logo-maybe-vn
Mở app

Nghịch Lý Của Sự Lựa Chọn: Có phải nhiều lựa chọn hơn thì tốt hơn?

Tiểu thuyết gia kiêm triết gia người Pháp, Albert Camus từng than thở: “Tôi nên tự sát hay uống một cốc cà phê?”. Với ông “mọi điều trong cuộc sống đều là những sự lựa chọn. Mỗi giây trong ngày chúng ta đều phải đưa ra lựa chọn và luôn có những phương án thay thế. Sự tồn tại, ít nhất là sự tồn tại của con người được quyết định bởi các lựa chọn mà họ đưa ra.” Vậy việc sống trong thời đại với vô số lựa chọn như ngày nay có phải là may mắn và phước lành? Có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ nghĩ câu trả lời là “Có”. Nhưng với Barry Schwartz, tác giả của Nghịch Lý Của Sự Lựa Chọn thì hoàn toàn ngược lại, nhiều lựa chọn hơn chưa hẳn đã tốt. Thực tế, theo tác giả, lựa chọn càng nhiều càng khiến con người ít hạnh phúc hơn. Tại sao lại thế?

Một trong số các lý giải được tác giả đưa ra liên quan đến lý thuyết triển vọng. Lý thuyết này chỉ ra rằng, thiệt hại bao giờ cũng mang lại cảm giác tồi tệ hơn so với thành quả mang lại. Theo tác giả Barry Schwartz, chúng ta đều có thứ mà hai nhà tâm lý học Kahneman và Tversky gọi là “ác cảm với sự mất mát”. Việc có nhiều sự lựa chọn sẽ đẩy chúng ta vào tình thế phải đối mặt với nhiều sự mất mát, được thể hiện dưới dạng “chi phí cơ hội” (tất cả những cái phải mất đi để có được một thứ gì đó). Đây là một trong các nguyên lý của Kinh tế học. Vì con người đối mặt với sự đánh đổi, nên việc ra quyết định đòi hỏi phải so sánh chi phí và lợi ích của các phương án hành động khác nhau. Để tôi thử ví dụ cho các bạn dễ hình dung. Bạn có trong tay 50 triệu, với số tiền này bạn có thể đi du lịch một trong số các nước hoặc khu vực sau:

A. Nhật Bản 

B. Đài Loan 

C. Hàn Quốc 

D. Trung Quốc 

E. Châu Âu

Nếu chọn A, bạn sẽ bỏ lỡ khá nhiều danh lam thắng cảnh ở các nước khác, có thể kể đến như Phượng Hoàng Cổ Trấn, nào chốn thần tiên ở Cửu Trại Câu, những thung lũng, ngọn đồi thơ mộng, vô số thành quách cổ kính ở trời Âu... Đó là những “chi phí cơ hội” mà bạn sẽ bỏ qua khi chọn A - Nhật Bản. Chỉ nghĩ đến thôi đã thấy thật đau lòng! Do có quá nhiều lựa chọn, đồng nghĩa với việc có rất nhiều “chi phí cơ hội” bạn để vuột mất, bạn sẽ đau lòng hơn gấp bội. Kết quả, vốn dĩ bạn phải hào hứng với chuyến đi Nhật Bản. Nhưng không, vì đã phải đánh đổi quá nhiều cho một chuyến đi như vậy nên bạn không còn hài lòng với quyết định của bản thân nhiều như trước.

Tác giả Barry Schwartz cũng cho rằng, khi đứng trước những lựa chọn, con người chúng ta sẽ được chia làm hai loại: người cầu toàn và người tri túc. Người cầu toàn là những người luôn đặt kỳ vọng cao, luôn mong muốn đạt được thứ tốt nhất, lựa chọn họ đưa ra phải là lựa chọn hoàn hảo. Người tri túc thì ngược lại, họ không cần đạt được thứ tốt nhất, họ chỉ cần thứ “đủ tốt”. Do đó, với người cầu toàn, việc có quá nhiều lựa chọn gần như là thảm họa. Chiếc áo này có phải là cái tuyệt nhất không? Ngoài kia hẳn còn những chiếc áo tuyệt hơn? Mình có nên mua nó hay không? Thật nhiều câu hỏi xuất hiện trong đầu của một người cầu toàn khiến họ đắn đo, do dự, và thật khó để đưa ra quyết định. Cuối cùng, khi buộc phải ra quyết định, họ sẽ dễ có xu hướng nuối tiếc hơn so với người tri túc.

