logo-maybe-vn
Mở app

Steal Like An Artist: Học cách "đánh cắp" ý tưởng với Austin Kleon

Nghệ Thuật Đánh Cắp Ý Tưởng là tựa đề tiếng Việt của cuốn sách Steal Like an Artist từ tác giả Austin Kleon, nghe thật lạ đúng không? Đánh cắp hay đạo nhái là những từ cực kì nhạy cảm trong giới làm sáng tạo, nghệ thuật. Một khi đã gắn mác này rồi, thì uy tín và danh dự chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Thế mà cuốn sách lại nói về chuyện “đánh cắp” ý tưởng như một nghệ sĩ. Thực lạ lùng thay!

“There is nothing new under the sun” (Bible 1:9) (tạm dịch: Chẳng còn gì mới mẻ dưới ánh mặt trời). Hàng thiên niên kỷ trôi qua, bao nhiêu lớp người đã dấn thân tìm tòi, bao nhiêu ý tưởng được khám phá, đến nỗi gần như là bất khả khi ta muốn tìm kiếm một điều gì đó hoàn toàn nguyên bản ở trên thế giới này. Sáng tạo thực chất là tạo ra những thứ mới trên nền những ý tưởng đang tồn tại. Nói như nhà văn Pháp André Gide, đó là “Everything that needs to be said has already been said. But, since no one was listening, everything must be said again” (tạm dịch: Những thứ cần nói đã được nói hết cả rồi, chẳng qua không ai lắng nghe nên chúng cần được nói lại). Hoặc theo thiên kiến của tôi, chúng cần được nói lại, nhưng theo cách khác: mới mẻ hơn, thú vị hơn, độc đáo hơn.

Wilson Mizner, kịch gia nổi tiếng của xứ sở cờ hoa, đưa ra quan điểm: “If you copy from one author, it's plagiarism, but if you copy from many, it's research” (tạm dịch: Nếu bạn sao chép từ một người, nó là đạo nhái, nhưng nếu bạn sao chép từ nhiều người, nó là nghiên cứu). Tôi từng đọc một bài viết về năm cấp độ sáng tạo, trong đó cấp độ thấp nhất là sao chép. Sao chép tác phẩm của người khác càng giống càng tốt là một cách thức học tập hiệu quả và đặc biệt được ứng dụng nhiều trong hội họa cũng như thiết kế. Tuy nhiên, sao chép chỉ là một cách học, hoàn toàn không phải là một phương pháp sáng tạo, chúng ta không tạo ra thứ mới từ việc sao chép một tác phẩm duy nhất, chúng ta chỉ tạo ra một thứ tương tự đang tồn tại. Đó có thể là một sản phẩm do ta tạo ra xét về khía cạnh vật lý, nhưng hoàn toàn không phải thứ ta sáng tạo ra từ kết tinh trí tuệ của mình.

Nguồn ảnh: Twelve Scholars
Nguồn ảnh: Twelve Scholars

“Good designers copy, great designers steal”. Tôi từng đọc câu này của danh hoạ Pablo Picasso nhưng không hiểu, chính xác là tôi không hiểu vế sau: Tại sao trộm cắp lại tạo nên những nhà thiết kế vĩ đại? Theo trải nghiệm công việc ngày càng tăng cùng với việc đọc cuốn sách này, tôi đã dần ngộ ra. Trộm, thực ra là cách nói ví von, đó là hành động diễn ra âm thầm, không ai biết, không ai nhận ra. Nếu bạn trộm một cái ví nhưng lại để bị bắt tại trận, nghĩa là kĩ năng trộm của bạn còn kém. Tương tự với lĩnh vực sáng tạo, trong suốt quá trình học tập và làm việc của mình, chúng ta không ngừng tiếp thu những nguồn tri thức, những ý tưởng khác nhau, chính những thứ đó sẽ được kết hợp, nhào nặn để tạo ra những thứ mới, đó là kiểu “trộm” của dân sáng tạo. Minh họa gần gũi nhất có lẽ là hình ảnh rồng và phượng, những sinh vật thần thoại mà có lẽ chẳng hề tồn tại trên đời. Rồng có thân rắn, sừng hươu, vảy cá, mũi trâu… Đây vốn là những đặc trưng của các sinh vật quen thuộc với con người. Phượng cũng tương tự, với khung xương chủ yếu được tạo nên từ con… gà. 

