logo-maybe-vn
Mở app

Làm Cha Mẹ Tỉnh Thức: Cẩm nang chữa lành cho 'đứa trẻ bên trong' bạn

Nếu tình cờ bắt gặp bìa sách Làm Cha Mẹ Tỉnh Thức của tác giả Shefali Tsabary, đa phần chúng ta sẽ nghĩ tác phẩm này đơn thuần dành riêng cho những người chuẩn bị hoặc đang trong vai trò làm cha mẹ. Nhưng thực sự, cuốn sách không phải chỉ tập trung vào phương pháp hướng dẫn nuôi dạy con cái mà còn “giải mã” và “đào sâu” tâm lý con người. Hơn thế nữa, Làm Cha Mẹ Tỉnh Thức là cẩm nang chữa lành tổn thương và đánh thức “đứa trẻ bên trong” ẩn sâu trong bản thân mỗi người. Vì thế, cuốn sách hoàn toàn phù hợp với số đông độc giả, giúp chúng ta từng bước chuyển hoá bản thân, sống tỉnh thức hơn giữa bộn bề cuộc đời.

“Đứa trẻ bên trong” (Inner Child) không hề xa lạ mà chính là “chân ngã” hay cái tôi đích thực. Dù có tìm cách lảng tránh hay làm mọi cách để quên đi, “đứa trẻ bên trong” luôn hiện diện bên trong bạn. Bởi trong từ khoảnh khắc bạn sinh ra, “đứa trẻ bên trong” đã song hành cùng bạn, giúp bạn hiểu rõ bản thân mình là ai, mình có nhiệm vụ, sứ mệnh như thế nào trong hành trình kiếp sống này.

Trẻ em sống với thế giới “đang là”, chứ không sống với thế giới “chưa được như là". Khi đến với ta, bản thể của trẻ lấp lánh tiềm năng. Mỗi đứa trẻ đều có số mệnh của riêng mình - nếu thích, mọi người có thể gọi số mệnh ấy là “nghiệp”. Bởi vì trẻ em đều mang trong mình một định mệnh, thông thường trẻ biết rõ ràng mình là ai và mình muốn gì trong thế giới. Chúng ta được chọn để trở thành cha mẹ và giúp con “hiện thức hoá” điều này.

Nhưng sinh sống và trưởng thành trong môi trường xã hội hiện đại với nhiều định kiến, thang đo, phán xét hay thậm chí xúc phạm về xuất thân, ngoại hình, trình độ học vấn, lương bổng, tài sản có lẽ “đứa trẻ bên trong” phải ẩn mình, co rúm lại vì sợ hãi, thậm chí tổn thương sâu sắc, khó phục hồi. Ắt hẳn ít nhiều, chúng ta đã từng bị áp đặt phải sống như số đông, bị so sánh với “con nhà người ta”, phải có bảng điểm đẹp, thành tích tốt, nghề nghiệp thu nhập cao... để làm gia đình hãnh diện, hài lòng người khác. Dần dần, ta mất kết nối với chính mình, quên đi cái tôi đích thực và trở thành “bản sao” của người khác, dù khi sinh ra, ta là một “bản thể” riêng biệt. 

Không phải tự nhiên, các vấn đề tâm lý như rối loạn lo âu, hội chứng kiệt sức, trầm cảm hoặc thậm chí tình trạng tự tử lại xuất hiện nhiều ở giới trẻ như vậy. Họ phải khoác lên mình nhiều mặt nạ, hoàn thành trọn vẹn nhiều vai diễn như “con ngoan trò giỏi”, “dâu hiền vợ thảo”, “giỏi việc nước, đảm việc nhà”... Dù rất muốn, nhưng họ không thể là chính mình, sống cuộc đời hạnh phúc như ước mơ thuở nhỏ. Tất cả chỉ vì “đứa trẻ bên trong” đã bị chối bỏ, đả kích thậm tệ, thay vì phải được tôn trọng, tạo điều kiện tốt nhất để phát triển. Sự ngột ngạt, tù túng mỗi ngày càng tích tụ, đến một lúc nào đó sẽ bùng phát và không ai biết hệ quả ra sao. 

Nguồn ảnh: netabooks
Nguồn ảnh: netabooks

Thực tế tồn tại khá nhiều cha mẹ độc hại, do chấn thương tâm lý từ thuở nhỏ hoặc bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi số đông xã hội. Ở Trung Quốc có một phương pháp gọi là “cha hùm mẹ hổ” khá khắc nghiệt, được nhiều phụ huynh áp dụng. Đó là ép buộc con cái phải nhất mực nghe lời hay tuân theo quy tắc, kỷ luật đã định. Không những thế, những đứa con còn phải học thêm không ngừng nghỉ, học bồi dưỡng các môn năng khiếu, tham gia các hoạt động ngoại khoá…. nhằm đạt thành tích tốt, cho cha mẹ “mở mày mở mặt”, không hiếm những đứa trẻ đã đột tử vì bị vắt kiệt sức. 

