logo-maybe-vn
Mở app

Người Đàn Ông Tưởng Nhầm Vợ Mình Là Cái Mũ Và Những Ca Bệnh Tâm Lý Thần Kinh Hiếm Gặp: Khi trí tuệ đi đôi với sự cảm thông

Oliver Sacks (1933 - 2015) là một nhà thần kinh học và tác gia người Anh nổi tiếng với những ghi chép về các ca bệnh thần kinh mà ông từng gặp. Một số cuốn sách của ông đã được chuyển thể thành phim và kịch. Ông được tờ New York Times ngợi ca là "thi sĩ của ngành y".

Trong tác phẩm Người Đàn Ông Tưởng Nhầm Vợ Mình Là Cái Mũ Và Những Ca Bệnh Tâm Lý Thần Kinh Hiếm Gặp, Oliver Sacks kể lại nhiều trường hợp của những bệnh nhân bị lạc trong thế giới kỳ lạ của các chứng bệnh thần kinh: bị mất trí nhớ ở hiện tại và bị mắc kẹt trong quá khứ; không còn khả năng nhận biết người và đồ vật thông thường; cảm thấy xa lạ với tay chân của chính mình; bị thiểu năng trí tuệ nhưng lại có năng khiếu đặc biệt về nghệ thuật hoặc toán học,...

Những ca bệnh trong cuốn sách này quả thật rất hiếm gặp, và chúng lại càng lạ lẫm hơn trong mắt của những người không học y như mình. Ví dụ như ca bệnh được lấy để đặt tên cho cuốn sách này. Đó là trường hợp của một nhạc sĩ bị rối loạn hình ảnh thị giác do tổn thương não bộ. Ông không nhận biết được khuôn mặt của bất kỳ ai, thậm chí cả khuôn mặt của chính ông. Ông xem các khuôn mặt như một tập hợp các đặc điểm, như một “vật” chứ không phải “người”. Ông mất đi cảm giác về cái tổng thể, không thể nhận ra người khác qua khuôn mặt của họ, và điều đặc biệt là ông ấy không biết mình đã mất đi khả năng đó. Không phải là quá kỳ lạ hay sao? Đây là lần đầu tiên mình biết có một người như thế.

Đó đều là những câu chuyện kỳ lạ đến mức không thể tưởng tượng nổi, nhưng chúng mang tính nhân văn sâu sắc khi được thuật lại qua cách kể chuyện đầy cảm thông của Oliver Sacks. Thay vì viết báo cáo bệnh án khô khan, với ngòi bút truyền cảm và chất chứa nhiều suy tư, Sacks đã biến bệnh nhân của ông trở nên những thực thể sống động, những con người rõ ràng mà mình có thể dễ dàng liên tưởng ra và cố gắng thấu hiểu họ.

Cuốn sách không chỉ mở ra cho mình những suy nghĩ về việc đấu tranh chống lại nghịch cảnh, cho phép mình bước vào thế giới của những người bị tổn thương thần kinh để thông cảm với họ, mà còn cho mình thấy rằng thần kinh học là một lĩnh vực vô cùng phức tạp và đầy ẩn số, khi những tiến bộ khoa học không đủ khả năng để hiểu đầy đủ khái niệm về con người. 

Cần có sự thông cảm và thấu hiểu đặc biệt để giao tiếp với những bệnh nhân này. Triển vọng phục hồi của họ thường là rất thấp. Người ta chỉ có thể từ từ điều trị và cải thiện, nhưng không thể đưa ra phương pháp chữa trị dứt điểm. Mặc dù đó là thực tế đáng buồn, nhưng sự tôn trọng của Sacks đối với các bệnh nhân và những nỗ lực mà ông dành ra để mang lại những điều tốt nhất cho họ khiến mình thấy ngưỡng mộ.

Ngay cả khi không có cách chữa trị hoàn toàn, Sacks vẫn thể hiện quyết tâm to lớn trong việc chữa bệnh. Sacks khuyến khích bệnh nhân tiết lộ nhiều hơn về bản thân họ, họ là ai và họ cảm thấy thế nào, nhưng không ép buộc quá trớn nếu thấy bệnh nhân đang sợ hãi và tuyệt vọng. Là một nhà thần kinh học, ông tiếp cận bệnh nhân qua những cuộc trò chuyện đầy gợi mở, kèm theo đó là sự quan sát nhạy bén, sự nhạy cảm sâu sắc, luôn lắng nghe và không bao giờ khiêu khích.

Trong phần bốn, “Thế giới của những kẻ giản đơn”, Sacks cho rằng việc đánh giá những người tâm thần theo tiêu chuẩn bình thường là không công bằng, bởi vì họ có những tài năng riêng, qua đó họ có thể tìm ra cách để kết nối và cảm nhận thế giới thực. Thoạt nhìn, những người này có vẻ ngớ ngẩn, nhưng chúng ta không nên vội vàng kết luận về toàn bộ khả năng của họ chỉ vì họ không có kết quả tốt trong các bài kiểm tra IQ của bệnh viện. Thường thì những bài kiểm tra dạng này chỉ cho chúng ta một bức tranh không đầy đủ về các bệnh nhân mà không xét đến sự độc đáo của mỗi cá nhân. Do đó, bằng một cách đặc biệt hơn, vượt ra ngoài các xét nghiệm y khoa, ví dụ như việc quan sát bệnh nhân ở trạng thái tự nhiên như Sacks đã làm, thì chúng ta mới có thể thực sự nhìn thấy bệnh nhân là ai và hiểu cách họ tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống.

Mình rất thích cuốn sách này ở tinh thần tôn vinh khiếm khuyết của mỗi cá nhân, cũng như cách tác giả phá bỏ những rào cản giữa cái gọi là “bình thường” và “không bình thường”. Các căn bệnh tâm lý thần kinh thường dẫn đến sự cô lập, xa lánh từ phía xã hội, nhưng sau khi đọc qua hành trình của Oliver Sacks trong việc khám phá cách mà các bệnh nhân vượt qua nỗi sợ hãi tình trạng của bản thân và bước ra khỏi vỏ bọc của họ, mình nhận ra họ không chỉ là một kẻ lập dị trên đường phố, mà còn là những con người với những cuộc chiến nội tâm của riêng họ, giống như tất cả chúng ta.

Mặc dù Người Đàn Ông Tưởng Nhầm Vợ Mình Là Cái Mũ Và Những Ca Bệnh Tâm Lý Thần Kinh Hiếm Gặp là một tài liệu y học nhưng không hề khó đọc vì nó tập trung vào khía cạnh con người hơn nhiều hơn là khía cạnh kiến thức. Qua cuốn sách, trái tim và đầu óc của mình như được mở mang nhiều hơn, để biết rằng sự tổn thương nặng nề của tâm trí không nhất thiết phải cướp đi khả năng yêu thương và thể hiện lòng tốt của một con người, và chúng ta cần đối xử với những người khiếm khuyết không chỉ bằng trí tuệ mà còn bằng lòng từ bi.

Chấm điểm: 9/10.

  • 1
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
2

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)