logo-maybe-vn
Mở app
Rosemary
Rosemary2 năm trước
Reading

Gánh Hát Lưu Diễn Muôn Phương – Tâm huyết gìn giữ giá trị truyền thống dân tộc từ những người trẻ

Nội dung: Thảo Hồ

Minh họa: Tấn Nguyễn

Đất nước Việt Nam với 63 tỉnh thành và 54 dân tộc, trải dài theo nhiều địa hình đa dạng, từ vùng đồng bằng tới miền trung du, lại đến duyên hải, hay lên miền núi… Mỗi nơi lại có một đặc trưng văn hóa riêng biệt, càng làm đa dạng thêm cho mảnh đất anh hùng này. Và một trong những yếu tố đặc sắc nhất trong văn hóa Việt Nam, tôi nghĩ nằm ở những loại hình nghệ thuật diễn xướng và lễ hội dân tộc. Có lẽ chúng ta đã không còn lạ lẫm gì với Chèo, Chầu văn, Nhã nhạc cung đình Huế, Kịch nói… Nhưng không chỉ có thế, vẫn còn rất nhiều loại hình diễn xướng mà ta có thể sẽ cảm thấy lạ lẫm khi nghe tên như Múa Tân “tung Da” dá, Sân khấu Dù Kê, Múa Lâm Thôn… Cùng tình yêu to lớn với nghệ thuật dân tộc, với hoài bão muốn mang đến một “cẩm nang” nhỏ cho người trẻ bước đầu tìm hiểu những di sản quý giá này của dân tộc Việt Nam, nhóm bạn trẻ Thảo Hồ, Tấn Nguyễn đã cùng nhau tìm tòi, chắt lọc, nghiên cứu từ rất nhiều nguồn tư liệu, để có thể cho ra đời Gánh Hát Lưu Diễn Muôn Phương – Một cuốn artbook rực rỡ, tổng hợp những thông tin sơ bộ nhất về hơn 36 loại hình nghệ thuật diễn xướng và lễ hội của dải đất hình chữ S thân thương này. Dường như niềm đam mê từ những người bạn trẻ ấy đã truyền đến tôi khi lần đầu được cầm trên tay cuốn sách này…

Thảo Hồ sinh năm 1992, tốt nghiệp cử nhân ngành quản trị kinh doanh, cô luôn có niềm đam mê mãnh liệt với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, luôn ấp ủ hoài bão sẽ góp phần lan tỏa những giá trị này đến với nhiều bạn trẻ hơn nữa.

Tấn Nguyễn sinh năm 1997, tốt nghiệp ngành thiết kế đồ họa trường Đại học kiến trúc TP HCM, hiện đang là họa sĩ tự do, thiết kế bìa và minh họa cho nhiều đầu sách. Tấn Nguyễn tham gia dự án này với tinh thần khám phá và học hỏi, anh tự đặt mình vào vị trí người xem, từ đó thể hiện những kỳ vọng và niềm hứng thú trong từng bức tranh minh họa mà anh gửi gắm.

Gánh Hát Lưu Diễn Muôn Phương là artbook song ngữ, phần nội dung sẽ được viết bằng tiếng Việt, sau đó là tiếng Anh. Ngay từ những trang đầu tiên tôi đã có thể cảm nhận rõ ràng tâm huyết của nhóm tác giả, họ chăm chút đường nét, màu sắc cho từng trang sách. Sách được in bằng giấy bóng, màu sắc tươi sáng, trẻ trung. Những loại hình diễn xướng dân tộc lần lượt được nhắc đến từ Bắc xuống Nam, theo từng vùng miền. Điều này phần nào giúp người đọc có cảm giác được đi “lưu diễn” khắp mọi miền tổ quốc cùng những nghệ sĩ vậy. Ở mỗi loại hình diễn xướng, ta sẽ được biết những thông tin cơ bản và đặc trưng nhất của loại hình đó, từ khu vực, nguồn gốc, đặc trưng khi biểu diễn, trang phục, cho đến những công nhận của người Việt Nam cũng như quốc tế… Những thông tin này vẫn chưa thật sự mang tính chuyên sâu, nếu cần nghiên cứu thật kỹ càng thì có lẽ là chưa đủ, nhưng để tạo được một sự hứng thú, và động lực tìm hiểu một cách có hệ thống đối với độc giả, thì cuốn artbook này đã làm tròn vai trò của mình.

