logo-maybe-vn
Mở app
Soda Chanh
Soda Chanh2 năm trước
Reading

Nguồn Gốc Của Ngoại Tộc: Ta biết gì về phân biệt chủng tộc và Ngoại Tộc hoá?

Toni Morrison là một nhà văn người Mỹ gốc Phi, có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào đấu tranh đòi tự do và bình đẳng giới. Đồng thời, gần như suốt cuộc đời mình, Morrison kiên quyết chống lại nạn phân biệt chủng tộc. Năm 1993, Morrison trở thành nhà văn nữ da đen đầu tiên nhận giải Nobel vì những đóng góp của mình cho nền văn học thế giới. Ngoài ra vào năm 1988, với Yêu Dấu (Beloved) bà cũng đoạt giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu. 

Nguồn Gốc Của Ngoại Tộc là một tiểu luận của bà. Tiếp tục nỗ lực phơi bày mặt trái của chủ nghĩa chủng tộc và kêu gọi đấu tranh bình đẳng, tác phẩm là một tiếng nói mạnh mẽ nhằm lên án sự sùng bái màu da. Toni Morrison chỉ ra cách thức vận hành của diễn ngôn phân biệt chủng tộc và hậu quả của nó với người da màu, đặc biệt là chế độ nô lệ và thái độ, cách ứng xử của người da trắng trước cái chết của những người thuộc cộng đồng ấy.

Nếu như nhiều người vẫn nghĩ chủng tộc gắn liền với sinh học và được quy định do gen, thì Toni Morrison lại chỉ ra rằng “chủng tộc” không đơn thuần là một định nghĩa nhằm phân chia các đặc điểm sinh học, mà bản thân nó là một kết quả của sự xã hội hoá. Giống như giới (gender), chủng tộc không phải thứ gì sẵn có, mà là một khái niệm chịu tác động của chủ nghĩa chủng tộc nhằm củng cố quyền lực của người da trắng. Có thể hiểu một cách ngắn gọn, Ngoại Tộc hóa là quá trình biến những người da màu thành một cộng đồng riêng lẻ mà ở đó, tồn tại những đặc điểm và lợi ích không thể/bị từ chối hợp thành với cộng đồng da trắng.

Và chính vì sự khu biệt các nhóm cộng đồng này, ranh giới giữa hai chủng tộc (trong tiểu luận này, Morrison đề cập trực tiếp đến người da đen và người da trắng), càng bị cắt sâu hơn. Biểu hiện trực tiếp nhất của nó là các khu phố dành riêng cho người da đen ngày càng xuất hiện nhiều thêm, và người ta trở nên sùng bái màu da trắng đến mức muốn xoá bỏ màu da của mình để có thể gia nhập vào cộng đồng ấy. Và rồi những nỗi hoài nghi về căn tính, màu da của chính họ xuất hiện, kèm theo nỗi khiếp hãi khi nhận ra mình yếu thế vô cùng trước quyền lực thống trị của cộng đồng da trắng. 

“Không ai sinh ra đã là một kẻ theo chủ nghĩa chủng tộc”, ý này của Morrison cũng ít nhiều gợi cho ta nhớ đến một câu nói nổi tiếng của Simone de Beauvoir, “Người ta không phải sinh ra là phụ nữ, người ta trở thành phụ nữ”. Trước khi một đứa trẻ thực sự đến với thế giới, nó đã có những hình mẫu được định sẵn rằng mình có thể hoặc sẽ phải trở thành. Không một người da trắng nào vừa sinh ra đã có tư tưởng thượng tôn màu da, cũng không một người da màu nào vừa sinh ra đã có mặc cảm tự ti và thù ghét màu da của mình. Những điều đó chỉ xảy ra khi con người đứng trong sự tương tác của các diễn ngôn xã hội, trong sự lặp đi lặp lại của những người xung quanh, qua giáo huấn và qua bắt chước. Chính vì vậy, họ bị tác động đến hành vi và tâm lí, từ đó trở thành một kẻ theo chủ nghĩa chủng tộc và dần có tâm lý sùng bái màu da.