Ở một khía cạnh (hài hước) nào đó thì những nhà thiết kế hay những nghệ sĩ vĩ đại nhất cũng chính là những tên “trộm” xuất chúng nhất. “Don’t just steal the style, steal the thinking behind the style. You don’t want to look like your heroes, you want to see like your heroes” (tạm dịch: Đừng chỉ trộm phong cách mà hãy trộm cả cách tư duy. Bạn không muốn trông giống người hùng của mình, bạn muốn trở thành một người như vậy.)

Có một câu nói tương đối trần trụi nhưng thực tế trong cuốn sách mà tôi rất thích đó là “Garbage in, garbage out”. Đây là khái niệm được dùng trong khoa học máy tính và toán học, với ý nghĩa rằng chất lượng đầu ra được quyết định bởi chất lượng đầu vào: Nếu bạn có một mô hình toán học đúng nhưng nhập sai giá trị thì kết quả sẽ sai. Nói một cách thẳng thắn, trong lĩnh vực sáng tạo nếu thông tin đầu vào là rác thì ý tưởng đầu ra cũng sẽ là rác. “You are a mashup of what you choose to let into your life” (tạm dịch: Bạn là sự hòa trộn của những thứ bạn chọn đặt vào cuộc đời mình). Nếu chúng ta muốn tạo ra những ý tưởng chất lượng, thì chúng ta cần không ngừng trau dồi bản thân mình, không ngừng nhập vào đầu những ý tưởng chất lượng cao. “Diamond in, diamond out”, đây là câu chế vui của tôi.

Có lẽ bạn đang cảm thấy khá ngạc nhiên khi tôi bàn luận nhiều về những trích dẫn, những câu nói mà chưa chia sẻ nhiều về cấu trúc của cuốn sách? Thật ra, đó là cách tôi nhìn nhận cuốn sách này. Có người sẽ chia nó dưới dạng những lời khuyên về sáng tạo, hoặc theo cấu trúc từng phần. Còn với tôi, cuốn sách là một nguồn cảm hứng, mỗi câu mỗi chữ đều khiến tim tôi đập liên hồi, vì hưng phấn và quá đỗi mê say. Nó như nguồn sinh lực bơm vào tinh thần hao mòn sau những tháng ngày sáng tạo dưới áp lực căng thẳng của tôi, tiếp cho tôi thêm sức mạnh để bước tiếp con đường mình đã chọn. 

Lê Quý Đôn từng nói: “Đọc sách mà tìm được một ý hay, ví cũng như có được một thuyền hạt ngọc”. Còn cảm nhận của tôi về cuốn sách này đó là “chữ chữ như châu ngọc”. Nói cuốn sách chỉ dành cho dân sáng tạo hay làm nghệ thuật là nhận định khá hạn hẹp, tôi sẽ không đưa ra bình luận như thế. Sáng tạo là phẩm chất của con người, ai cũng có thể sáng tạo, không nhất thiết phải là nhà thiết kế, họa sĩ, kiến trúc sư, hay nhạc sĩ... thế nên cuốn sách dành cho tất cả mọi người. Nếu một ngày bạn cảm thấy bế tắc, hãy thử cầm cuốn sách lên và đọc vài trang, biết đâu bạn sẽ tìm thấy vài điều hay ho, khiến tim mình bừng sáng. Chúc các bạn có một trải nghiệm thật thú vị với cuốn sách này.

Tái bút: Cuốn sách đã được dịch ra tiếng Việt, tuy nhiên nếu khả năng tiếng Anh của bạn đủ tốt, tôi nghĩ bạn nên đọc bản tiếng Anh, như vậy sẽ có cơ hội hiểu sát nghĩa mà tác giả muốn truyền tải hơn. Cuốn sách khá ngắn, ngôn từ cũng rất gần gũi dễ hiểu chứ không nặng tính học thuật, nên các bạn yên tâm nhé!

Tác giả Austin Kleon sinh năm 1983 tại Mỹ. Hiện nay, ông hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sáng tạo. Ông đã cho ra đời khá nhiều tựa sách (đều là sách bán chạy) như: Steal Like an Artist; Show Your Work!; Keep Going; Steal Like An Artist Journal; Newspaper Blackout. Trong đó, Steal Like an Artist là cuốn sách đã tạo được tiếng vang lớn, và truyền cảm hứng cho rất nhiều người làm trong ngành sáng tạo.

Đánh giá cá nhân: 9/10

Phượng Châu

  • 2269
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1792

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)