logo-maybe-vn
Mở app

Ai có thể lý giải Cái Ác?

Paul Ricoeur (1913 - 2005) là một triết gia người Pháp theo đạo Tin Lành. Ông được coi là một trong những triết gia quan trọng nhất của thế kỷ XX. Tác phẩm Cái ác - Một Thách Thức Đối Với Triết Học Và Thần Học là văn bản thuyết trình của Paul Ricoeur tại khoa Thần học của Đại học Lausanne vào năm 1985.

Cấu trúc của quyển sách gồm ba phần. Phần đầu tiên nói về mức độ phức tạp của vấn đề cái ác từ góc độ Hiện tượng học. Phần thứ hai bàn về bản chất và nguồn gốc của cái ác. Phần cuối nói về suy nghĩ, hành động và cảm thụ liên quan đến cái ác như một giải pháp thay thế mà Ricoeur đưa ra cho vấn đề này.

Ricoeur cho rằng Biện thần luận đã đưa ra một lời giải thích không thỏa đáng cho vấn đề cái ác. Mình đã có cơ hội biết đến Biện thần luận qua tác phẩm Candide - Chàng Ngây Thơ của Voltaire và mình cũng không hài lòng với quan điểm của Biện thần luận. Biện thần luận bắt nguồn từ triết gia Leibniz, cho rằng thế giới mà chúng ta đang sống là thế giới tốt nhất trong tất cả những thế giới khả hữu bởi vì nó được bàn tay của Đấng toàn năng tạo ra. Biện thần luận được xem như là sự bảo vệ cho sự nghiệp tốt lành của Thượng đế để chống lại những than phiền của con người về những sự việc mâu thuẫn với sự tốt lành ấy. Chính vì tính biện minh của nó, Biện thần luận luôn phải vật lộn với câu hỏi: “Nếu Thượng đế tốt lành và toàn năng thì tại sao cái ác lại hiện hữu trên thế gian?”.

Nguồn ảnh: netabooks
Nguồn ảnh: netabooks

Ở phần mở đầu, Ricoeur cho thấy vấn đề cái ác vẫn là một thách thức đối với cả các triết gia và các nhà tư tưởng tôn giáo. Từ sự thất bại của những người đi trước, cái ác kích thích chúng ta suy nghĩ xa hơn để đưa ra những ý tưởng khác. “Các nhà tư tưởng lớn trong triết học và thần học đều đồng ý thừa nhận rằng cả hai bộ môn này đối đầu với cái ác như một thách thức vô tiền khoáng hậu. Điều quan trọng không phải là sự thừa nhận này, mà là ở cung cách đón nhận sự thách thức, hay đúng hơn, đón nhận nguy cơ của sự thất bại ấy: Nó là sự mời gọi hãy suy tư ít hơn hoặc một sự thách thức để suy tư nhiều hơn, vâng, thậm chí phải suy tư khác đi?”

Bình thường, cái ác được chia làm hai loại là cái ác luân lý (xuất phát từ những hành động có ý thức tự do của con người) và cái ác tự nhiên (hậu quả của những chuyển biến thiên nhiên). Quan điểm phân loại cái ác này rất mới mẻ đối với mình, bởi vì trước giờ mình chỉ nghĩ đến cái ác chỉ có nghĩa là sự phạm tội đối với người khác, nghĩa là cái ác luân lý theo sự phân loại như trên. Có lẽ cũng có nhiều người nghĩ cái ác chỉ có một loại giống như mình, vì vậy mình nghĩ rằng thay thế từ “cái ác” trong tác phẩm này thành từ “sự dữ” sẽ hay hơn, vừa không thay đổi nghĩa, vừa gợi ra một cảm giác sâu và rộng hơn “cái ác”.

Sự phân loại cái ác của Ricoeur lại càng mới lạ hơn đối với mình. Truyền thống Tây phương Do Thái-Kitô giáo có xu hướng đánh đồng cái ác với tội lỗi, đau khổ và cái chết. Tuy nhiên, đối với Ricoeur, nếu xem đau khổ là điểm quy chiếu, ông thấy rằng bản thân chúng ta có thể gây ra đau khổ cho người khác hoặc gánh chịu đau khổ từ bên ngoài, từ đó cái ác được nhìn nhận thành hai loại khác nhau, đó là cái ác đã phạm và cái ác phải gánh chịu.

Hai cách hiểu này về cái ác thuộc về các phạm trù không đồng nhất, đó là quở trách và than thở. Sự quở trách biểu thị phán quyết lên án khi người thực hiện hành động bị tuyên là có tội và đáng bị trừng phạt, còn sự than thở cho thấy một người đang trải qua đau khổ. Sự quở trách và sự than thở đối lập nhau ở chỗ sự quở trách khiến một người trở thành thủ phạm, trong khi sự than thở cho thấy rằng một người là nạn nhân.

Ricoeur thấy rằng Biện thần luận đã không ngó đến lời than thở của những nạn nhân đau khổ, hay thậm chí muốn làm cho những người đau khổ phải im lặng. Mình nhận thấy Ricoeur rất quan tâm đến tiếng nói của những người đau khổ trong cuộc sống, và mình rất trân trọng tinh thần này của ông. 

Ricoeur đã nhắc lại vấn đề kinh điển trong Biện thần luận: Làm thế nào chúng ta có thể khẳng định đồng thời các mệnh đề sau đây mà không mâu thuẫn?

1. Thượng đế là toàn năng.

2. Thượng đế là toàn thiện. 

3. Song cái ác vẫn hiện hữu.

Trong nhiều năm, các triết gia và các nhà thần học luôn coi những mệnh đề này là mâu thuẫn. Là một tín đồ Công giáo, mình đã nhiều lần gặp phải câu hỏi này nhưng chưa một lần nào suy nghĩ thật kỹ về nó. Ngay từ lúc gặp câu hỏi này trong sách, mình đã tò mò liệu Ricoeur có giải đáp nó không. Ricoeur không nói gì quá cụ thể, nhưng ông đã mở ra cho mình một ý kiến riêng mà mình xem như câu trả lời cá nhân cho vấn đề trên: Thượng đế là chủ nhân của cả thiện và ác. Cái thiện đại diện cho những điều phù hợp với ý Ngài, trong khi cái ác thì ngược lại. Ngài tạo ra cả hai, mỗi một trong số chúng đóng vai trò tự phân biệt nó với cái kia. Ngài có quyền lựa chọn, và Ngài chọn vứt bỏ cái ác và giữ lại cái thiện để răn dạy con người. Dẫu có trí khôn, con người không bao giờ hiểu được toàn bộ ý nghĩa của sự tính toán khôn dò của Thượng đế.

Ricoeur đã không giải thích tường tận nguồn gốc của cái ác, bởi vì nó vẫn là một thách thức vĩ đại. Phần lớn, ông chỉ đưa ra những nhận xét cá nhân về các cách lý giải cái ác của các triết gia khác. Tuy nhiên, ông đã gợi ra nhiều suy nghĩ mới cho mình. Như ông đã nói ở đầu sách, quan trọng là thái độ đón nhận thách thức của chúng ta: suy tư ít hơn, suy tư nhiều hơn, hay suy tư khác đi? Đối với mình là suy tư nhiều hơn. Mình cần phải học và đọc nhiều thêm để hình thành cách lý giải của chính mình về cái ác. Trong cuốn sách mỏng này vẫn còn quá nhiều điều khó hiểu, nhưng mình chỉ cần tìm ra một phần câu trả lời của riêng mình là đã cảm thấy thỏa mãn. 

Chấm điểm: 8/10.

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)