Ngoại Tộc hoá diễn ra cũng bởi vậy: chủ nghĩa chủng tộc cố gắng thúc đẩy quá trình này nhằm khẳng định bản thân qua những hành động có thể nói là phi nhân - “hòng xác nhận tự thân mình mới là chuẩn mực”. Toni Morrison dẫn ra rất nhiều ví dụ về chủ nghĩa màu da ở văn học, trong đó có cả những nhà văn mà ta đã rất đỗi quen thuộc như Ernest Hemingway, Flannery O’Connor, Harriet Beecher Stowe… và các tác phẩm của họ. Đáng chú ý là một trường hợp được Toni Morrison nhắc đến ngay đầu tiểu luận - đó là cuốn nhật ký của Thomas Thistlewood, một người sống trong chế độ cường quyền đương thời và coi chế độ nô lệ là điều hiển nhiên. Xen kẽ trong các ghi chép hàng ngày của y là những dòng chữ ngắn mô tả việc cưỡng hiếp các nô lệ của mình. Y không coi đó là điều gì trái với luân thường đạo lý, mà coi đó là quyền của chủ nhân. Và rồi cả những vụ xả súng, đánh đập và giết hại người da đen mà không có một biện pháp trừng trị thích đáng nào tới kẻ gây án da trắng nữa. Thêm vào đó, từng có rất nhiều đạo luật vô lý nhằm hạn chế các quyền của người da màu.

“Bất cứ người da trắng nào tụ họp cùng với những nô lệ hay những người da đen tự do, với mục đích dạy họ đọc hay viết… Sẽ bị giam trong nhà lao không quá sáu tháng và bị phạt vạ không quá 100 đô la.”

Nếu như đọc các tác phẩm khác cùng tác giả như Yêu Dấu hay Mắt Biếc, ta sẽ thấy Toni Morrison luôn dành một sự quan tâm vô cùng to lớn cho vấn đề chủng tộc. Bản thân bà là một người da màu, hơn nữa còn là một phụ nữ, vì thế chính Toni Morrison là người đã trực tiếp chứng kiến và trải qua sự tàn nhẫn của vấn nạn này. Toni Morrison chia sẻ, “Tôi quyết tâm bẻ nanh vuốt của chủ nghĩa chủng tộc rẻ tiền, thủ tiêu và làm mất tín nhiệm sự sùng bái màu da sẵn có, dễ dãi, thứ thông lệ gợi nhớ lại chính cái chế độ nô lệ.” Mình còn nhớ mình chọn Nguồn Gốc Của Ngoại Tộc vì lời đề ở bìa 4 cuốn sách khiến mình rất cảm động, “Như Toni Morrison đã nói Nguồn Gốc Của Ngoại Tộc không viết về sự khác biệt chủng tộc mà là cuốn sách viết về khả năng và trách nhiệm của văn chương với một chủng tộc duy nhất: chủng tộc người.”

Nguồn Gốc Của Ngoại Tộc không phải là một cuốn sách dễ đọc, thậm chí có lẽ còn là một tác phẩm hơi khó vào với những ai lần đầu đọc những diễn giải mang tính lý thuyết và hệ thống như thế này. Trong trường hợp đó, mình gợi ý bạn nên đọc Mắt Biếc của Toni Morrison trước khi đọc Nguồn Gốc Của Ngoại Tộc, vì các luận điểm trong tiểu luận này có thể bổ sung cho quá trình tiếp cận Mắt Biếc (Mắt Biếc là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Toni Morrison, được viết với nỗ phơi bày hiện thực tàn khốc trong một xã hội bị tư tưởng phân biệt chủng tộc đè nặng) và ngược lại, Mắt Biếc cũng có thể trở thành một ví dụ để hỗ trợ hiểu rõ hơn các luận điểm trong Nguồn Gốc Của Ngoại Tộc.

Đánh giá: 4/5

  • 3301
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
752
Soda Chanh
Soda Chanh2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)