logo-maybe-vn
Mở app

Đi tìm hạnh phúc cùng 'Con Đường Mây Trắng'

Chắc hẳn nhiều người sẽ e ngại đọc Con Đường Mây Trắng vì mang đậm màu sắc tôn giáo. Tuy nhiên, nếu là người yêu thích, có kiến thức về học thuyết Phật giáo, tôi hoan nghênh bạn nên thưởng thức tác phẩm, một mặt, nội dung không quá khô khan, khó hiểu và khá dễ tiếp nhận. Mặt khác, trong quá trình trải nghiệm Con Đường Mây Trắng, tiếp xúc với thế giới quan từ tác giả Anagarika Govinda, biết đâu, bạn sẽ giống tôi, học được cách tìm được sự bình an, hạnh phúc đích thực và tự do tự tại giữa đời thường.

Con Đường Mây Trắng là ký sự hành hương trong khoảng thời gian thập niên 30 đến 50 thế kỷ XX tại Tây Tạng của tác giả Anagarika Govinda. Bản tôi đọc do Nguyễn Tường Bách dịch từ bản tiếng Đức. Đồng thời, ở Việt Nam còn phát hành Đường Mây Qua Xứ Tuyết, đây cũng chính là Con Đường Mây Trắng, chỉ khác là do Nguyên Phong dịch từ bản tiếng Anh. Điểm đặc biệt này xuất phát từ tác giả Govinda viết tác phẩm bằng cả tiếng Anh và tiếng Đức, không phải viết một bản gốc rồi dịch thành nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Cuốn sách gồm 5 phần với cấu trúc hợp lý, bao trùm là bầu không khí nhẹ nhàng, nên thơ, tĩnh tại được thể hiện qua phong cảnh hùng vĩ mà hiểm trở, con người và văn hoá, truyền thống đặc trưng Tây Tạng. Nhưng điều này không khiến người đọc cảm thấy nhàm chán bởi tác giả đã lồng ghép những biến động chính trị, tôn giáo của xã hội Tây Tạng lúc bấy giờ. Nếu đã nghiên cứu về Phật giáo ở Tây Tạng, bạn sẽ không lạ gì với hiện tượng “tái sinh” của các vị Lạt Ma, các cuộc vấn linh và các hiện tượng tâm linh kỳ bí. Ở Con Đường Mây Trắng, tác giả cũng tái hiện cho độc giả các câu chuyện đó với vai trò là người trực tiếp tương tác, chứ không phải được nghe kể từ người khác hoặc truyền tụng lại bằng kinh sách. Vì thế, tôi có cảm giác sinh động, mới mẻ hơn khi đọc tác phẩm. Đặc biệt, tôi cũng khá lý thú khi tác giả kể về tiền kiếp của mình, nhưng tiếc là thời lượng hơi ngắn.

Mỗi người có “lăng kính” soi chiếu và có góc nhìn khác nhau. Do vậy, đối với tôi, Con Đường Mây Trắng là cuốn du ký tâm linh vừa nhuốm màu sắc huyền bí vừa mang đến những bài học quý giá thông qua hành trình khám phá Tây Tạng của Govinda. Hành trình của tác giả cũng tương tự hành trình của chúng ta trong cuộc đời. Phật giáo không những là tôn giáo mà còn là hệ thống tư tưởng triết học. Nhờ ba khái niệm trong Phật giáo được tác giả Govinda đề cập trong Con Đường Mây Trắng là “vô thường, khổ, vô ngã”, tôi phần nào tự giải đáp cho mình câu hỏi: “Hạnh phúc của bản thân là gì?” và “Làm sao để có được hạnh phúc?” và rèn luyện tinh thần “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.

“Người ta không có tự do để khước từ bất hạnh hay chạy trốn khỏi bi kịch, nhưng có tự do chọn lựa thái độ của mình trước những gì xảy ra.” Viktor E.Frankl, nhà tâm lý học người Áo, đúc kết từ trải nghiệm của ông qua những năm tháng khủng khiếp trong trại tập trung của phát xít Đức. Ở thời điểm giãn cách vì dịch bệnh, dạo vòng quanh mạng xã hội, tôi cảm nhận được không ít sự bất an và có khi trầm cảm của mọi người. Mang trong người chứng rối loạn lo âu gần 10 năm, tôi cũng không nằm ngoài cuộc, bởi sự xáo trộn cuộc sống và bộn bề suy nghĩ nhiều hơn trước. Tôi cho rằng cách tốt nhất để vượt qua những sợ hãi, lo lắng thái quá là đối diện trực tiếp, không nên tránh né hay làm những việc nhằm quên đi, chối bỏ chúng. Hạnh phúc theo “định nghĩa” của tôi là chủ động lựa chọn cho mình thái độ sống tích cực, thay vì để mặc cho sự tiêu cực vây quanh và xâm chiếm.

Tôi thấm thía câu nói: “Buông bỏ là một loại trí tuệ, người muốn hạnh phúc phải biết buông bỏ”, sau khi đọc một đoạn trong tác phẩm:

“Một huyền thoại nhân gian kể lại rằng, có một vị ẩn tu nọ thiền định trọn đời trong hang động và sắp sửa chứng được giải thoát hoàn toàn thì bị một nhóm kẻ cướp vào, chúng vào trong hang với một con bò ăn trộm được. Chúng không để ý đến vị tu sĩ, rút dao chặt đầu con bò. Sau đó chúng thấy vị tu sĩ và sợ rằng ông làm nhân chứng cho hành động của mình, chúng chặt đầu ông luôn. Thế nhưng chúng không ngờ vị này có thần thông sau một thời gian dài tu khổ hạnh. Đầu vừa rơi xuống đất ông liền đứng dậy ôm đầu bò đặt lên cổ mình và biến thành dạng đáng sợ của tử thần Yama. Vì bị ngăn cản không được đắc đạo vị tu sĩ nổi trận lôi đình, chặt đầu bọn cướp và treo đầu chúng như một vòng hoa quanh cổ, trở thành quỷ dữ đi khắp thế gian cho tới ngày bị Văn Thù dưới dạng Yamantaka khuất phục.”

