logo-maybe-vn
Mở app

Hiểu về văn hoá nước Việt với "Hội Hè Lễ Tết Của Người Việt"

Giờ đây, còn mấy người dựng cây nêu khi Tết đến,

Còn mấy người đạp thanh vào tiết thanh minh khi tháng ba về,

Còn mấy người sẽ nhớ Năm tháng Năm âm lịch là Tết Đoan Ngọ,

Và chắc chẳng mấy ai biết, Tết Trung thu được mặc định dành riêng cho trẻ em, trước đây còn gọi là Tết dạm hỏi của người trưởng thành.

Thời gian trôi nhanh, xã hội đổi thay, Việt Nam cũng đang cố gắng chuyển mình khỏi nền kinh tế lúa nước tồn tại hàng mấy ngàn năm. Nhiều phong tục, lễ hội xưa vốn gắn chặt với nền văn minh xưa, bước vào buổi giao thời, dần dần chẳng còn được người ta lưu tâm như trước. Hội Hè Lễ Tết Của Người Việt của tác giả Nguyễn Văn Huyên chính là cuốn sách phù hợp cho những ai yêu thích, mong muốn tìm về văn hóa truyền thống nước nhà.

Dân gian có câu:

“Ai ơi mồng Chín tháng Tư Không đi hội Gióng cũng hư mất đời”

Nhưng thật sự, có mấy người ở miền Trung và miền Nam biết về lễ hội thuộc hàng lâu đời nhất và lớn nhất nước Việt Nam? Có chăng là người dân miền Bắc, nơi khởi phát của lễ hội, còn dành sự quan tâm cho nó mà thôi.

Giai đoạn khi Việt Nam gia nhập WTO, người ta nói nhiều về chuyện mở cửa, về hội nhập, khi đó chủ đề được bàn tán nhiều nhất là“hòa nhập nhưng không hòa tan”. Làm sao để không hòa tan trước sự du nhập của bao nhiêu nền văn hóa đặc sắc, quyến rũ từ mọi nơi trên thế giới? Cá nhân tôi nghĩ rằng câu trả lời nằm ở bản sắc dân tộc. Song, bản sắc ấy ở đâu? Ở lịch sử hàng ngàn năm dựng và giữ nước, và cũng chừng ấy năm cho văn hóa trở thành một lớp trầm tích thật dày. Chẳng phải vô cớ mà Bác Hồ đã nói: “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.

Ngày nay, giới trẻ Việt Nam ảnh hưởng khá mạnh bởi văn hóa Hàn Quốc. Nhiều bạn khác lại dành tình cảm đặc biệt cho Nhật Bản “xứ sở hoa anh đào”. Một số khác lại hướng về “giấc mơ Mỹ”. Người Trung Quốc, người Ấn Độ cũng rất tự hào về văn hóa của đất nước mình, còn chúng ta thì sao? Chúng ta không có gì đáng để tự hào ư? Tôi tin là có, và tôi muốn đi tìm, muốn hiểu hơn về đất nước mình, về dân tộc mình, và Hội Hè Lễ Tết Của Người Việt là một phần trong hành trình này.

Không thể phủ nhận, chừng ấy năm làm láng giềng với một trong những nền văn minh lớn nhất thế giới, khiến cho văn hóa của nước ta bị ảnh hưởng rất nhiều: Tết Nguyên Đán, Tết Nguyên Tiêu, tiết thanh minh, Tết Đoan Ngọ, lễ xá tội Vong Nhân… Tôi ấn tượng nhất là ngày Thất Tịch. Hồi nhỏ tới ngày này, chị em chúng tôi vẫn bảo nhau, 12 giờ đêm lấy một chậu nước trong để mặt trăng chiếu xuống thì sẽ thấy cảnh Ngưu Lang – Chức Nữ gặp nhau trên cầu Ô Thước. Nhưng thú thật, chẳng bao giờ tôi thức nổi tới khung giờ ấy cả! 