Những cha mẹ theo kiểu mẫu này còn xem con cái là người thực hiện ước mơ cho mẹ hay công cụ kiếm tiền. Trường hợp này khá giống với nữ diễn viên Trịnh Sảng. Ngay từ nhỏ, Trịnh Sảng đã được mẹ - bà Lưu Diễm, đào tạo để trở thành người nổi tiếng. Ẩn sâu bên trong, bà Lưu Diễm có mong muốn làm diễn viên nhưng không thành hiện thực. Vì thế, bà đưa ra lộ trình Trịnh Sảng trong 10 năm đầu đời phải học vũ đạo, học piano, sáo, thanh nhạc, biển diễn, bơi lội, tiếng Anh… Khi con đàn sai, bà gõ vào tay con; con buồn ngủ, bà lau nước lạnh vào mặt ngay lập tức; quát mắng gay gắt nếu con đàn mãi không xong. Sau này khi Trịnh Sảng đã trở thành diễn viên nổi tiếng, bà Lưu Diễm còn kiểm soát chặt chẽ sự nghiệp và chuyện tình cảm của con hơn nữa. Cuối cùng, vì sự kìm kẹp quá đà của mẹ, Trịnh Sảng đã sợ hãi và đưa ra quyết định vô trách nhiệm khi chối bỏ hai đứa con của mình, dẫn đến sự nghiệp bị tiêu tan.

Tuy nhiên, chiều theo ý muốn hoặc bao che, dung túng cho con, cũng không phải là sự giáo dục con cái đúng đắn. Bà Ngô Tú Cầm, mẹ của nam ca sĩ Ngô Diệc Phàm là ví dụ điển hình. Bà là người hậu thuẫn, luôn ủng hộ lựa chọn của con và giúp con trở thành tên tuổi hàng đầu của showbiz Trung Quốc. Nhưng cũng chính bà là đã chăm sóc thái quá, nuông chiều và khiến cho Ngô Diệc Phàm trở thành “mama boy” (con trai cưng của mẹ). Và kết cục, bà Ngô Tú Cầm đã phải trả giá bằng “scandal chấn động” của con trai, sau những năm tháng trượt dài vì ăn chơi sa đoạ, vi phạm pháp luật.

Chúng ta không thể quy hoàn toàn trách nhiệm cho cha mẹ, đòi hỏi cha mẹ phải lắng nghe và thấu hiểu chúng ta. Bởi chính cha mẹ cũng đang lạc lối, không có sự kết nối với nội tâm và không thể dạy con trong tỉnh thức. 

“Làm sao có thể lắng nghe con cái khi nhiều người lớn chúng ta hầu như chẳng bao giờ lắng nghe chính bản thân mình? Làm sao thấu hiểu được tâm hồn, cảm nhận được nhịp đập trái tim con khi chúng ta còn chẳng thể làm điều đó với cuộc sống chính mình?”

Vậy làm sao để giải quyết “mớ bòng bong” này, từ đó đánh thức, chữa lành cho “đứa trẻ bên trong”? Tiến sĩ Shefali Tsabary đã gợi ý khá nhiều phương pháp như trò chuyện với chính mình, viết nhật ký cá nhân, ngồi thiền, kết nối đúng đắn với con cái/cha mẹ… Nhưng tất cả điều đó chỉ là phương tiện để hướng đến cứu cánh (mục đích cuối cùng) của cuộc đời là sống tỉnh thức. Chỉ có tỉnh thức, chúng ta mới thấu hiểu, bao dung và dành tình yêu thương đúng đắn và trọn vẹn cho những mọi người xung quanh.

“Tỉnh thức, không phải là một trạng thái cần đạt được, hay là một đích đến, mà là một quá trình liên tục. Biết sống tỉnh thức không có nghĩa là ta sẽ hoàn toàn không gặp những khoảnh khắc vô thức. Nói đúng hơn, đó là một tiến trình liên tục. Không có ai hoàn toàn tỉnh thức. Có thể trong khía cạnh này của cuộc sống ta rất tỉnh thức. Có thể khía cạnh này của cuộc sống ta rất tỉnh thức, nhưng trong một khía cạnh khác lại không như vậy - có khi ta rất chú tâm để phản ứng trong khoảnh khắc này, nhưng lại mất tập trung ngay trong khoảnh khắc tiếp theo. Sống tỉnh thức, tức là chứng kiến những lần vô thức của mình, dần dần làm cho bản thân ngày càng tỉnh thức hơn. Vì vậy, không cần coi sự vô thức như con ngáo ộp. Đó không phải là điều đáng sợ, mà chính là cánh cửa giúp ta trở thành con người hoàn thiện.”

