logo-maybe-vn
Mở app

Gomi yashiki “nhà rác” : Khi con người nguyện sống chung với rác

Ở Nhật có một thuật ngữ Gomi yashiki được hiểu là ngôi nhà chứa nhiều rác. Trong những ngôi nhà này vẫn có người ở và chấp nhận sống chung với rác qua bao năm tháng, thậm chí họ còn tha rác về để chúng chất đống với một không gian sống tù túng và bẩn thỉu.

Bạn sẽ nghĩ những người này thuộc kiểu lường biếng, thà ở bẩn nhưng không chịu dọn dẹp. Thực ra những ai thuộc kiểu Gomi yashiki không hẳn là lười biếng mà họ mắc một dạng của OCD (rối loạn ám ảnh cưỡng chế) hay hội chứng Diogenes.

Hội chứng Diogenes là kiểu rối loạn hành vi mà con người lơ là quá mức trong việc chăm sóc bản thân, thường có xu hướng tách biệt khỏi xã hội và có thói quen, ám ảnh với việc tích trữ tất cả mọi đồ đạc.

Những người già trên 60 tuổi thường có nguy cơ cao về việc mắc hội chứng này. Họ dần thờ ơ với bản thân và khiến môi trường sống xung quanh, cụ thể là ngôi nhà mà họ đang sống trở nên rất bẩn, đồ đạc cùng rác thải chất đống, vương vãi khắp nơi. Điều này dẫn đến việc người già sống trong điều kiện mất vệ sinh và sẽ sinh ra các bệnh tật khác, sức khỏe suy yếu dần.

Tại Nhật Bản vào năm 2018, ông Hideyuki Aizawa, 62 tuổi đã bị hàng xóm khởi kiện và chính quyền thành phố Nagoya phải dùng biện pháp cưỡng chế để yêu cầu ông rời khỏi nơi ở của mình tại quận Naka để họ xử lý rác. Ông Hideyuki đã có thói quen trữ rác từ năm 2000 và chúng cứ chất đống dần qua năm tháng đến khi bốc mùi hôi thối khiến hàng xóm không chịu đựng nổi và kêu gọi chính quyền địa phương vào cuộc.

Tuy nhiên vấn đề đáng báo động là tình trạng Gomi yashiki không chỉ diễn ra với người già mà còn ở tầng lớp trẻ tuổi hơn trong độ tuổi lao động lại gia tăng. Theo các công ty dọn dẹp vệ sinh rác thải thì họ ngày càng nhận nhiều đơn hàng hơn để giải quyết những ngôi nhà rác.

Điều đặc biệt là có nhiều khách hàng ở độ tuổi 30- 40 với những ngôi nhà đầy rác đã tồn tại rất lâu rồi. Những người này thường bận rộn công việc, ít khi ở nhà nên lười biếng với việc dọn dẹp hoặc là kém về giao tiếp và thu mình thoát khỏi các mối quan hệ xã hội nên bạn bè, người thân hiếm khi đến nhà chơi nên họ cũng chẳng bận tâm đến việc quét dọn hay đổ rác. Thế nên họ dần sống quen với rác, thậm chí là cảm thấy cô đơn lạc lõng khi không có rác bên cạnh và chỉ xử lý đống rác trong nhà khi bị hàng xóm yêu cầu quyết liệt.

Ngày nay khi thời đại công nghệ ngày càng phát triển cùng xu hướng xã hội bảo vệ quyền riêng tư của mọi người và sự bùng nổ của mạng xã hội, thế giới ảo nên việc giao tiếp giữa người với người ngoài đời thực ngày càng giảm. Số người kém giao tiếp, thu mình thoát ly khỏi cộng đồng dần tăng thì hiện tượng Gomi yashiki cũng theo đó mà xuất hiện phổ biến hơn, trở thành một vấn đề nhức nhối cho chính phủ tìm cách giải quyết. Nhật bản đã đưa ra những quy định, yêu cầu chủ sở hữu phải dọn dẹp sạch sẽ môi trường sống của mình nếu không sẽ phải đối mặt với việc trục xuất, phạt tiền hoặc các hình phạt khác. Tuy nhiên những trường hợp này thường xảy ra khi có nhiều người lên tiếng chỉ trích, kiện tụng hội sống chung với rác khi không gian sống bị ảnh hưởng, ô nhiễm.

Việc Gomi yashiki còn tồn tại hay không là dựa trên quyết định của mỗi người. Gomi yashiki không chỉ có ở Nhật mà còn xuất hiện khắp nơi trên thế giới này, nơi những người sống chung với rác đến mức quen thuộc và ám ảnh.

Cre: japantoday, tổng hợp

  • 0
  • 1Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)