Câu chuyện nhỏ này cũng giống như tình trạng mất việc, cắt giảm lương, khó khăn chồng chất, nhiều dự định không thể thực hiện hay thậm chí phá sản, mất người thân… vì dịch bệnh hoành hành. Có lẽ đa phần chúng ta cũng vị ẩn tu kia, không giữ nổi sự bình tĩnh khi chứng kiến những người thân yêu ra đi, tiền tài, vật chất, công sức mình dày công chuẩn bị bao năm... đã tan tành mây khói. Cũng từ đó “tham, sân, si” cũng từ đây mà xuất hiện. “Tham, sân, si” là ba thứ kịch độc luôn tìm ẩn trong tâm. Nếu không nhận diện được bản chất của nó và cách kiểm soát, ta sẽ rất dễ trở thành nạn nhân của nó. Vì một khi ba thứ này nó khởi lên thì nó sẽ thiêu cháy nhân cách đạo đức, sự sáng suốt, mạng sống của bản thân và những người khác.

Tôi rất thích câu nói của Oprah Winfrey: “Hãy biết ơn những gì bạn có, bạn sẽ có nhiều hơn. Nếu bạn tập trung vào những gì bạn không có, bạn sẽ không bao giờ có đủ”. Để hạnh phúc, chúng ta cần học cách buông bỏ “tham, sân, si” và thay thế bằng học cách biết ơn. Tôi biết ơn những nghịch cảnh đã đến với mình, nhờ có chúng mà tôi mạnh mẽ, sáng suốt và biết giữ cân bằng cuộc sống hơn. Tôi đã quay về bên trong, lắng nghe bản thân thật sự muốn gì, trân trọng những điều đang hiện hữu, không còn bị phụ thuộc vào yếu tố hào nhoáng bên ngoài tưởng chừng mang đến niềm vui, hạnh phúc cho mình.

Tôi tin rằng chỉ cần thực tập lòng biết ơn, duy trì trạng thái tích cực, lan toả những điều tốt đẹp đến mọi người thì sẽ luôn có “ánh sáng cuối đường hầm”. Như chính tác giả Govinda đã chứng thực trong hành trình hành hương đầy gian nan, trắc trở của mình:

“Tôi theo đường hầm, tim đập thình thịch. Càng leo lên cao, tôi càng háo hức chờ đợi đồng thời cũng càng lo ngại nếu phải lọt vào một đường cùng hay giờ cuối bị một trở ngại thì tất cả đều là công toi.

Vì thế nên tôi càng mừng lúc hết đường hầm ra lại ánh sáng mặt trời và thấy mình thật đang đứng trên đỉnh Tsaparang, chỗ mà suốt một thời gian chúng tôi nghĩ là không lên được.”

Điểm trừ khá đáng tiếc ở Con Đường Mây Trắng chính là phần lớn câu văn đều dài dòng, không súc tích. Điều này ảnh hưởng đến việc trải nghiệm tác phẩm, khiến tôi thường xuất hiện cảm giác nản chí và mệt mỏi. Tôi phải mất một khoảng thời gian để tiếp thu và liên kết các thông tin mà tác giả muốn truyền đạt cho người đọc qua hơn 500 trang giấy.

Tác giả Lama Anagarika Govinda tên thật là Ernst Lothar Hoffman, sinh năm 1898, là nhà nghiên cứu triết học, tu sĩ Phật giáo, họa sĩ và giáo sư Phật học người Đức. Vào năm 1928-1930, ông đến Sri Lanka xuất gia với Đại đức Nyanatiloka Mahathera. Ông là học giả uyên thâm về Pāli, với 12 đầu sách viết về Phật giáo Nam Tông. Ông còn là thành viên trong Ban Quản trị Hội Phật giáo Thế giới.

Ông có những cuốn du ký và sách biên khảo đặc sắc về văn hóa, con người và tâm linh Tây Tạng. Ngoài Con Đường Mây Trắng, Anagarika Govinda còn có một số tác phẩm nổi bật như The Psychological Attitude of Early Buddhist Philosophy (tạm dịch: Thái Độ Tâm Lý Trong Triết Học Phật giáo Nguyên Thủy), Die innere Struktur des I Ging (tạm dịch: Cấu Trúc Nội Tại Của Kinh Dịch)... Ông qua đời năm 1985 tại Mỹ.

Dịch giả Nguyễn Tường Bách sinh năm 1948. Từ năm 1967, ông sống và làm việc tại Cộng Hoà Liên Bang Đức. Con Đường Mây Trắng được Nguyễn Tường Bách dịch từ bản tiếng Đức Der Weg der weissen Wolken xuất bản năm 1969, được tác giả viết sau bản tiếng Anh The Way of The White Clouds xuất bản năm 1966, vì thế có sự quy mô, đầy đủ và chính xác hơn.

Đánh giá cá nhân: 7.5/10

Phượng Châu 

  • 2228
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1770

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)