“Thật khó vui sống khi ta luôn hối tiếc về mọi quyết định của mình bởi luôn nghĩ nó chưa chắc đã là quyết định tốt nhất. Dễ thấy rằng nếu thường xuyên hối hận, bạn sẽ kém hài lòng với những quyết định đủ tốt. Tệ hơn nữa là bạn thực sự có thể cảm thấy hối tiếc trước cả khi đưa ra quyết định. Bạn hay mường tượng ra việc mình sẽ cảm thấy thế nào nếu phát hiện ra vẫn còn những lựa chọn tốt hơn. Và chỉ cần có vậy, bạn sẽ bị sa vào vũng lầy bất an và trăn trở về mọi quyết định thậm chí còn đang manh nha.”

Tôi cũng thường gặp khó khăn trong việc ra quyết định. Trước đây tôi nghĩ nguyên nhân là vì bản thân thiếu quyết đoán. Song, sau khi đọc Nghịch Lý Của Sự Lựa Chọn, tôi phát hiện ra không hẳn tôi thiếu quyết đoán mà có thể là do tôi cầu toàn. Mặc dù điểm “cầu toàn” của tôi không quá cao (tác giả có cung cấp một thang đo mức độ cầu toàn trong cuốn sách), nhưng đủ cao để tôi không hoàn toàn là người tri túc. Vì là người cầu toàn, tôi hay do dự khi phải lựa chọn, liệu mình có bị “hố” với quyết định này không? Và điều đó khiến tôi khá khổ sở.

“Khi số lượng lựa chọn mà chúng ta phải đối mặt gia tăng, quyền tự do lựa chọn cuối cùng trở thành một áp chế độc tài về lựa chọn. Các lựa chọn hằng ngày cần quá nhiều thời gian và sự chú ý đến mức gây khó khăn cho cuộc sống của chúng ta.”

Vậy chúng ta phải làm gì với các lựa chọn đây? Bên cạnh việc lý giải về việc tại sao nhiều lựa chọn sẽ không tốt hơn, tác giả Barry Schwartz cũng cung cấp cho người đọc một số giải pháp để “sống sót” trong bối cảnh thừa thãi lựa chọn như ngày nay. Chẳng hạn như nên học cách hài lòng nhiều hơn và cầu toàn ít đi, không nên suy nghĩ quá nhiều về “chi phí cơ hội”, khiến các quyết định của bản thân không thể đảo ngược, hay thực hành về lòng biết ơn. Lấy ví dụ cụ thể về lòng biết ơn, tác giả đề xuất rằng chúng ta có thể xây dựng thói quen bằng cách để một tờ giấy ghi chú cạnh giường. Mỗi sáng khi thức dậy, hoặc mỗi tối trước khi đi ngủ, sử dụng giấy nhớ liệt kê ra năm điều đã xảy ra vào ngày hôm trước mà chúng ta cảm thấy biết ơn.

“Bạn có thể sẽ cảm thấy có chút ngớ ngẩn và thậm chí tự ti khi bắt đầu làm việc này. Nhưng nếu tiếp tục giữ thói quen này, bạn sẽ thấy rằng nó sẽ ngày càng dễ hơn nhiều, và bạn cũng sẽ tự nhiên hơn nhiều. Bạn cũng có thể thấy chính mình khám phá ra nhiều điều cần phải biết ơn. Ngay cả vào những ngày bình thường nhất. Cuối cùng, bạn có thể cảm thấy ngày càng hài lòng hơn với cuộc sống của mình và ít có động lực tìm những sản phẩm và hoạt động “mới và cải tiến hơn” nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.”