Chỉ cần ngồi xuống và liệt kê ra, chúng ta sẽ thấy không ít nét tương đồng giữa hai nền văn hóa Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, ở Hội Hè Lễ Tết Của Người Việt còn chỉ ra thêm một điều khác nữa. Đó là khả năng Việt hóa cực kì mạnh mẽ của nền văn hóa bản địa. Ừ thì, Trung Quốc nói trên mặt trăng có Hằng Nga tiên tử, có thỏ ngọc, người Việt sẽ nói thêm trên ấy còn có cả cây đa, chú Cuội. Tết Trung thu với người Việt không chỉ là dịp gia đình sum vầy, chơi đèn, thưởng trăng, mà đó còn là dịp cho trai gái quen nhau, hát đối đáp, hẹn hò và là khởi đầu cho những duyên phận mới. Thành ra, người Việt còn gọi tết Trung thu là Tết dạm hỏi. 

Đạo giáo khởi nguyên từ Trung Quốc, Lão Tử thường được xem như là Đạo Tổ. Nhưng Đạo Tổ của Việt Nam lại là Chử Đồng Tử. Việt Nam có tín ngưỡng “tứ bất tử”, và cũng có nhiều vị thần tiên khác: Tú Uyên – Giáng Kiều, Từ Thức, Hồng Lĩnh Tiên Ông, Bồi Liễn Tiên Tử, Thưởng Hội Song Tiên… Hay như câu chuyện về Thạch Quang Phật nói về sự du nhập của Đạo Phật vào Việt Nam cũng thể hiện một sự “nhập gia tùy tục” đáng kể. Theo lời của tác giả Nguyễn Văn Huyên,“Nhân dân ta không phải lúc nào cũng nô lệ sao chép Trung Quốc; nhân dân ta đã tạo cho mình một cuộc sống riêng mà, qua quá trình lịch sử nhiều thế kỷ, họ đã trẻ hóa bằng những đóng góp mới ít nhiều theo những tư tưởng Việt Nam”.

Nguồn: tin.moi
Nguồn: tin.moi

Mặt khác, thông qua cuốn sách, ta còn thấy những điểm khá lạc hậu và hạn chế trong tư tưởng của người xưa. Chẳng hạn, vào dịp Tết Đoan Ngọ, đàn bà hay có tục thắt chặt bụng bằng dây vôi. Sau một thời gian họ cởi dây ra buộc vào cột nhà và nói: “Bệnh làm thân tôi đau quặn hãy nhập vào cột này”. Hành động này nhằm hy vọng tránh hết mọi cơn đau lưng và đau bụng, mà theo lời tác giả, hầu hết phụ nữ nông thôn đều dễ mắc phải vì họ không có điều kiện nằm nghỉ nhiều sau sinh. Hoặc, trước giờ tôi vẫn chỉ nghe “Long sinh cửu tử”, song đọc Hội Hè Lễ Tết Của Người Việt, tôi lại biết thêm chuyện “Long sinh thập tử”. Điều thú vị là chỉ có đứa con đầu tiên là hoàn toàn giống rồng, tức kế thừa mọi đặc điểm của cha và mẹ: “Người ta còn nói rằng, con vật sống dưới nước này đẻ trứng. Mỗi lần nó đẻ mười trứng, trong đó chỉ có quả trứng đầu nở thành rồng. Chín con sau là những vật hoang đường, và mỗi con có một thiên hướng.” Từ đó, chuyện này khiến tôi liên tưởng đến truyền thống để lại mọi tài sản cho người con trưởng, về vai trò của trưởng tử, về cháu đích tôn, và tự hỏi, không biết có liên quan gì chăng?

Một ví dụ khác liên quan đến tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, là ở hội Gióng. Bên ta là những trai tráng khỏe mạnh, là biểu tượng của ánh sáng, chính khí và tất thắng. Trong khi bên đối phương là giặc phương Bắc - những kẻ xấu, đầy tà khí, tượng trưng bởi cái âm và yếu tố ác. Những cô gái từ 10 - 13 tuổi được chọn làm đại diện. Lúc đọc đây, tôi trộm nghĩ, thanh niên trai tráng lại đấu với những cô bé thì dẫu chiến thắng lại có gì vinh quang? Thực tế, Cao Bá Quát đã có câu thơ khái quát rất hào hùng về cái anh dũng thiện chiến của Thánh Gióng: “Trừ giặc, ba tuổi vẫn còn hiềm là muộn”, thì cớ sao ở đây lại như vậy? Nhân tiện, trong quá trình tìm hiểu thêm về lễ hội này, tôi tình cờ phát hiện một quan điểm khác khá mới mẻ: Phải chăng việc chọn những cô gái như hoa như ngọc đóng vai kẻ địch là nhằm mục đích nhắc nhở rằng phải cảnh giác thận trọng khi nhận diện bộ mặt thật của kẻ thù?

