logo-maybe-vn
Mở app
hoanglinh.r
hoanglinh.r2 năm trước
Reading

Người Đàn Ông Mang Tên Ove và câu chuyện về một cuộc đời bình dị

Người Đàn Ông Mang Tên Ove là cuốn mình đọc cũng khá lâu rồi, dạo này muốn đổi gió “xả stress” một tí nên mới lục ra đọc lại. Đây là một quyển khá nhẹ nhàng viết về tình cảm gia đình, bạn bè có mang chút hơi hướng trào lộng kiểu Bắc Âu duyên dáng. Ai từng đọc qua những tác phẩm khác của Fredrik Backman như Bà Ngoại Tôi Gửi Lời Xin Lỗi, Britt-Marie Đã Ở Đây hay Những Kẻ Âu Lo thì hẳn sẽ quen với giọng kể chẳng lẫn đi đâu được này.

Theo đúng như tựa sách, đây là câu chuyện kể về cuộc đời của một người đàn ông tên Ove. Ông Ove năm nay 59 tuổi, tính cứng nhắc, hay cáu kỉnh, thích chạy chiếc Saab cũ và chẳng ưa được ai trong khu phố. Phần lớn cuốn sách kể về cuộc sống của Ove từ ngày vợ ông mất, mang theo “tất cả màu sắc” trong thế giới của ông. Ông Ove chán nản chỉ muốn đi tìm bà nhưng khổ nỗi những người hàng xóm chẳng bao giờ để ông yên. Gia đình nhà Adrian lúc nào cũng nhốn nháo vì mấy cái lý do không đâu, con mèo hoang bướng bỉnh, cái lò sưởi suốt ngày “dở chứng” nhà bà Anita.

“Con người cần có một chức năng. Ông đã luôn đóng một vai trò nhất định, không ai có thể phủ nhận điều đó. Ông đã làm tất cả những gì mà xã hội chờ đợi nơi ông. Ông đã làm việc, không bao giờ nghỉ ốm, trả hết nợ nần, đóng thuế, làm những việc cần làm, mua những chiếc xe tốt. Và đổi lại, xã hội đã cảm ơn ông bằng cách nào? Bằng cách cử người đến gặp ông tại cơ quan và bảo rằng ông đi về đi, thế là xong.Vào một thứ Hai nọ, ông đã không còn bất cứ một vai trò nào nữa.”

Nếu được hỏi điều vui vẻ nhất trong cuộc đời là gì thì có lẽ ông Ove sẽ không ngần ngại trả lời rằng đó là gặp được bà Sonja. Bà là người đã cho ông thấy thế giới này có rất nhiều màu sắc và tình yêu của họ sẽ cho bạn biết niềm hạnh phúc của việc gặp đúng người. Thế giới của ông trước khi có bà chỉ toàn một màu xám xịt, và đến lúc bà đi thì nó lại về với vẻ trơ trọi ban đầu. Ông thấy hình như chẳng còn vị trí nào cho mình nữa, hóa ra thế giới này khi không có bà lại xa lạ với ông đến vậy. Nhưng thật may vì vẫn có những “kẻ ngu ngốc” không để ông cô đơn, họ giúp ông nhận ra rằng bản thân ông cũng là một màu sắc rất dịu dàng. 

Phần kết làm mình buồn nhiều, nhưng nó không làm mình nuối tiếc. Có lẽ vì cuộc đời ông Ove đã trọn vẹn, đấy là mình nghĩ thế. Có chăng là ông sẽ cáu vì vẫn không ai chịu để lời dặn của ông vào tai, nhưng thôi chắc ông cũng chẳng còn để ý nữa. Vì giờ ông có nhiều chuyện thú vị cần kể cho bà nghe lắm, ví như trong nhà lại có một con mèo hay trên cánh tủ lạnh giờ đã có thêm một bức tranh “Ông ngoại”. 

Dưới góc nhìn của mình, ông Ove là nhân vật được xây dựng đúng với khuôn mẫu về những người thuộc thế hệ trước. Ông chăm chỉ làm việc từ những ngày còn trẻ, chuyên tâm vào đúng công việc của mình với mục tiêu duy nhất là chăm lo cho gia đình. Và bởi vì tư tưởng của ông vốn được dựng sẵn theo cái khung như thế, nên ông không thể theo kịp sự thay đổi chóng mặt của thời đại. Ông không chịu được cách sống phóng khoáng của giới trẻ, ông cũng không ưa được tính thờ ơ của chúng. Ông đau đầu với điện thoại thông minh và ông cũng chẳng nhớ được cách dùng in-tơ-nét. Những tình huống ngang trái ấy khi đọc thì có vẻ buồn cười, nhưng cũng có thể làm bạn suy nghĩ nhiều hơn nếu chợt thấy ông Ove sao mà giống người lớn trong nhà đến lạ.

Thực ra nói đây là một quyển sách hài hước nhẹ nhàng thì cũng đúng, nhưng tất nhiên là không đúng hoàn toàn. Vì giữa những câu chuyện thường nhật dở khóc dở cười của ông Ove thì tác giả vẫn không quên xen vào những vấn đề xã hội vốn chẳng còn gì xa lạ. Từ chuyện bên phúc lợi xã hội thích gây khó dễ, chuyện giấy tờ lằng nhằng, chuyện nhập cư đến sống thử và ti tỉ những chuyện lặt vặt khác nữa. Mình thích cách Backman đưa những vấn đề ấy đến với người đọc bằng một góc nhìn nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn đủ để người ta phải suy ngẫm về nó. 

Sau số sách “nặng đầu” đầy triết lý mình mới đọc gần đây thì Người Đàn Ông Mang Tên Ove quả thực là một cuốn rất dễ đọc. Một cuốn sách không chứa đựng nhiều ẩn ý sâu xa nhưng lại rất nhiều cảm xúc. Gần 450 trang viết về cuộc đời của một ông già bình thường thì liệu có đáng thời gian không? Rất đáng nhé. Vì đây là một cuộc đời có đủ buồn vui, trọn vẹn và xứng đáng để được người khác nhớ về.

Đánh giá cá nhân: 4/5

Hoàng Linh 

  • 1
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1
hoanglinh.r
hoanglinh.r2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)