidi. Nhưng vượt qua bao sóng gió, cả hai bắt đầu phát triển bản thân, phát triển thế giới xung quanh họ và cùng thỏa hiệp, vun đắp cho mối quan hệ. Đó không phải là kiểu gượng ép cố sống cố chết dù thấy đầy red flag, mà là hai con người quyết tâm bỏ qua những trở ngại vụn vặt mà tiến lên vì giá trị cốt lõi chung.

Tài năng của đội ngũ sản xuất The Good Place lại thể hiện thông qua một chi tiết khác khi truyền tải thông điệp rằng hạnh phúc là phải đấu tranh mà có, trong tập phim "Patty". Khi tất cả đều đã đến được Chốn Tốt Đẹp, thì hóa ra đó không phải là thiên đường như họ tưởng. Từ đó dẫn đến hiện trạng hẳn dễ hiểu cho tất cả chúng ta: hạnh phúc không còn là hạnh phúc nếu nó trở thành một "bình thường mới", khi ấy não được thỏa mãn mọi nhu cầu rồi, không có gì kích thích được nó nữa và ta sẽ lại buồn chán.

Thế nên về sau, nếu có trải qua khó khăn nào, hoặc có đôi lần buồn bã vì tính hư vô của cuộc đời, hãy nhớ rằng: Cuộc đời có hữu hạn, ta mới tranh thủ những năm tháng ngắn ngủi mà sống cho trọn vẹn. Cũng như cuộc đời không phải lúc nào cũng là chốn tốt đẹp, nhưng có ngày mưa ta mới quý trời nắng ráo, nằm đất ăn đá mới trân trọng giường êm cơm trắng.

Chúng ta trưởng thành khi được gắn kết với nhau

Cuối cùng, không thể không nhắc tới yếu tố đã khiến hành trình thay đổi kiếp sau trở nên phi thường, đó là sự gắn bó giữa các thành viên của Team Cockroach. Trong bất kỳ hành trình nào, người anh hùng cũng không thể chiến thắng nếu không có sự tương trợ của những người bạn. Nếu không có sự kiên nhẫn của Chidi, chắc chắn Eleanor sẽ không tin và không thể thay đổi bản thân.

Không có Eleanor, Tahani sẽ không ngừng tự đặt gánh nặng lên bản thân và mãi so sánh mình với người khác, không có "những con gián" này, ác quỷ Michael sẽ không biết đến tình bạn, không thể trải nghiệm cảm giác làm người. Định mệnh tất cả những con người đầy khác biệt này vô tình xoắn lấy nhau và họ phải tìm cách để dung hòa và đồng hành cùng nhau.

Triết lý đó cũng là xương sống của loạt phim, dựa trên cuốn sách What We Owe To Each Other (Điều chúng ta nợ nhau) của T.M. Scanlon. Nói một cách ngắn gọn, trong cuốn sách của mình, Scanlon đề xuất thuyết khế ước. Theo ông, cuộc sống tốt đẹp hay không phụ thuộc vào cách con người sống với nhau bằng các giá trị tích cực. Trong đó, chúng ta nên đối xử với đối phương theo các giá trị mà người đó cho là hợp lý (hành động họ không thể biện luận là sai). Chúng ta "nợ" nhau cách đối xử mà bên kia mong muốn với tư cách con người.

  • 3136
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1938
Raven Guard
Raven Guard2 năm trước
Movie

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)