Thời thơ ấu của tôi gắn với lời ru, điệu Ví, Giặm của mẹ, tuổi thơ tôi lớn lên cùng những khúc Bài Chòi lâu lâu lại được tổ chức ngoài bãi biển, tôi trưởng thành cùng những câu đối đáp thông minh từ hài kịch nói. Cầm trên tay cuốn sách này, tôi lại như quay về khoảng trời ngày xưa ấy, thì ra là Ví, Giặm chứ không phải là “Ví Dặm”:

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là hai lối hát dân ca không có nhạc đệm đặc trưng trong đời sống văn hóa của người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thuộc Bắc Trung Bộ Việt Nam, được hát trong hầu hết mọi hoạt động đời thường, từ ru con, dệt vải, trồng lúa đến giãi bày tình yêu đôi lứa…

Dân ca Ví, Giặm cũng là niềm cảm hứng cho các nhạc sĩ hiện đại như nhạc sĩ An Thuyên với bài “Ca dao em và tôi” mang nhiều âm hưởng của dân ca Ví, Giặm.

Và những khúc ca từ Bài Chòi không phải là tùy ý mà hát ra:

Ngoài thử vận may, mọi người đến chơi Bài Chòi còn để được nghe hô Bài Chòi (Hô Thai), thưởng thức giọng hô, hát, tài ứng đối và lối diễn trò của “Hiệu”. Nhạc cụ đệm trong Bài Chòi thường gồm: Đàn nhị, song loan, kèn bóp và trống chiến. “Hiệu” khi hô, hát phải theo nhịp trống, nhịp sanh, có tiếng đàn tiếng kèn đệm theo. Bài bản và làn điệu của ca kịch Bài Chòi gồm: Các điệu hát ru, điệu lý thương nhau, lý tang tình, khoan hỡi hò khoan (Quảng Nam – Đà Nẵng), nói lía, chèo thuyền (Quảng Trị), hò mái nhì (Thừa Thiên). Lời hát là những bài thơ bốn chữ theo điệu vè và nhiều nhất là thơ lục bát, có ba điệu chính là Xuân Nữ, Nam Xuân và Xàng Xê.

Lòng tôi lại mênh mang trở về miền ký ức, đồng thời cũng thấy khá “mừng” vì mình đã được chỉnh lý một vài hiểu nhầm nho nhỏ. Tôi tin rằng cũng sẽ có nhiều độc giả giống mình, biết về loại hình đó, nhưng chỉ biết nôm na, qua truyền miệng có khi còn nhiều sai sót mà bản thân chẳng hề hay biết, Gánh Hát Lưu Diễn Muôn Phương sẽ phần nào cho người đọc những thông tin chính xác. Ngôn từ của cuốn sách rất phổ thông, gần gũi, không mang nặng tính giáo điều hay quá hàn lâm, điều này giúp người đọc, đặc biệt là lớp trẻ dễ tiếp cận hơn rất nhiều.

Sẽ là một thiếu sót rất lớn khi tôi không nhắc đến phần nội dung chuyển ngữ sang tiếng Anh từ bạn Triều Giang. Đã có dịp được nghe chia sẻ của bạn trong quá trình chuyển ngữ cuốn sách này, và tôi thật sự phải dành một lời khen và sự thán phục cho bạn. Bởi không phải loại hình nghệ thuật nào, nhạc cụ nào cũng có cụm từ tiếng Anh tương ứng. Để tìm cụm từ thích hợp mà không làm sai lệch đi ý nghĩa cốt lõi là một điều không hề dễ dàng, tôi nghĩ Triều Giang đã làm tốt điều đó. Nhờ phần nội dung tiếng Anh này mà người đọc sẽ vô cùng tự tin khi mang nó giới thiệu với bạn bè quốc tế, vì với cuốn sách mang đậm bản sắc dân tộc này, cá nhân tôi cũng không muốn nó chỉ dừng lại ở lãnh thổ Việt Nam.

