logo-maybe-vn
Mở app
K
K2 năm trước
Reading

Quái Đàm - Thế giới ma quái đến từ kho tàng dân gian

Khi nghe cái tên Quái Đàm, phần đông bạn đọc hiện nay có thể còn cảm thấy lạ lẫm, nhưng mình chắc chắn không ít bạn đã từng nghe danh đến Kwaidan - bộ phim liêu trai nổi tiếng được chuyển thể từ cuốn sách này. Năm 1964, ngay khi mới được công chiếu, đứa con tinh thần của đạo diễn gạo cội Kobayashi Masaki nhanh chóng trở thành cơn sốt phòng vé đương thời. Không lâu sau đó, bộ phim đã đi vào lịch sử điện ảnh như một trong những thước phim kinh dị kinh điển nhất của Nhật Bản. Kwaidan cũng trở thành tiền đề cho những hậu bối sáng giá khác như The Ring hay Ju-on. Nhưng bàn đến sự thành công đó thì không chỉ có mỗi Kobayashi Masaki, đằng sau một Kwaidan đậm đà bản sắc Nhật còn là chuyện đời của một người ngoại quốc với niềm say mê cuồng nhiệt văn hóa Nhật cùng tinh thần hòa hợp dân tộc đi trước thời đại. Người đó chính là tác giả cuốn sách này: Lafcadio Hearn.

“Vốn khâm phục H. C. Andersen, hiểu rõ tầm quan trọng của ngụ ngôn và cổ tích trong văn hoá của một dân tộc, nên giữa bao nhiêu thể loại văn học, Hearn cho rằng truyện dân gian là phù hợp nhất với mục tiêu giới thiệu Nhật bản ra bên ngoài của mình.”

Lafcadio Hearn (1850 - 1904) là nhà văn, dịch giả và giáo viên mang hai dòng máu Ai–len và Hy Lạp. Năm 1890, trong một chuyến du lịch Nhật Bản, ông sớm bị chinh phục bởi nền văn hóa cổ truyền của xứ sở hoa anh đào và quyết định định cư tại mảnh đất này. Ông nghỉ việc ở quê nhà và chuyển tới Nhật Bản làm nghề dạy học. Năm 1891, ông kết hôn với một người phụ nữ Nhật Bản và được đặt một cái tên tiếng Nhật riêng là Koizumi Yakumo. Ông là một trong số những lá cờ đầu trên hành trình đưa văn hóa và văn chương Nhật vượt khỏi biên giới quốc gia này, thông qua những tác phẩm nghiên cứu truyện cổ Nhật, tiêu biểu nhất là tác phẩm Quái Đàm.

"Quái" tức sự kỳ dị, quái gở. “Đàm” là những chuyện phiếm kể lại nhân lúc nhàn rỗi. Quái Đàm tức là những chuyện phiếm về yêu ma quỷ quái được kể khi đông đủ mọi người tụ họp, hàn huyên. Quái Đàm là một kho tàng những truyện cổ liêu trai về yêu ma quỷ quái, những câu chuyện đã được lưu được truyền trong dân gian Nhật Bản từ cổ chí kim. 

Tập truyện được chia ra làm hai phần: Yêu Quái và Dị Trùng. Trong khi Yêu Quái bao gồm 17 câu chuyện truyền miệng trong dân gian được ghi chép lại tỉ mẩn, thì Dị Trùng lại là tiếng lòng riêng của tác giả về trải nghiệm văn hóa của mình với vỏn vẹn 3 chương khiêm tốn. Bằng việc thêm thắt những bình luận, triết lý, chiêm nghiệm riêng, không gian văn hóa Nhật cổ xưa hiện lên như mộng như ảo, đầy lung linh biến ảo. Nó cũng thể hiện sâu sắc cách nhìn nhận của tác giả về di sản trường tồn và bất biến của kho tàng văn hóa một dân tộc.

Theo như tác giả miêu tả, văn hóa Nhật Bản cũng giống như văn hóa người Việt mình, đều tâm niệm rằng các giống loài yêu ma quỷ quái hay youkai không chỉ là những tạo vật tự nhiên, mà đôi lúc sẽ hiện thân dưới vô vàn hình dáng sinh động ẩn hiện xung quanh mà chúng ta chẳng hay biết. Từ những vật dụng thường ngày, các loài vật hoang dã và thậm chí đôi khi là cả chính chúng ta. Lẽ thường tình, phàm đã là ma quỷ thì không có hình dạng, đã không có hình dạng thì người nói không, người nói có là chuyện thường. Bởi vậy mới sinh ra những Vô Diện (Lửng), Ma Không Đầu để mà chúng ta thỏa trí sáng tạo. 