Làm Cha Mẹ Tỉnh Thức phát hành chính thức vào năm 2010 và được Thaihabooks mua bản quyền vào năm 2020. Đặc biệt, Đức Đạt Lai Lạt Ma còn chính tay viết lời giới thiệu đong đầy cảm xúc dành tặng cho tác phẩm. Tiến sĩ Shefali Tsabary đã hệ thống khoa học, logic cho 17 chương gồm hơn 300 trang cho cuốn sách, vì thế giúp người đọc dễ dàng tiếp nhận lượng kiến thức, thông tin được trình bày tương đối nhiều. Văn phong tác giả gần gũi, dung dị, như đang tâm sự, trò chuyện cùng độc giả, không chứa quá nhiều thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu, là điểm sáng của Làm Cha Mẹ Tỉnh Thức.

Tôi cũng dành lời khen cho khâu dịch sách và biên tập chỉn chu, kỹ lưỡng của Thaihabooks, câu từ gãy gọn, súc tích, phân chia các đoạn văn hợp lý. Tuy nhiên, do chuyên sâu về tâm lý học, cần thời gian để thẩm thấu, nên đối với một số độc giả chưa tiếp cận nhiều thể loại này, Làm Cha Mẹ Tỉnh Thức có thể gây nên sự nhàm chán. Vì thế, chỉ nên đọc sách khi bạn đã sẵn sàng bước vào hành trình chữa lành cho chính mình. 

Mỗi người với vai trò trải nghiệm và lăng kính khác nhau, chắc chắn sẽ đúc kết cho riêng mình những chiêm nghiệm sau khi đọc xong Làm Cha Mẹ Tỉnh Thức.

Là con cái, không nên than thân trách phận hay thù hằn cha mẹ khi họ thiếu tỉnh thức. Hãy chấp nhận và giúp họ chuyển hoá bản thân, trao quyền cho con cái. Chuyển hoá không đồng nghĩa với thay đổi, bởi không ai có thể và có khả năng thay đổi người khác, trừ khi chính người đó tự thay đổi.

“Chấp nhận không đơn thuần chỉ là một quyết định của lý trí mà phải có sự tham gia của cả con tim và tâm hồn. Đó là một thái độ tích cực, quyết liệt và sống động.”

Nếu bạn chuẩn bị làm cha mẹ, hãy sẵn sàng cho hành trình tuyệt vời sắp tới, bạn sẽ cùng trưởng thành với con cái. Và nếu như lộ trình bạn vạch ra không được thực hiện như mong muốn, cũng đừng thất vọng. Mỗi sự kiện, chặng đường đều mang đến cho chúng ta bài học quý giá và hữu ích.

“Khi biết cách chấp nhận hoàn toàn mọi trải nghiệm - bản chất của cuộc sống không phải lúc nào cũng theo đúng kế hoạch - ta biết cách khiêu vũ với cuộc sống”.

Nếu bạn đang là cha mẹ, hãy chấp nhận rằng con là một “bản thể” tách biệt với mình, không phải là phiên bản thu nhỏ của mình. Từ đó, các bậc cha mẹ có thể điều chỉnh và hoàn thiện phương pháp nuôi dưỡng, giáo dục con cái, tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của chúng.

“Để chấp nhận con người hiện tại của con, ta cần từ bỏ tất cả ý tưởng rằng chúng “phải” là người thế nào - một sự từ bỏ gần giống với việc ngừng hoàn toàn hoạt động của tâm trí - và giao cảm thuần khiết với con, để làm sao có thể phản hồi ngay khi con cần.”

Còn đối với tôi, sau khi đọc xong Làm Cha Mẹ Tỉnh Thức, tôi học được cách hoà hợp với cha mẹ, ngừng tự trách bản thân khi không thể đáp ứng kỳ vọng của họ và đặc biệt, yêu thương bản thân, kết nối với “đứa trẻ bên trong” thường xuyên hơn. Nhờ vậy, chứng rối loạn lo âu và các vấn đề sức khoẻ khác dần dần được chữa lành. Đây cũng là mục tiêu của tôi, sẽ trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Tiến sĩ Shefali Tsabary sinh năm 1972 tại Mumbai, Ấn Độ, tốt nghiệp tiến sĩ ngành Tâm lý học lâm sàng tại Đại học Columbia, New York, Mỹ). Bà cũng là khách mời thường xuyên trong một chuyên mục truyền hình về làm cha mẹ của Oprah Winfrey. Bà được tiếp cận với quan điểm phương Đông từ rất sớm và lồng ghép quan điểm đó vào tâm lý học phương Tây. Sự lồng ghép giao thoa giữa phương Đông và phương Tây giúp bà tiếp cận với độc giả toàn cầu. Khả năng thu hút độc giả thiên về ý thức giúp bà trở thành chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nuôi dạy con. Bà hiện đang sinh sống tại New York cùng chồng và con gái.

Đánh giá cá nhân: 8.5/10

Phượng Châu

  • 2806
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1277

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)