logo-maybe-vn
Mở app
Soda Chanh
Soda Chanh2 năm trước
Reading

Có phải là ý hay khi kết hợp yếu tố LGBT+ vào một tiểu thuyết chiến tranh như "Xác Phàm"?

CẢNH BÁO: Bài viết có tiết lộ nội dung và kết sách.

__

Nội dung:

Nguyễn Đình Tú sinh năm 1974, quê ở Hải Phòng. Ông là một nhà văn hiện đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội, Tổng cục chính trị, Bộ Quốc phòng. Nguyễn Đình Tú được đánh giá là một cây viết nổi bật với khối lượng tác phẩm đồ sộ và đoạt được nhiều giải thưởng uy tín về văn học.

Xác Phàm là tiểu thuyết thứ bảy của ông, được đánh giá là một tiểu thuyết có thi pháp mới lạ. Với tiểu thuyết này, Nguyễn Đình Tú chọn cách xây dựng cốt truyện lồng trong truyện. Tức là để cho người này kể câu chuyện của người kia, với hai tuyến thời gian song song ở hiện tại và quá khứ. Nam vốn là con liệt sĩ, sinh ra ở thời bình, không trực tiếp trải qua khói lửa chiến tranh, nhưng sau một lần suýt chết đuối ở đầm sen hồi bé thì đột nhiên có một khả năng gọi là “thần thức”. Thần thức này giúp Nam có thể nhìn thấy những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, cụ thể là chiến tranh nơi biên giới mà bố cậu từng tham gia (Xác Phàm được viết dựa trên tư liệu về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979).

Tuy nhiên, việc Nam có thần thức không đơn giản chỉ là chuyện ngã xuống đầm sen, mà còn liên quan đến đặc điểm cơ thể cậu: Từ khi sinh ra, Nam không có bộ phận sinh dục. Cũng vì vậy mà nhiều lần Nguyễn Đình Tú nhấn mạnh Nam là một xác phàm không linh hồn. Nam luôn cảm thấy hoang mang bởi không biết mình là ai. “Nam vẫn luôn chìm đắm trong câu hỏi: “Nam là ai? Nam là con trai hay con gái? Tại sao một tư thế đứng đái bình thường và kiêu hãnh như của Việt mà Nam cũng chưa một lần có được?”.

Sau này khi lớn lên, bộ phận sinh dục của Nam đã mọc ra, song vì mối quan hệ với Việt - người bạn thuở bé, Nam và Việt cùng sang Thái để phẫu thuật chuyển giới cho Nam, để Nam có thể ở bên Việt với hình hài một người phụ nữ, đồng thời đảm đương trọng trách của một người mẹ. Trên bàn mổ, Nam mê man nhớ lại quãng đời trước của mình, bao gồm cả những sự kiện trong chiến tranh biên giới năm ấy mà cậu từng kể cho Việt nghe, như thể cậu đang dùng chút thời gian còn sót lại trên đời để vun vén lại toàn bộ ký ức mà mình có. Nhưng rồi cậu đã không qua khỏi sau cuộc phẫu thuật.

Cảm nhận cá nhân:

Khi đọc những dòng trên mà mình viết, hẳn bạn sẽ gật gù vì cảm thấy nội dung Xác Phàm khá thú vị và mới mẻ, khi hai chủ đề vẫn luôn được quan tâm là chiến tranh và LGBT+ được lồng ghép vào nhau. Đúng là trước khi đọc cuốn sách này, mình cũng có những cảm xúc như thế, tuy nhiên khi thật sự tiếp xúc với câu chuyện của Nguyễn Đình Tú, mình lại vô cùng thất vọng.

Đầu tiên, nếu đọc Xác Phàm với tư cách một tiểu thuyết lịch sử, mình không đánh giá cao cách kể chuyện của Nguyễn Đình Tú. Cuộc chiến tranh biên giới được kể qua góc nhìn của Nam sau khi có thần thức, vì thế dù không trực tiếp tham gia cuộc chiến, cậu vẫn có thể kể với Việt và bạn đọc một cách tỉ mỉ mười một ngày chiến đấu anh dũng của quân và dân ta trong quá khứ. Mình công nhận nỗ lực của Nguyễn Đình Tú trong việc tìm tòi tư liệu và cố tái hiện cuộc chiến, song với mình, cuộc chiến trong Xác Phàm giống một bản tường trình khô khan, cảm giác như đang đọc sách giáo khoa. 