Chung quy, Nghịch Lý Của Sự Lựa Chọn là một cuốn sách tuyệt vời, rất đáng để chúng ta bỏ thời gian đọc và nghiền ngẫm. Cuốn sách sẽ đặc biệt hữu ích với những ai là người cầu toàn. Lý do như một số ý tôi đã đề cập ở trên, ngoài ra các bạn có thể tìm hiểu chi tiết hơn trong sách. Tuy nhiên, việc đọc hiểu cũng sẽ có một số trở ngại nhất định. Đầu tiên là nội dung mang đậm tính học thuật của tác phẩm. Các bạn sẽ phải vận dụng rất nhiều “não” để hiểu được những thông tin mà tác giả Barry Schwartz truyền tải. Thậm chí, có những điểm dù tôi đã vận hết công lực vẫn chưa hấp thu nổi (Có lẽ tôi cần tu luyện nhiều hơn chăng?). Tương tự với nhiều tác phẩm được dịch khác, nhiều đoạn trong Nghịch Lý Của Sự Lựa Chọn được chuyển ngữ khá trúc trắc, khó hiểu. 

Bỏ qua những cản trở này, tôi tin bản thân đã có một hành trình bổ ích và hay ho với cuốn sách. Chúc các bạn cũng sẽ có trải nghiệm tương tự nhé!

Đôi nét về tác giả

Barry Schwartz sinh ngày 15/81946, là nhà tâm lý học người Mỹ. Ông tốt nghiệp cử nhân tại Đại học New York năm 1968. Sau đó lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Pennsylvania năm 1971. Tất cả ngành học của ông đều liên quan đến tâm lý học.

Hiện tại ông là Giáo sư Lý thuyết Xã hội và Hành động Xã hội của Dorwin Cartwright tại Trường Cao đẳng Swarthmore. Chuyên nghiên cứu và giảng dạy tâm lý học và kinh tế học tại Swarthmore, với các khóa học điển hình như:

  • Nhập môn tâm lý học
  • Trí tuệ thực tiễn
  • Tư duy, phán đoán và ra quyết định
  • Tâm lý học, tính hợp lý kinh tế và ra quyết định
  • Hội thảo về tư duy, phán đoán và ra quyết định

Barry Schwartz hoạt động với vai trò là nhà tâm lý học với quan điểm chính là sự giao thoa của cả tâm lý học và kinh tế học. Ngoài công việc tư vấn và nghiên cứu, ông còn viết sách và thường xuyên đăng bài viết trên New York Times.

Lĩnh vực nghiên cứu của ông khá rộng, trải dài từ lĩnh vực kinh tế và đặc biệt là khía cạnh đạo đức, ra quyết định và các mối quan hệ giữa khoa học hành vi và xã hội.

Một quan điểm nổi bật của Barry trong các nghiên cứu, bài đăng và sách của mình là chỉ trích mô hình “con người kinh tế hợp lý” trong cả kinh tế học và tâm lý học. Đồng thời Barry Schwartz cũng chỉ trích nguồn gốc triết học của một số xã hội phương Tây.

Một số tác phẩm đã được phát hành:

  • Chủ Nghĩa Hành Vi, Khoa Học Và Bản Chất Con Người. Viết cùng Hugh Lacey
  • Vì Sao Chúng Ta Làm Việc
  • Nghịch Lý Của Sự Lựa Chọn: Tại Sao Nhiều Hơn Lại Ít Hơn
  • Tâm Lý Học Và Hành Vi. Viết cùng Edward Wasserman và Steven Robbins
  • Chi Phí Sinh Hoạt: Cách Tự Do Thị Trường Khơi Dậy Những Điều Tốt Đẹp Nhất Trong Cuộc Sống
  • Học Tập Và Trí Nhớ. Viết cùng Daniel Reisberg
  • Cuộc Chiến Vì Bản Chất Con Người: Khoa Học, Đạo Đức Và Cuộc sống Hiện Đại
  • Trí Tuệ Thực Tế. Viết cùng Kenneth Sharpe

Đánh giá cá nhân: 8.5/10

  • 2641
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
657

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)