Diablo II: Resurrected - Sự hồi sinh của tựa game huyền thoại 20 năm trước không đủ để cứu vãn Blizzard
Diablo II: Resurrected là bản Remastered của game nhập vai hành động hack-and-slash Diablo II. Nguyên bản được phát triển bởi Blizzard North và phát hành bởi Blizzard Entertainment vào năm 2000, sau đó nó sớm trở thành game kinh điển và vẫn luôn được đánh giá là phần hay nhất của series Diablo đến tận thời điểm hiện tại. Tất cả những phần game Diablo sau này đều không vượt qua được cái bóng của người tiền nhiệm.
Trong vòng 2 thập kỷ sau đó, Diablo II đã trở thành hình mẫu cho nhiều trò chơi khác cùng thể loại, thậm chí một vài tựa game trong số đó đã trở nên nổi tiếng và được yêu thích không kém. Ví dụ như Torchlight, Titan Quest, Grim Dawn, Boderlands hay Path of Exile. Có thể nói, Diablo II mang tính cách mạng, thay đổi ngành công nghiệp game và gắn liền với tuổi thơ của rất, rất nhiều người yêu thích video game.
Trải nghiệm đầy hoài niệm khi chơi Diablo II: Resurrrected và khám phá lại cốt truyện đồ sộ của dòng game kinh điển
Bối cảnh của Diablo II diễn ra sau sự kết thúc của trò chơi trước, Diablo, trong cùng thế giới Sanctuary. Một chiến binh giấu tên (Dark Wanderer) đã đánh bại Diablo và cố gắng giam giữ linh hồn của Chúa tể Khủng bố trong cơ thể của chính mình. Kể từ đó, người anh hùng trở nên biến chất bởi linh hồn của Diablo đang cấu xé bên trong. Rồi chuyện gì đến cũng đã đến, anh ta mở cổng địa ngục để ác quỷ vào thế giới xung quanh và tàn phá mọi thứ.
Theo dõi cốt truyện, người chơi biết được sự thật phía sau sự tha hóa của người anh hùng vô danh nọ, các Soulstone ban đầu được dự định dùng để giam cầm các Prime Evil sau khi chúng bị đày xuống cõi phàm trần bởi Lesser Evil. Tuy nhiên, với việc viên đá chứa linh hồn của Diablo bị phá hủy, hắn cố điều khiển Dark Wanderer và âm mưu giải thoát hai người anh em là Mephisto và Baal.
Trong lúc đó, Baal đã hợp nhất với pháp sư Tal-Rasha, bị giam trong một ngôi mộ gần Lut Gholein. Mephisto bị giam giữ ở một đền thờ phía đông Kurast. Người chơi nhận ra rằng ý định của Dark Wanderer là giúp 3 con Đại ác quỷ đoàn tụ với nhau và đó có thể là dấu chấm hết cho Sanctuary. Sự kiện dẫn đến diễn biến của 4 chương chính trong Diablo II mà người chơi phải tiêu diệt lần lượt Andariel, Duriel, Mephisto, Diablo và Baal.
Có thể nói, chơi Diablo II: Resurrrected hoàn toàn không có cảm giác hối hả như Diablo II ngày xưa, khi còn là một cậu bé. Bởi bạn đã biết những gì đã xảy ra và có thể chơi từ từ, nhớ lại và cũng đọc lại những chỉ dẫn, những lời thoại của NPC một cách kỹ càng hơn và hiểu được cốt truyện sâu sắc hơn. Đây là một trải nghiệm tuyệt vời mà không phải lúc nào một người yêu game cũng có thể có được, nó thật vô giá.
Hình âm đã mắt nhưng gameplay đã lỗi thời ở thời điểm hiện tại, animation rất cứng có thể khiến bạn mau chán
Diablo II: Resurrected mở đầu với đoạn cutscene chất lượng cao và hoàn toàn khiến bạn choáng ngợp, có người cho rằng Blizzard làm phim CGI còn hay hơn làm game và họ nên đầu tư vào sản xuất hoạt hình 3D. Đây chỉ là lời nói đùa nhưng nó thực sự chỉ ra sự đầu tư của nhà phát triển khi họ làm các đoạn Cinematic Trailer hay cutscene có thể tạo ấn tượng mạnh với game thủ và nó kích thích bạn muốn chơi game nhiều hơn.