Tất nhiên, đây cũng chỉ là một khía cạnh của hội Gióng. Nhìn ở một bức tranh rộng lớn hơn, ta sẽ thấy mục đích của lễ hội vẫn nhằm hướng đến sự hòa bình và an lạc, nguyện cầu cho quốc thái dân an, người người sống trong yên vui và hòa hợp. Bởi thế, “sau ngày chiến trận, người ta mở tiệc khoản đãi tất cả mọi người, cả bên thắng trận và bên thua trận.” Lễ hội cũng là một sự kiện ẩn chứa rất nhiều biểu tượng, mà bốn biểu tượng nổi bật trong đó đã được tác giả phân tích trong cuốn sách là Trung, Hiếu, Thuận, Nghịch. 

“Lập tức đáp lại lời kêu gọi của Vua, đó là Trung. Cúi mình trước đền thờ Mẹ trước khi ra trận và đốt pháo mừng lúc khải hoàn, Thánh Gióng là người con chí Hiếu. Vạch đúng chữ lệnh bằng những động tác hoàn toàn ăn khớp đó là Thuận, bởi thế mà Thánh đã giành được hòa bình trọn vẹn. Nhưng khi đã hành động theo tư tưởng Nghịch, trái với trật tự tự nhiên hay sự vật đã được an bài, thì hòa bình là mong manh và niềm an lạc sẽ chỉ là nhất thời.”

Viết đến đây tôi chợt nhận ra bản thân đang đi qua những ngày cuối cùng của năm Tân Sửu. Một cái Tết Nguyên Đán nữa sắp đến. Nhưng sẽ chẳng có “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”, cũng không còn “cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Hoặc ít nhất là ở đây, Sài Gòn, nơi tôi đang sống, sẽ chẳng còn những thứ đó nữa. Đương nhiên, bạn cũng có thể tranh luận rằng: người ta vẫn bán bánh chưng đầy ra đó, và đêm giao thừa, pháo hoa vẫn nổ rung trời. Nhưng với tôi, đó đã là một cái Tết rất khác. 

Có một đoạn trong Hội Hè Lễ Tết Của Người Việt, tác giả thuật lại lời tâm sự của một bạn trẻ từ phương Tây về: “Tôi luôn luôn nhớ lại cái đêm năm mới này lúc tôi thật sự tìm lại được đất nước chúng ta sau một thời gian dài sống ở Pháp, nơi mà tôi đã qua mười hay mười hai cái Tết của mình, hoặc trong các vũ hội sinh viên dần dà đã trở nên nhàm chán, hoặc một cách đơn giản nhưng trong lòng cũng không kém trống trải và da diết nhớ quê hương, trước một cốc rượu mạnh Mỹ hay một đĩa trứng tráng giăm bông trong một quán rượu Paris cùng vài người bạn cũ. Thật ra, tôi cũng chưa tìm thấy lại được đất nước, xứ sở của chúng ta lúc đặt chân lên đất Sài Gòn hay cập bến Hải Phòng. Chỉ có đêm Tết này, giản dị là thế, yên bình là thế và vĩ đại là thế mới gây cho tôi ấn tượng sâu sắc, và lập tức đặt tôi trở lại trong cái vòng truyền thống cổ của dân tộc.” Những lời lẽ thật xúc động, nhưng cũng thật buồn. Tôi thấy mình chẳng khác gì người bạn trẻ từ hồi mấy chục năm về trước ấy, cũng đang trải qua những cái Tết nhàm chán và dần hiện đại hoá. Nhưng không phải ở nơi nào khác mà ngay trên chính quê hương, đất nước mình, và tôi muốn tìm nhưng có lẽ chẳng thể tìm lại được cái Tết truyền thống năm xưa. Có lẽ đang dần một đi không trở lại khi thời gian trôi nhanh, cuộc sống biến chuyển, và ... lòng người đổi thay.