Trong Quái Đàm, quan hệ giữa yêu ma quỷ quái và con người được thể hiện qua nhiều chi tiết, hình ảnh biểu tượng mơ hồ. Trong Tuyết Nữ, đó là những con mắt – thứ thể hiện điều tiếng nhân gian, và màu đỏ ấm nóng trên nền trắng lạnh lùng – thứ thể hiện cả dòng máu mà Tuyết Nữ hút khỏi ông tiều phu già lẫn tình yêu mà cô có với anh tiều phu trẻ. Trong Hoichi Cụt Tai, đó là âm thanh – mối dây liên lạc duy nhất giữa người nghệ sĩ mù và hồn ma của những nhân vật trong bản nhạc. 

Một khía cạnh độc đáo mà theo mình, thực ít tác phẩm liêu trai nào sở hữu mà Quái Đàm lại có, đó là ảnh hưởng của đạo Phật. Dấu hiệu đầu tiên có thể nắm bắt dễ nhất, đó là các bóng ma trong Quái Đàm tương thông với con người qua kết nối duyên nghiệp, nhân quả. Vì ham ăn mà thành ra làm quỷ ngoạm xác người. Vì thương cây mà chấp nhận cái chết báo đền. Vì tình mà chấp nhận hy sinh cả thân mình. 

Không chỉ vậy, xuyên suốt chiều dài tác phẩm, các linh hồn thường phải trải qua vòng tuần hoàn của tạo nghiệp - giải nghiệp. Quá trình đầy truân chuyên này bắt đầu từ sự nhận thức sai lầm, đến thức tỉnh lương tâm, tự phán xét và cuối cùng là tự cứu chuộc. Nói nôm na theo ngôn ngữ ông bà ta thì là: Có làm thì mới có ăn/Không dưng ai dễ mang phần đến cho. Ăn quả ngọt hay quả đắng, đó là tùy vào bạn, nhưng nhớ ăn xong là phải tự giác mà dọn. Như lời sư thầy nói với Hoichi, rằng người bị ma ám phải tự cứu mình, nhà chùa chỉ có thể chỉ dẫn, cũng mô tả đúng cái nhìn của Phật giáo về cách hóa giải nhân duyên.

Mặc dầu Quái Đàm đơn thuần chỉ là những truyện cổ được ghi chép lại, nhưng các tác giả dân gian xưa nay vẫn vậy, luôn song hành những giá trị hiện thực giàu thâm trầm đòi hỏi mình phải đọc nghiền ngẫm lắm mới có thể thấu suốt. Như Hoichi Cụt Tai phê phán cái tôi hoài cổ và sự tôn sùng kẻ có quyền lực. Và khi Tuyết Nữ đặt người nữ làm hung thủ giết thầy của người nam, dường như nó đã vô tình phản ánh thế đối kháng giữa trật tự phụ quyền và sắc dục. 

Tuy nhiên, đúng như đầu đề Quái Đàm, tác phẩm cổ điển này lại không quá hấp dẫn trong thời đại các thể loại kinh dị, ám ảnh, giật gân lên ngôi như bây giờ. Nói trắng ra, mình e là đến cả bộ phim chuyển thể Kwaidan cũng đã chiếm trọn hào quang của tác phẩm gốc rồi. Các cụ nhà ta hay có câu “Vang bóng một thời”, thật khó để một di sản vang bóng của thế kỷ trước như Quái Đàm có thể tồn tại trong một thế giới hiện đại không còn chuộng loại hình truyện cổ thuần túy này. Tuy vậy, trong khuôn khổ thể loại liêu trai, cùng với những Liêu Trai Chí Dị, Truyền Kỳ Mạn Lục, cuốn sách này vẫn là ngọn gió mát rượi giữa đêm trăng thanh vắng, thổi nhẹ vào độc giả một luồng hơi không quá sắc lạnh, đủ khiến ta rùng mình trên mỗi bước đi. 

ĐÁNH GIÁ: 4/5 

24/7/2022

  • 1
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1
K
K2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)