Bản Remastered chủ yếu cập nhật đồ họa và chức năng mạng của trò chơi gốc và nó không thay đổi bất kỳ hệ thống vật phẩm, gameplay hoặc yếu tố cân bằng nào của các nhân vật trong game. Nhà phát triển tạo ra các mô hình 3D được nâng cấp với nhiều đa giác hơn ngay trên các hình vẽ 2D ban đầu của Diablo II. Game được được thiết kế để chuyển đổi giữa hình ảnh cũ và hình ảnh nâng cấp chỉ bằng một cái nhấn nút.
Vâng, đó là điểm mạnh và cũng là điểm yếu của Diablo II: Resurrrected, bởi nó mang lại sự quen thuộc trong khi người chơi tận hưởng hình ảnh mới sắc sảo hơn trên một nền tảng phần cứng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà animation của nhân vật không mượt, dù hình ảnh đẹp hơn rất nhiều về tổng thể. Gameplay kinh điển một thời tính ra lại là nghèo nàn ở thời điểm hiện tại, vì vậy chắc chắn sẽ có nhiều người cảm thấy chưa đạt tới kỳ vọng khi chơi.
Gameplay có chút thay đổi nhỏ là bạn có thêm chức năng tự nhặt tiền do quái rơi ra, chỉ vậy thôi và không còn gì đáng chú ý hơn. Bạn sẽ vẫn phải cày cuốc khá nặng, được tẩy điểm kỹ năng một lần trong mỗi cấp độ tại NPC Akara và phải hoàn thành game 2 lần để mở khóa chế độ Hard. Điều này sẽ khiến nhiều người không vui vì họ đã thực sự trải qua điều đó rồi và có thể sẽ muốn trực tiếp chơi nhay Hard mode ngay từ đầu với Diablo II: Resurrrected.
Trên thực tế đã có nhiều lời phê bình rằng Blizzard quá bảo thủ vì họ giữ nguyên một vài cơ chế vốn sẽ trở thành bất tiện trong thời điểm hiện tại, và ngay cả khi họ thay đổi những thứ đó và cho game thủ có quyền tùy chọn, thì giá trị trải nghiệm game vẫn sẽ không giảm đi. Tất nhiên, không có gì là hoàn hảo nhưng mình đã mong đợi một game Remastered chỉn chu hơn thế. Tóm lại, trải nghiệm với Diablo II: Resurrected chủ yếu vẫn là về mặt hình, âm.
Có nhiều vấn đề sẽ giảm trải nghiệm của bạn với Diablo II: Resurrrected
Trước hết, bất kỳ người nào yêu game và gắn bó với cộng đồng game, siêng đọc tin game... thì sẽ hiểu được Diablo II: Resurrrected ra mắt vào một thời điểm nhạy cảm. Blizzard vướng vào scandal rất rất to, nó khiến cho việc game ra mắt mang tính thời điểm và trở thành một "con dê tế thần" để giúp nhà phát triển xử lý khủng hoảng truyền thông. Điều này cũng khiến cộng đồng nhìn game dưới một con mắt khác.
Vấn đề xảy ra với danh tiếng của Blizzard là rất nghiêm trọng và nó chắc chắn có ảnh hưởng đến cách mà một bộ phận người chơi tiếp cận game, cảm xúc của họ khi chơi và thậm chí tác động đến quyết định có bỏ tiền ra để mua game hay không. Mình chắc chắn là nếu game phát hành vào một thời điểm khác, thì thái độ của cộng đồng đối với nó cũng sẽ rất khác, ít soi mói và nghi vấn hơn.
Một vấn đề rất lớn nữa khiến Diablo II: Resurrrected chịu đánh giá xấu từ người chơi là máy chủ của trò chơi này lại tỏ ra rất kém và không đáp ứng được kết nối ổn định cho người chơi thông qua cổng Battle.net. Thậm chí sau nhiều tuần ra mắt thì nhà phát triển đã không cải thiện được vấn đề này. Một số người gặp cảnh crash game, mất save và mất cả trang bị mới nhặt được khiến họ nổi điên và chửi bới không tiếc lời.
Game hay cỡ nào mà bị một vài lần như vậy thì mình đảm bảo là nhiều người sẽ "xếp poster vào góc" và đi đánh giá 1 sao ngay lập tức. Hiện tại vì những sự cố kỹ thuật ngoài mong đợi này mà điểm Metascore của Diablo chỉ còn 3.3 tại thời điểm mình đang viết bài. Nếu nhà phát triển không sớm sửa đổi thì mình nghĩ sẽ có rất nhiều người chỉ mua game để làm kỷ niệm thôi chứ không hề chơi hết nó.
- 2311
- 0Bình luận