logo-maybe-vn
Mở app

Utopia: Cõi địa đàng 'không ở nơi đâu' của Thomas More

Utopia là kiệt tác của vị thánh tử vì đạo Thomas More (1478-1535) được ấn hành lần đầu tiên bằng tiếng La tinh năm 1516, và tồn tại đến giờ mà vẫn chưa bị lỗi thời. Bằng sức ảnh hưởng mạnh mẽ lúc bấy giờ Utopia đã mở lối cho một dòng sách mới với giả thuyết về một xứ sở được coi là “địa đàng trần gian”.

Thomas More chấp bút viết Utopia vào thời kì mà những cuộc viễn hành về phía Tây của Amerigo Vespucci bắt đầu khuấy đảo trí tưởng tượng của con người và mở ra những quan niệm mới trong góc nhìn về thế giới. Theo mình khi bắt đầu đọc sẽ hơi chán do cách nói chuyện dài dòng đặc trưng của những nhà trí thức thế kỉ XVI, nhưng sau khi đã quen với lối viết đó thì đọc rất cuốn.

Cách nói mỉa mai của tác giả thực sự gây ấn tượng, toàn là những viên đạn bọc đường, nghe sơ qua thì có vẻ tốt đẹp nhưng đọc kĩ lại sẽ thấy không có lời nào khen thật lòng. Những bạn có hứng thú với chủ đề chính trị - xã hội thì đây là một cuốn mình thấy nên đọc, không quá khô khan khó hiểu nhưng vẫn giúp chúng ta hiểu sâu về một số kiến thức lịch sử xã hội thường gặp. 

Utopia được chia thành hai phần, trong đó phần đầu luận bàn về tình hình nước Anh đương thời còn phần hai đi sâu vào mô tả đảo quốc Utopia. Cá nhân mình thích đọc phần đầu hơn vì nó cho mình góc nhìn khá toàn diện về bối cảnh chính trị - xã hội lúc bấy giờ. Sự thông thái của Raphael tiên sinh khi bàn về các vấn nạn xã hội làm mình bị ấn tượng, có thể thấy lối tư duy mở của Thomas More khi đánh giá thời cuộc. Quan điểm triết học được lồng ghép rất khéo vào trong lời nói, những câu ví von nghe như nói đùa thì lại là những lời mỉa mai rất thâm thúy. 

Ví dụ một câu mà mình rất thích là: “Nói cho cùng, bẩm tính muôn loài là chỉ biết mê đắm những tạo tác của chính mình. Cho nên lũ quạ con là niềm vui thú của cha mẹ chúng, và đười ươi mẹ bao giờ chẳng thấy con mình là tuyệt sắc giai hầu.” Nghe thì có vẻ bình thường vì đấy vốn là điều hiển nhiên, nhưng khi đặt vào bối cảnh là ngay sau câu mình nhắc đến dưới đây thì lại khác.

“Họ luôn lo lắng và sẵn sàng ve vãn lừa phỉnh để tìm cách mở rộng bờ cõi, chứ không lo thu xếp cai trị cho thật đàng hoàng những gì đã có trong tay. Ngoài ra, các vị trưởng quan trong nội các thì một là đã thừa thông minh để không cần phải hỏi ý kiến ai, hai là thừa ngạo mạn để lắng nghe lời khuyên của ai – mặc dù hiển nhiên là họ đều luôn sẵn sàng hưởng thụ mọi ân huệ của nhà vua bằng cách đồng tình với cả những ý kiến ngu xuẩn nhất của vua vậy.” 

Đây là một câu nhận xét của Raphael tiên sinh trong cuộc nói chuyện với More, Peter Gilles và một số thực khách, khi bàn về những chính sách hiện hữu với vô vàn bất cập nhưng chẳng một ai trong giới cầm quyền chịu thay đổi. Sự mỉa mai rất trực tiếp thông qua những đánh giá “thừa thông minh”, “thừa ngạo mạn” mà nói trắng ra là những kẻ chỉ biết xu nịnh và tự làm theo ý mình. 

Phần hai đã giúp mình lý giải tại sao “utopia” đã “trở thành một danh từ đứng tên cho cái mơ ước và cũng là niềm thất vọng triền miên của nhân loại trên con đường hoàn thiện mình”. 

Ở Utopia con người bình đẳng với nhau, họ tôn trọng nhau như một lẽ tự nhiên chứ không cần khuôn khổ hay gò ép. Mỗi người đều làm lượng công việc bằng nhau và gánh vác một vai trò nhất định trong xã hội tùy theo năng lực. Của cải được phân phát đồng đều, bởi vì không có kẻ lười biếng và những kẻ ăn chơi đàng điếm nên tình trạng của cải lúc nào cũng sung túc. Quân đội được xây dựng là để bảo vệ chứ không phải để đánh chiếm, giao thương được mở ra là để nâng cao cuộc sống đất nước chứ không phải để bị đồng hóa, vàng bạc được dự trữ là để xóa tan những mối nguy ngại khi cần chứ không phải để dùng cho thói xa hoa.

Thực sự thì mình thấy Utopia đúng là một điều không tưởng, bởi chỉ nền tảng xây dựng toàn diện từ công bằng, tôn trọng và không ích kỷ cũng đã là một điều quá xa vời. Mặc dù có đề cập chế độ nô lệ nhưng cũng khá hợp lý, vì giữa thời đại chuộng việc buôn bán nô lệ thì lối tư duy của Thomas More đã đi trước rất nhiều rồi. Không có gì ngạc nhiên khi người phương Tây gọi Utopia là “quyển sách nhỏ vĩ đại” trong suốt năm thế kỷ.

Xin phép mượn lời của dịch giả Trịnh Lữ: “Hãy bình tĩnh một chút, bạn đang cầm trên tay một cuốn sách độc nhất vô nhị trên thế giới này đấy. Và đọc nó rồi, thể nào bạn cũng phải bàn tán về nó, tranh cãi vì nó, cười bò ra vì nó, nổi giận với nó, cười nhạo nó, bâng khuâng buồn bã vì nó, và cảm thấy rằng - tôi hy vọng thế - cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc của chúng ta vẫn còn có hy vọng đến đích.”

Đánh giá cá nhân là 5/5 vì nội dung kinh điển không phải bàn cãi, bản dịch của Trịnh Lữ truyền đạt ý khá dễ hiểu. Bản mình đọc là tái bản 2020 của Nhã Nam, có khá nhiều lỗi thứ tự chú thích, nhưng cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến việc đọc và cảm nhận.

Hoàng Linh 

  • 2682
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
610

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)