Mỗi trang sách, bên cạnh phần nội dung cô đọng, súc tích thì còn có hình ảnh minh họa cho từng loại hình nghệ thuật, phần tranh minh họa không quá sắc sảo, xuất thần, nhưng lại rực rỡ và có cảm giác gần gũi, bình dị vô cùng. Những nét đặc trưng của trang phục, hoa văn, mũ nón, thành phần biểu diễn cũng như những loại nhạc cụ càng trở nên dễ hình dung hơn qua từng nét vẽ được chăm chút kỹ lưỡng, nếu nói nội dung là phần cốt lõi thì những hình ảnh minh họa này chính là chiếc áo khoác ngoài được may đo kỹ lưỡng cho Gánh Hát Lưu Diễn Muôn Phương. Hơi thở thanh xuân của những bạn trẻ nhiệt thành này thấm đẫm từng trang sách, để mỗi khi lật giở, tôi lại càng thêm hứng thú và trân trọng tâm huyết của các bạn hơn.

Không chỉ dừng lại ở những loại hình nghệ thuật diễn xướng, phần sau của cuốn sách này còn nhắc đến một vài lễ hội dân gian đặc trưng và phổ biến của dân tộc Việt Nam như: Lễ cấp sắc, Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui, Hội Gióng, trò chơi kéo co… Thực sự thì tôi thấy phần này khá ngắn gọn, và chưa đủ gây hứng thú cho tôi, bởi tôi biết lễ hội dân gian của dân tộc ta còn rất nhiều, cũng đặc sắc không kém những loại hình nghệ thuật diễn xướng đã được nói đến ở phần trước. Phải chăng là tôi lại hơi “tham lam” khi mong chờ một cuốn artbook riêng dành cho phần này chăng? Sau những gì đã quá hài lòng với cuốn sách này, thì tôi có quyền trông chờ và kỳ vọng chứ nhỉ?

Theo thông tin nhóm tác giả cung cấp thì trong dịp giỗ tổ sân khấu năm nay, Gánh Hát Lưu Diễn Muôn Phương sẽ ra đời phiên bản board game, hy vọng sẽ tiếp cận đến nhiều bạn trẻ hơn nữa, bấy giờ, ta sẽ không còn là những độc giả, mà sẽ hóa thân thành những Gánh hát dân tộc, đi biểu diễn khắp mọi miền tổ quốc. Được đồng hành với board game này từ những ngày lên ý tưởng cho đến lúc hoàn thiện từng chút một về lối chơi, tôi rất mong sẽ được nhìn thấy trò chơi này trên tay những người dùng, và họ cũng sẽ vui vẻ, hứng thú như khi cầm trên tay cuốn sách này vậy!

Có nhiều người bi quan cho rằng, giới trẻ ngày nay sính ngoại, xa rời những giá trị văn hóa dân tộc, ngày càng đua đòi với quốc tế mà quên đi nguồn cội của mình… Tôi không nghĩ như thế, tôi biết có rất nhiều người trẻ vẫn ngày ngày tâm huyết, mong muốn gìn giữ và phát triển những giá trị tinh thần đã trở thành bản sắc ấy. Chỉ là, đôi khi họ có một chút mông lung trên hành trình của mình mà thôi. Gánh Hát Lưu Diễn Muôn Phương đã góp phần dù là rất nhỏ nhoi trong việc định hướng người trẻ muốn tìm hiểu về nghệ thuật dân tộc. Biết đâu, sau khi đọc và thấy hứng thú, giới trẻ sẽ tìm hiểu cặn kẽ hơn, từ đó góp phần lan tỏa những giá trị bất biến này của dân tộc Việt Nam. Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân, nhưng sự vỗ cánh của nó cũng phần nào lay động không gian xung quanh, cảm ơn những cánh én Thảo Hồ, Triều Giang, Tấn Nguyễn đã miệt mài không ngừng nghỉ cho hoài bão tươi đẹp này. Với những người như họ, văn hóa truyền thống của đất nước ta sẽ ngày càng được trân trọng và gìn giữ, tôi tin vậy!

Đánh giá cá nhân: 9/10

  • 2228
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1854
Rosemary
Rosemary2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)