logo-maybe-vn
Mở app

Kẻ Trộm Giấc Mơ - Cõi mộng mị tối tăm hỗn loạn

Yasutaka Tsutsui là một tiểu thuyết gia và diễn viên người Nhật. Ông đã giành được nhiều giải thưởng như giải Izumi Kyoka năm 1981, giải Kawabata Yasunari năm 1989 và giải Nihon SF Taisho năm 1992.

Kẻ Trộm Giấc Mơ (Paprika) là một tiểu thuyết giả tưởng của Yasutaka Tsutsui, xuất bản năm 1993. Tác phẩm này được chuyển thể thành bộ phim hoạt hình nổi tiếng cùng tên. Có lẽ ở đây có nhiều bạn đã biết đến bộ phim hoạt hình Paprika của vị đạo diễn tài hoa Satoshi Kon. Đây là một bộ phim xuất sắc và đầy ấn tượng, đến mức có nhiều người cho rằng Paprika là một trong những nguồn cảm hứng để đạo diễn Christopher Nolan tạo nên bộ phim Inception. Trong Paprika còn có đôi điều mình chưa hiểu, nên mình quyết định đọc tiểu thuyết gốc để nắm bắt toàn bộ câu chuyện.

Trọng tâm của tác phẩm là cuộc tranh đấu giữa hai phe phái trong Viện nghiên cứu Tâm thần học. Đại diện của một bên là Chiba Atsuko - Tiến sĩ tâm lý học hàng đầu Nhật Bản, ứng cử viên sáng giá cho giải Nobel Sinh lý và Y khoa. Đại diện cho bên còn lại chính là Inui Seijirou - Viện phó Viện nghiên cứu Tâm thần học. Inui đã lấy cắp thiết bị DC Mini, một thiết bị điều trị tâm lý cho phép nhiều người có thể xâm nhập giấc mơ của nhau cùng một lúc do phe của Chiba sáng chế ra. Nhận thấy hậu quả của DC Mini là không đo lường được, Chiba cùng đồng đội đã dấn thân vào một cuộc chiến vô cùng nguy hiểm để giành lại thiết bị ấy, dù là ở đời thực hay ở trong mơ.

Đầu tiên, mình thừa nhận rằng chủ đề của tác phẩm rất thú vị và mới lạ: con người dùng giấc mơ để tác động lên nhau. Dựa trên ý kiến của nhà tâm lý học Sigmund Freud rằng “nội dung hiển nhiên của một giấc mơ, hay hình ảnh và sự kiện thực trong giấc mơ, đóng vai trò ngụy trang cho nội dung tiềm ẩn hay đúng hơn là những mong muốn trong vô thức của chủ thể”, tác giả tạo ra nhân vật Paprika (thực chất chính là Chiba Atsuko) chữa trị bệnh tâm lý cho các bệnh nhân bằng cách xâm nhập vào giấc mơ của họ. Cô quan sát, phân tích, sắp xếp, di chuyển sự vật và sự việc trong giấc mơ của bệnh nhân để tìm ra nguyên nhân gây bệnh, sau đó là đưa ra lời khuyên để chữa bệnh. Cách tác giả mô tả các giấc mơ rất hợp lý: hỗn loạn, vô độ, kỳ quặc. Ngẫm lại, những giấc mơ của mình cũng diễn ra theo cách như thế.

“Δ◎▽!”, Noda hét lên những điều mà chính mình còn không hiểu rõ ý nghĩa. Giấc mơ chuyển cảnh. Đây là nơi làm ông bình tĩnh nhanh nhất: một góc trong cửa tiệm Okonomiyaki thời sinh viên ông vẫn thường lui tới.”

Tác phẩm nhắc cho mình nhớ lại cảm giác hoang mang lo sợ khi vẫy vùng trong giấc mơ. Có những ác mộng dường như lặp đi lặp lại và kéo dài vô tận mà mình ngỡ rằng không thể thoát khỏi, dù biết đó chỉ là thế giới trong mộng, một thế giới không có thực. Tác giả đã khéo léo cài cắm nỗi sợ ấy trong nửa cuối của tác phẩm, khi DC Mini phát huy tác dụng bí mật của nó: kéo con người sâu hơn vào cõi mộng mị, đến mức khó lòng phân biệt thực - hư.

Kẻ Trộm Giấc Mơ lột tả cho mình thấy một xã hội Nhật Bản đầy khó chịu, bức bối. Đó là xã hội coi thường phụ nữ, khi Chiba Atsuko tuy giỏi giang xinh đẹp nhưng lại bị cánh đàn ông khinh thường, hoặc họ chỉ để ý đến sắc đẹp của cô mà không để ý đến những thành tựu của cô. Đó còn là xã hội đổ dồn áp lực lên tất cả mọi người, gây nên những chứng bệnh tâm lý mà bất cứ ai thuộc bất cứ ngành nghề, cấp bậc nào cũng khó tránh khỏi. Xã hội ấy chứa đựng sự xung đột gay gắt về quan điểm giữa hai thế hệ: một bên là những con người trẻ, nhiệt huyết, dám làm, dám thử nghiệm; một bên là lớp người bảo thủ, không dám đổi mới, cứ khăng khăng cho rằng kinh nghiệm của họ là đúng đắn nhất. Xã hội ấy còn chứa chấp những kẻ vặn vẹo biến thái như Inui Seijirou, những kẻ thờ dị giáo và sẵn sàng chà đạp lên người khác nhằm đắm chìm trong khoảnh khắc cực lạc mà thứ dị giáo ấy mang lại.

Tuy nhiên, có một điểm trong cách xây dựng nhân vật chính Chiba Atsuko lại khiến mình khó chịu. Mình thấy lấn cấn với phương pháp chữa bệnh của cô. Cô có thể quan hệ tình dục với bệnh nhân trong mơ để mang lại hiệu quả chữa bệnh tốt hơn, cho dù người kia đã có vợ con. Ở đầu truyện, mình đã biết rằng Chiba yêu Tokita - đồng nghiệp của cô, nhưng khi chữa bệnh, cô sẵn sàng đáp ứng khát vọng tình dục của người bệnh, và việc ấy làm nảy sinh tình cảm giữa cô và các bệnh nhân. Có thể Chiba là kiểu người đa tình, nhưng quan điểm về tình dục của cô ấy để lại dư vị không mấy hài lòng cho mình.

Nhìn chung, Kẻ Trộm Giấc Mơ đã làm tốt vai trò của một cuốn tiểu thuyết giả tưởng khi dựa trên lý thuyết phân tâm học để phóng tác ra một câu chuyện kịch tính, nơi những góc khuất thầm kín và bản chất méo mó của con người bị vạch trần qua những giấc mơ. Tuy nhiên, mình đánh giá cao bản phim hoạt hình hơn: một bữa tiệc thị giác được trưng bày khéo léo mà vẫn giữ được cốt lõi của tiểu thuyết gốc.

Chấm điểm: 7/10

  • 2806
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
440

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)