Tôi nghĩ đã đến lúc nên dừng bút. Về phần mình, tôi vừa chia sẻ khá nhiều về nội dung cuốn sách, về suy tư của bản thân với năm tháng đã qua và những điều sắp đến. Chuyện còn lại: có nên đọc Hội Hè Lễ Tết Của Người Việt hay không, phụ thuộc vào quyết định của bạn. Chắc rằng đây sẽ là một hành trình khá khó khăn bởi cuốn sách tập hợp những tiểu luận nghiên cứu của tác giả Nguyễn Văn Huyên về lễ-tết-hội, về tín ngưỡng, tâm thức tôn giáo của người Việt trong xã hội truyền thống. Đặc biệt là phần tác giả miêu tả về hội Gióng, bản đồ Thành Hoàng và tục thờ cúng thần tiên cũng như các ngôi đình, chùa. Đó là những đoạn miêu tả khô khan và đòi hỏi trí tưởng tượng phong phú, mạnh mẽ. 

Tôi nghĩ tốt hơn nếu kết hợp việc đọc sách với những trải nghiệm thực tế: chẳng hạn, một năm nào đó ta hãy dự hội Gióng để biết nó thực sự diễn ra như thế nào, để biết rằng, như lời của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tiến ở cuối sách, “Việt Nam là một nền văn minh với những giá trị riêng, chứ không phải sao phỏng hay cần/được khai hóa từ bất kỳ một nền văn minh nào khác.” Có chăng chúng ta nên “mạnh dạn” khai thác, tái hiện trong các loại hình nghệ thuật, để không còn phải “vay mượn” văn hóa nước ngoài và bị ảnh hưởng bởi “quyền lực mềm” các nước khác. Tôi tin rằng, một ngày không xa, những chất liệu văn hóa Việt sẽ tỏa sáng và được biết đến rộng rãi hơn, trước tiên cho chính người Việt, và sau đó là bạn bè quốc tế.

Đánh giá cá nhân: 7/10

Đôi nét về tác giả

Nguyễn Văn Huyên (1905 - 1975) sinh tại phố Thuốc Bắc, Hà Nội.

Năm 1926, ông sang Pháp học tập, đạt được các bằng cử nhân về văn chương và luật.

Năm 1934, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Văn khoa tại Đại học Sorbonne. Luận án chính Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam và luận án phụ, Nhập môn nghiên cứu nhà sàn Đông Nam Á của ông được đánh giá xuất sắc và được in thành sách, xuất bản ở Pháp.

Năm 1935 ông trở về nước, khước từ làm quan, dạy học tại Trường Bưởi (trường Bảo hộ), Ban Tú tài bản xứ.

Tháng 11 năm 1946, ông được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) của Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thay cho Ca Văn Thỉnh và giữ chức vụ này trong 29 năm cho đến khi mất vào tháng 10 năm 1975.

Ông được giới chuyên môn ở Việt Nam đánh giá là người đã cùng học giả Đào Duy Anh đặt nền móng cho nghiên cứu văn hoá, văn minh Việt Nam. Các nghiên cứu của ông góp phần khẳng định người Việt Nam có tín ngưỡng của riêng mình thể hiện qua việc thờ thành hoàng như Phù Đổng, Tản Viên, Chử Đồng Tử. Thông qua các nghiên cứu với phương pháp và cách tiếp cận khoa học của Nguyễn Văn Huyên về văn học dân gian, lễ hội truyền thống, kiến trúc, địa lý học lịch sử, cấu trúc giai tầng trong xã hội, người ta có thể nhận thấy tinh thần, tâm lý dân tộc Việt Nam. Nhà sử học Trần Quốc Vượng đã viết: "Ông, là một nhà khoa học nhân văn lớn và hiện đại đầu tiên ở nửa đầu thế kỷ XX này"..."Giới nghiên cứu trẻ/già hôm nay còn được học và phải học ở ông nhiều về phương pháp luận và các phương pháp tiếp cận những sự kiện nhân văn, vừa cụ thể vừa tổng thể."

  • 2063
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1698

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)