Thời gian đọc Xác Phàm, mình cũng đang đọc song song Nỗi Buồn Chiến Tranh, nên có lẽ vì thế mình cảm thấy cách kể của Xác Phàm rất “kịch”, không mấy chân thực. Chiến tranh trong Xác Phàm được tái hiện qua lời kể của Nam, với những đoạn thoại dài, rất dài, rất rất dài. Chúng đủ để người đọc nắm bắt thông tin về cuộc chiến, nhưng không đủ để để lại cho người đọc ấn tượng sâu đậm, thậm chí đôi lúc mình còn cảm thấy khá mệt khi theo dõi nữa.

Thứ hai, điều khiến mình khó chịu nhất ở Xác Phàm là việc tác giả tỏ ra yếu kém khi khai thác đề tài chuyển giới, kéo theo đó là vô tình phủ định nhân quyền của chính nhân vật do mình sáng tạo nên. Không dưới một lần Nguyễn Đình Tú nhấn mạnh Nam là một xác phàm không linh hồn vì cậu không có bộ phận sinh dục, và cũng không dưới một lần tác giả dùng cụm từ “chống lại mệnh trời” để mô tả hành động sang Thái chuyển giới của Nam và Việt. Mình hoàn toàn không hiểu việc chuyển giới thì “chống lại mệnh trời” ở chỗ nào? Và cũng trong tác phẩm, chính vì “chống lại mệnh trời” như thế nên Nam mới phải nhận lấy cái chết. 

Xác Phàm có nhiều yếu tố tâm linh, nhưng việc tác giả liên tục dùng yếu tố tâm linh để tô đậm “sai lầm” của nhân vật khiến mình khá khó chịu. Bên cạnh đó, kiến thức về chuyển giới mà Nguyễn Đình Tú viết trong cuốn sách cũng cho mình cảm giác như khi đọc những tư liệu chiến tranh tác giả đã dồn hết vào lời thoại của Nam, khô khan như viết lại từ giáo trình, cố gắng bày tỏ sự quan tâm và chi tiết về vấn đề này, nhưng lại thật là vụng về. 

Nam là nhân vật chính, nhưng cũng là nhân vật mà mình cảm thấy bị “tước quyền” nhiều nhất trong toàn bộ tiểu thuyết. Cậu bị gọi là xác phàm không linh hồn vì không có bộ phận sinh dục, sau khi có thần thức và gắn bó với bộ môn lịch sử, lớn lên trở thành một phóng viên chuyên viết về các sự kiện tâm linh, cuối cùng đi tìm hài cốt các liệt sĩ… Nếu như xâu chuỗi các sự kiện này lại, không khó để thấy Nam chưa khi nào (hoặc ít khi) sống cho mình. Ngay cả việc sang Thái chuyển giới cũng không thực sự xuất phát từ mong muốn của Nam, mà nhiều hơn là ở Việt: Dù Việt yêu cậu, song anh lại ghê sợ cái khoái cảm ái ân với một người đàn ông giống mình. Sau khi tìm được hài cốt liệt sĩ - như thể thông báo thời gian của Nam tại trần thế đã hết vì 1/ Cậu đã hoàn thành nhiệm vụ, 2/ Cậu đang “chống lại mệnh trời” vì muốn trở thành một người phụ nữ, Nguyễn Đình Tú đẩy Nam đến cái chết - mà theo mình là không cần thiết (có lẽ vậy thì tiểu thuyết sẽ có dư âm hơn vì thêm phần bi kịch?).

Mình không phủ nhận Nguyễn Đình Tú đã xây dựng những tượng đài người lính rất đẹp, nhưng với chính nhân vật của mình là Nam, tác giả lại tước đi sự lựa chọn và quyền được sống của nhân vật này. Nguyễn Đình Tú viết về vấn đề chuyển giới nhưng không thực sự hiểu nó, về vấn đề phái tính cũng như tính dục của chủ thể mà tác giả xây dựng để làm chủ và rồi cuối cùng, Nguyễn Đình Tú biến Nam thành một công cụ hơn là một con người, để thực hiện các ý đồ trong tiểu thuyết của mình.

Điểm cộng lớn nhất của mình dành cho tác phẩm này có lẽ là tư liệu cuộc chiến mà tác giả cung cấp cho người đọc (+1 điểm), tiếp đó là giọng văn gãy gọn và dễ đọc (+1 điểm nữa).

Đánh giá tổng quan: 2/5

  • 2682
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
859
Soda Chanh
Soda Chanh2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)