logo-maybe-vn
Mở app
K
K2 năm trước
Reading

Đầu Giáo Sư Dowell - Khi thành tựu khoa học trở thành căn nguyên tội ác

Năm 1955, toàn thế giới chấn động trước vụ mất tích bộ não của nhà bác học Albert Einstein. Kẻ chủ mưu, Thomas Harvey lúc đó hẵng còn là một tay bác sĩ nghiệp dư, đã bí mật phẫu thuật thi hài Einstein một cách bất hợp pháp và sử dụng não ông cho mục đích nghiên cứu riêng. Mãi đến hơn 30 năm, vụ việc mới được phanh phui. 

30 năm trước đó, một nhà văn người Nga cũng từng viết một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng cảnh báo về nạn ăn cắp chất xám thông qua việc phẫu thuật thi thể trái phép.

Cuốn tiểu thuyết đó chính là Đầu Giáo Sư Dowell (1) xuất bản năm 1925 của tác giả Aleksandr Romanovich Belyaev.

Aleksandr Romanovich Belyaev (1884–1942) là nhà văn Nga tiên phong trong đề tài khoa học viễn tưởng của Liên Xô cũ. Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các tiền bối như H.G. Wells, Jules Verne, và Konstantin Tsiolkovsky, Belyaev đã sáng tác hàng loạt các tiểu thuyết nổi tiếng vào khoảng những 1920 và 1930 như: Đầu Giáo sư Dowell (1925), Người Cá (1926), Người Bay Ariel (1928),... 

Đầu Giáo Sư Dowell viết về một tội ác khủng khiếp, một tội ác đã từng tồn tại trong quá khứ nhưng nay được đào lên, được lặp lại với một mức độ tàn nhẫn vượt xa kẻ tiền nhiệm. Nếu Victor Frankenstein (2) chỉ là tên bác học điên mất lý trí, trộm xác để thỏa mãn cơn dục vọng nhất thời, thì Kern lại là phiên bản Victor thông minh gấp bội và mưu trí đến rợn người. Vì ham muốn danh vọng của người bằng hữu - giáo sư Dowell, Kern đã bí mật thủ tiêu và chỉ giữ lại phần đầu của ông - nơi lưu trữ tinh túy bậc nhất của một khoa học gia lỗi lạc. Từ đây, Kern bắt đầu ngược đãi “đầu Dowell” để bắt ông phải thực hiện những thí nghiệm khoa học nổi tiếng dưới tên của mình. Vậy là, từ một phát minh khoa học đầy tiềm năng là kĩ thuật cấy ghép đầu người, Dowell buộc phải ngậm ngùi nhìn Kern cướp đi một cách trắng trợn, và bản thân lại trở thành vật thí nghiệm đầu tiên. 

Nhưng dù là tội ác nào cũng không qua mắt khỏi công đạo và lương tri loài người. Cuốn sách còn dõi theo hành trình giải cứu cha mình của Arthur – con trai của giáo sư Dowell. Đó còn là bác sĩ Laurence, nhà y học luôn đứng về lẽ phải, quyết không phục tùng Kern vì tham vọng vinh hoa phú quý. Bên cạnh họ còn là những người bạn giàu nhiệt huyết khác, cùng nhau họ quyết tâm đưa những hành vi vô nhân đạo của Kern ra ánh sáng. 

Với Đầu Giáo Sư Dowell, Belyaev đã hòa lẫn yếu tố viễn tưởng cùng sắc màu trinh thám, kinh dị một cách hoàn hảo. Tác phẩm viết về một thế giới viễn tưởng đầy hứa hẹn, nhưng ẩn chứa những mặt tối đáng sợ về sự tha hóa trong nhân tính. Sự hứa hẹn nằm ở chỗ phát minh của Dowel đại diện cho giấc mơ muôn thuở của loài người: được cải tử hoàn sinh, không phải lo đối diện với cái c.h.ế.t. Nhưng cũng chính phát minh vĩ đại đó đã làm nảy sinh những tội ác khó lường, làm chúng ta phải đặt ra nhiều nghi vấn về mối tương quan giữa khoa học và đạo đức. Sẽ thế nào khi những phát minh khoa học bị chiếm đoạt và lợi dụng vì mục đích riêng? Và sẽ thế nào nếu chính khoa học trở thành nguyên cớ cho sự sa ngã của con người? 

Đọc tác phẩm ở độ tuổi 14, cảm nhận của mình lúc đó chưa đủ sâu sắc như bây giờ. Với mình, Đầu Giáo Sư Dowell đơn giản là cuốn truyện viễn tưởng đầu tiên mình đọc, và cũng là cuốn sách tuổi thơ đã gắn bó với mình suốt mấy năm cấp 2, đến nỗi ở đâu mình cũng phải mang theo, dù là ở nhà hay trên trường. Có thể cốt truyện nó không quá mới, thậm chí là… cổ lỗ so với thời đại bây giờ, nhưng chủ đề mà nó đặt ra mới là thứ níu kéo mình nhập thân vào từng trang sách. Mình hiểu nỗi cô đơn của Dowell, về sự bất lực của ông. Cảm giác phải nhìn chính phát minh của mình bị chiếm đoạt, bị chiếm dụng, và mình trở thành vật thí nghiệm quả thực không có gì đau đớn hơn, giống như Nam Cao đã nói: 

"Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa."

(Lão hạc - Nam Cao)

Vả lại, nếu được sống mà chỉ để nhìn thấy những điều tàn nhẫn đó, thì được c.h.ế.t như Einstein hẳn là một sự giải thoát ít đau đớn nhất. Ấy vậy mà, đến cả một ước nguyên nhỏ nhoi như vậy, Dowell cũng hoàn toàn lực bất tòng tâm. Quả thực, không có cái đau nào tê tái hơn cái đau này! 

Một điều mình ấn tượng nữa là nan đề sâu xa mà cuốn sách đặt ra về ý nghĩa của sự tồn tại. Tình trạng của giáo sư Dowell thực là một minh chứng hiện hữu cho nỗi băn khoăn “Sống hay không sống” của Shakespeare. Thật vậy, khi phải sống bằng phần thân thể mất tri giác, Dowell đã ngộ ra chân lý của một người khuyết tật rằng: chỉ khi được lành lặn, được cảm nhận tự nhiên, cảm nhận thế giới bằng đôi tay đôi chân của mình, ta mới ý thức được vẻ trác tuyệt của cuộc sống diệu kỳ này. Còn sống mà như không sống, thì cũng chỉ là sống mòn. Bởi vậy, ông đã thốt nên rằng: 

“Ôi, tôi sẵn sàng đánh đổi sự tồn tại huyền hoặc này của tôi chỉ để lấy niềm vui được cảm thấy trong tay mình sức nặng của một viên đá cuội tầm thường!”

Đầu Giáo Sư Dowel, một cuốn sách nên đọc khi còn trẻ và phải đọc lại nhiều lần khi đã trưởng thành. Từ một chủ đề khoa học đơn giản, tác giả Belyaev đã rẽ nhánh sang hàng loạt các vấn đề đạo đức và nhân tính khác như nạn ăn cắp chất xám, hay sự cô đơn cũng như tham vọng của con người. Hãy đọc cuốn sách với tâm thế không phải của một câu chuyện viễn tưởng, mà là một tác phẩm giàu triết lý nhân sinh, để tăng thêm yêu lòng trân quý với từng khoảnh khắc, từng cành cây kẽ lá, từng vẻ đẹp dù chưa hoàn hảo của cuộc sống diệu kỳ này. 

CHÚ THÍCH

  1. Tên nhân vật chính xác trong tác phẩm gốc là Dowell, một số bản dịch tiếng việt cũ đã in sai tên nhân vật thành Dowel, như bản in năm 2013 của NXB Trẻ và bản 200x của NXB Thanh Niên.
  2. Victor Frankenstein: tên nhân vật chính trong tiểu thuyết Frankenstein của Mary Shelley, là một nhà khoa học bị ám ảnh với việc thu thập bộ phận cơ thể người chết để tái sinh thành một thân xác mới.

ĐÁNH GIÁ: 4/5 

16/5/2022 

  • 1
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
2
K
K2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)